Chiều 19-9, tại buổi họp báo công bố một số điểm mới của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 65), ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cho biết thời gian qua, cơ quan này đã tăng cường thanh kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành trái TPDN riêng lẻ.
Với gần 30 đoàn kiểm tra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát hiện nhiều vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đối với các trường hợp dấu hiệu vi phạm hình sự, đã chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Theo ông Điền, từ tháng 10-2021 đến nay, các đoàn kiểm tra của UBCKNN đã kiểm tra 21 công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn, phát hiện 6 trường hợp có vi phạm liên quan cung cấp dịch vụ phát hành TPDN riêng lẻ.
Đại diện Bộ Tài chính thông tin các điểm mới của Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Các hành vi vi phạm chủ yếu như cung cấp hồ sơ chào bán TPDN riêng lẻ khi chưa được UBCKNN cấp phép, thông tin chào bán không chính xác, công bố thông tin sai lệch.
Đối với các tổ chức phát hành, ông Lê Công Điền cho biết qua kiểm tra 9 tổ chức phát hành, có 8 tổ chức vi phạm. Sở dĩ có tới 8 trong 9 tổ chức vi phạm, theo ông Điền, là do việc lựa chọn đối tượng kiểm tra là những tổ chức có mức độ rủi ro cao.
Trong đó, 2 công ty vi phạm chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCKNN. Đa số các tổ chức phát hành vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn quy định Nghị định 153.
Thông tin về Nghị định 65, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, cho biết Nghi định 65 có hiệu lực từ ngày 16-9, với các quy định mới được sửa đổi, bổ sung kỳ vọng sẽ bịt các lỗ hổng về phát hành TPDN riêng lẻ. Đồng thời, Nghị định cũng tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 65 là bổ sung các điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán theo hướng chặt chẽ hơn. Theo đó, hồ sơ chào bán TPDN bao gồm: Kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 1-1-2023); hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp vẫn được giới chuyên gia đánh giá là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển lành mạnh thị trường TPDN. Làm rõ hơn quy định mới này trong Nghị định 65, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết không phải tất cả các trường hợp DN phát hành trái phiếu riêng lẻ đều phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, mà tùy theo từng trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 19 và khoản 3 Điều 310 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Ông Dương lấy ví dụ, tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm khi tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỉ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.
Về lộ trình, từ từ 1-1-2023 sẽ thực hiện quy định này. Theo ông Dương, sở dĩ quy định một số trường hợp cụ thể bắt buộc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm mà không yêu cầu toàn bộ là căn cứ trên năng lực cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường hiện nay.
Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện có 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã được Bộ Tài chính cấp phép. Thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan này sẽ tiếp tục cấp phép cho 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
"Tín hiệu đáng mừng là hiện nay một số tổ chức xếp hạng có uy tín trên thế giới đã bày tỏ mong muốn được hoạt động tại Việt Nam, bằng nhiều cách, họ đang tìm hiểu thị trường của chúng ta"- ông Nguyễn Hoàng Dương thông tin.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định 65 đã bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Trước và sau khi phát hành phải công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố.
Bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm. Nội dung chuyên trang thông tin về TPDN tại Sở Giao dịch chứng khoán sẽ bổ sung công bố một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành, thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Theo Người Lao Động
Cổ phiếu YEG của công ty Yeah1 hôm nay 26/12 bị giảm kịch sàn vì nhà đầu tư bán ra để chốt lời.
Để đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành, Thủ tướng ấn định thời gian hoàn thành các dự án Bến Lức - Long Thành, Biên Hoà - Vũng Tàu, đường vành đai và các tuyến đường sắt nhẹ kết nối tới sân bay Long Thành...
Các ngân hàng khối quốc doanh lẫn tư nhân chiếm ưu thế trong danh sách 25 thương hiệu niêm yết dẫn đầu năm 2024 do tạp chí Forbes Việt Nam thực hiện.
Nhờ sự bùng nổ của AI đã thúc đẩy cổ phiếu công nghệ tăng trưởng qua đó cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương đã có năm 2024 khả quan khi các thị trường lớn đều tăng giá và ngân hàng trung ương của khu vực nới lỏng chính sách tiền tệ.
Giá cổ phiếu của Nvidia được nhiều nhà phân tích thế giới kỳ vọng sẽ tăng mạnh năm 2025 vì trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục định hình tương lai rõ ràng hơn. Trong khi đó, Nvidia là nhà cung cấp chip hàng đầu trong AI tạo sinh (GenAI), lĩnh vực công nghệ cao đang phát triển như vũ bão hiện nay.
Tháng 1/2025, ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ. VinaCapital dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2025, trong đó các yếu tố nội tại sẽ đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam.