Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN "hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội đối với các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định", sẽ có hiệu lực từ ngày 20/01/2022 tới.
Nhưng do khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN, chỉ còn quy định: "2. Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP".
Như vậy, "đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội" kể từ ngày 20/01/2022 sẽ không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định, mà chỉ còn được vay vốn ưu đãi để "xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở".
"Quy định này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không hợp tình hợp lý, gây bất lợi cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định.
Từ 20/01/2022, các NHTM không được cho vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội?
Theo ông Lê Hoàng Châu, đối chiếu với khoản 2 Điều 2 Thông tư số 25/2015/TT-NHNN (trước khi sửa đổi), thì NHNN đã loại bỏ cụm từ "mua, thuê mua nhà ở xã hội".
Có nghĩa là, NHNN đã loại bỏ "đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội" và kể từ ngày 20/01/2022, thì NHNN chỉ cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho vay vốn ưu đãi đối với "đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở" mà thôi.
"Khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho vay vốn ưu đãi đối với các "đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội" nên đã làm phát sinh "xung đột pháp luật" vì đã không phù hợp với các quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP", ông Châu nói.
Theo Chủ tịch HoREA, thật ra, việc NHNN loại bỏ "đối tượng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội" là có căn cứ pháp luật vì đã căn cứ vào khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014.
Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ riêng một khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 thì khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN là đúng, nhưng Luật Nhà ở 2014 còn nhiều quy phạm pháp luật khác quy định chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội.
Do vậy, việc NHNN đã không xem xét trên bình diện tổng thể các chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội, mà chỉ căn cứ vào khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 và không căn cứ vào các quy phạm pháp luật khác của Luật Nhà ở 2014 (nêu dưới đây) là chưa đầy đủ, chưa toàn diện, không phù hợp với thực tiễn.
"Việc NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định cho vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội dẫn đến các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt thòi nhất", ông Châu nói.
Ngân hàng Chính sách Xã hội được "ưu tiên"?
Theo HoREA, thực tiễn hơn 15 năm qua đã chứng minh, các NHTM được Nhà nước chỉ định đã thực hiện rất tốt, rất hiệu quả việc cho vay ưu đãi "để mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở". Kể cả việc thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2013-2016 thì các ngân hàng thương mại đã làm rất tốt.
Qua tổng kết, từ 1 đồng cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước thì các NHTM huy động thêm được 33 đồng vốn của xã hội.
Trong lúc NHCSXH đã không tham gia thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2013-2016. Đồng thời, do Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để cho vay ưu đãi nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020, nên NHCSXH hầu như mới chỉ cho một số hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi "để mua, thuê mua nhà ở xã hội" trong vài năm gần đây.
Chưa kể, NHCSXH cũng chỉ cam kết từ 1 đồng vốn cấp từ ngân sách nhà nước thì huy động thêm được 1 đồng vốn của xã hội mà thôi.
Điểm "lạ" là trong suốt 06 năm (kể từ ngày 09/12/2015 ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP cho đến ngày 01/04/2021 ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP) thì NHNN đã đồng thuận và đã không phản đối nội dung khoản 2 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP; khoản 2 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP); khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP).
Mãi đến nay, NHNN mới nêu quan điểm không đồng thuận thông qua việc ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN ngày 30/11/2021.
"Do khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN ngày 30/11/2021 có một quy phạm pháp luật dẫn đến "xung đột pháp luật" với khoản 4 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và khoản 7 Điều 21 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Vì vậy, HoREA khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo NHNN rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để đảm bảo khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN của NHNN thống nhất và phù hợp với các quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Nghị định 49/2021/NĐ-CP và Luật Nhà ở 2014", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, kiến nghị.
4 kiến nghị "nóng" gửi Thủ tướng Chính phủ
(1) HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN theo hướng vẫn giữ nguyên quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2015/TT-NHNN (chỉ bỏ mục đích "thuê") như sau: "2. Đối tượng vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP".
(2) HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 6 Thông tư 25/2015/TT-NHNN, như sau: "3. Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà. Và, "4. Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay".
(3) Năm 2022, khi xem xét xây dựng Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi), Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bổ sung thêm cụm từ "mua, thuê mua nhà ở xã hội" để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật về chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội.
(4) Hiệp hội đề nghị Chính phủ đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung "Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách về nhà ở xã hội" vào Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Từ đó được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chi trung hạn trong giai đoạn 2021-2026, để có căn cứ pháp luật để bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện chính sách về nhà ở xã hội.
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó có nội dung về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Báo cáo mới nhất từ công ty tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank nêu bật: Việt Nam là một thị trường bất động sản trọng điểm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và khối ngoại đang chú ý nhiều đến Việt Nam
Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".