Thứ sáu, 03/05/2024

Khu tái định cư vắng bóng dân cư

30/05/2022 6:00 AM (GMT+7)

Để giúp người dân ở các vùng ngập lụt, thường xuyên bị sạt lở đất, lũ quét đe dọa, các địa phương ở Bắc miền Trung đã xây dựng các khu tái định cư (TĐC) để người dân đến an cư, lạc nghiệp. Nhưng nghịch lý là các khu TĐC được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng người dân lại không mặn mà đến ở.


Khu tái định cư vắng bóng dân cư - Ảnh 1.

Khu TĐC Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) trở thành nơi tập kết, phơi gỗ nguyên liệu của người dân địa phương. Ảnh: DUY CƯỜNG


Trước tình cảnh người dân ven hồ Vực Mấu và sông Mai Giang thường sống trong cảnh ngập lụt, năm 2010, UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã xây dựng 2 khu TĐC tại xã Quỳnh Thắng và xã Quỳnh Trang. Khu TĐC Quỳnh Thắng rộng hơn 5ha, dự kiến đưa 60 hộ dân đến ở, mỗi hộ được bố trí 600m2 đất. Sau 2 năm triển khai với hơn 10 tỷ đồng, khu TĐC này đã hoàn thiện hạ tầng như đường, điện, nhà văn hóa cộng đồng… Nhưng từ đó đến nay, người dân vẫn không đến ở, dù huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/hộ để di dời. 

Ông Hồ Khắc Kiên (xóm 5, xã Quỳnh Thắng) cho biết, vào mùa mưa lũ, xóm ông thường xuyên bị ngập lụt, nhất là khi hồ Vực Mấu tích nước. Năm 2009, khi có chủ trương đến TĐC nơi cao ráo, gia đình ông đồng ý, nhưng sau đó thấy bất hợp lý nên không muốn đi nữa. Nguyên do là đất tại khu TĐC bố trí có 600m2, trong khi khu đất gia đình ông đang sinh sống hơn 2.000m2. Theo ông Kiên, gia đình sinh sống bằng nghề đánh cá, chăn nuôi, trồng trọt; đến khu TĐC ít đất canh tác và xa sông hồ thì không thể mưu sinh, nên chấp nhận hiểm nguy mà bám trụ lại nơi ở cũ. 

Đến nay, khu TĐC tại xã Quỳnh Thắng thành bãi chăn thả bò và làm nơi tập kết, phơi gỗ nguyên liệu của người dân gần đó. Tương tự, khu TĐC tại xã Quỳnh Trang (nay thuộc thị xã Hoàng Mai) rộng hơn 4ha, dự kiến bố trí cho 38 hộ dân, mỗi hộ 300-400m2, cũng đang là bãi đất hoang. Ông Hoàng Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, nơi ở cũ, mỗi hộ dân sở hữu từ 2.000 - 3.000m2 đất, trong khi đến nơi ở mới đất hạn hẹp nên người dân không muốn đi. Những hộ dân trước đây đăng ký đến khu TĐC nay cũng rút đơn không muốn di dời nữa. Để khu TĐC bỏ hoang suốt 10 năm qua, xã cũng rất “nóng ruột” vì lãng phí, vì vậy đã kiến nghị UBND huyện Quỳnh Lưu cho chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc đấu giá đất ở nhưng chưa được chấp thuận. 

Tại huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng chống ngập lũ cho nhân dân xã Điền Mỹ” với diện tích 21,6ha, vốn đầu tư hơn 41 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành. Tháng 3-2022, địa phương đã lên danh sách số hộ dân đăng ký để tổ chức cho bốc thăm chọn đất TĐC, nhưng đến nay vẫn chưa đạt theo kế hoạch. Ông Trần Tiến Chương, Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ, cho biết, hiện mới có hơn 100 hộ dân đăng ký ở khu TĐC. Theo quy định, để được cấp đất ở khu TĐC, người dân phải di dời tài sản, nhà cửa, trong khi chi phí di chuyển và làm nhà ở mới tại khu TĐC khá lớn và kinh tế của người dân rất khó khăn. Mặt khác, khi chuyển lên khu TĐC, mỗi hộ chỉ được hạn chế khoảng 350m2. Do vậy, nhiều người dân ở xã Điền Mỹ không muốn chuyển lên khu TĐC nữa. Theo ông Trần Tiến Chương, thời gian tới, nếu số lượng người dân đăng ký về khu TĐC vẫn không đủ (mục tiêu là 165 hộ), địa phương sẽ báo cáo cấp trên, đề xuất cho mở rộng đối tượng, ngoài trường hợp bị ngập lụt sẽ bổ sung đối tượng có nguy cơ bị sạt lở và chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Có như vậy mới có thể khép kín được khu TĐC, không để dự án hoang phí. 

Tại tỉnh Thanh Hóa, dự án di dân TĐC lòng hồ Yên Mỹ được UBND tỉnh phê duyệt với mức đầu tư 290 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án triển khai trong giai đoạn 2017-2021, nhưng đến nay mới làm được 16km đường giao thông nông thôn. Cùng với việc chậm tiến độ, đơn giá thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng thay đổi nên dự án “đội vốn” lên hơn 495 tỷ đồng so với giá trị phê duyệt năm 2017. Gần 5 năm qua, 922 hộ dân ở các xã Yên Mỹ (huyện Nông Cống), Thanh Kỳ, Thanh Tân (huyện Như Thanh), Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn) liên quan dự án lâm vào cảnh “đi không được, ở không xong”.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bất động sản Phát Đạt bị thu hồi dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Bất động sản Phát Đạt bị thu hồi dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa quyết định thu hồi dự án nhà thi đấu thể thao Phan Đình Phùng từ Phát Đạt để chuyển sang hình thức đầu tư công do công ty này chưa thể triển khai thi công.

Bất động sản giáp ranh TP.HCM tiếp tục hưởng lợi từ hạ tầng

Bất động sản giáp ranh TP.HCM tiếp tục hưởng lợi từ hạ tầng

Khu vực giáp ranh TP.HCM đang hưởng lợi rất lớn từ hạ tầng, giao thông. Đây là trợ lực quan trọng giúp các doanh nghiệp dịch chuyển xu hướng đầu tư, phát triển sản phẩm nhà ở khu vực tiệm cận.

Lộ diện khu vực phía Nam Hà Nội đang là đích ngắm mới của người mua bất động sản

Lộ diện khu vực phía Nam Hà Nội đang là đích ngắm mới của người mua bất động sản

Thường Tín vốn là cái tên không được nhắc đến trong những cơn sốt trước thì nay bỗng bật dậy như một vùng đất tiềm năng khi chuẩn bị lên quận cùng hàng loạt quy hoạch lớn.

Diễn biến mới của thị trường nhà ở phía Nam

Diễn biến mới của thị trường nhà ở phía Nam

Thị trường nhà ở phía Nam bắt đầu đón nhận những tín hiệu tín hiệu tích cực nhờ động thái mới của các chủ đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đảm bảo pháp lý.

TP.HCM: Đúng đối tượng mới được mua nhà ở xã hội

TP.HCM: Đúng đối tượng mới được mua nhà ở xã hội

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị phối hợp, tăng cường chế độ hậu kiểm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội để hạn chế phát sinh tiêu cực.

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng

Dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 1,11 triệu tỷ đồng

Tính đến 28/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng.