Thứ bảy, 27/04/2024

Ký ức ngọt ngào thời thiếu ăn

20/10/2023 8:11 AM (GMT+7)

Mỗi con người đều có ký ức. Nhiều loại ký ức. Tuổi thơ, tuổi học trò, tuổi yêu, tuổi hoa niên. Ký ức về ăn uống gì đó, đi chơi đâu đó, quen biết ai đó. Trong ăn uống, ký ức khó phai nhạt nhất là về kem và sữa, nhất là đối với những người từng trải qua thời cả xã hội khốn khó.

Đâu đó trong giấc mơ, là giữa trưa hè nóng bức được ăn que kem lạnh buốt tới óc, cây kem là thành quả của việc mất cả tuần để thu gom phế liệu giấy vụn, vỏ chai, dây điện hỏng, lông gà. Cách thức giao dịch giữa chú bán kem với những thằng bé cởi trần suốt ngày chạy rông ngoài phố rất cổ xưa: hàng đổi hàng.

Mùi sữa đặc ngậy bốc lên, khi khuấy đều ly cà phê sữa sáng, nhiều lúc xộc thẳng vào vùng trũng cảm xúc đâu đó trong thùy não, khơi động những ký ức sữa ngọt ngào. Ký ức ngọt ngào sữa đặc trong cái thời bao cấp thiếu ăn đó sâu đậm lắm.

Đó là những buổi sáng chủ nhật đạp xe đi mua bốn ổ bánh mì về cho cả nhà chấm sữa đặc ăn. May ra chỉ có chủ nhật mới có đặc ân đó, ngày trong tuần chỉ có cơm nguội ăn sáng, lấy đâu ra tiền mà ra quán ăn sáng ngoài phố. Bạn của sữa đặc là cái lưỡi. Miết đi miết lại mẩu bánh mì cuối xuống bát đựng sữa rồi, chừng như chưa an tâm là đã vét hết sữa, đưa bát lên miệng, đảo lưỡi vài vòng quanh bát nữa. Chừng như lưỡi vẫn chưa đủ, thằng bé đổ nước sôi vào bát hòng trưng dụng được những nguyên tử sữa cuối cùng.

Ký ức ngọt ngào thời thiếu ăn - Ảnh 1.

Sữa Ông Thọ - món quà trở về tuổi thơ ngọt ngào...

Đó là những cốc sữa nóng được ông bà pha cho như một phần thưởng điểm cao trong giờ khảo bài. Sữa ông bà được người ta biếu khi đổ bệnh nhằm bồi bổ lại sức, nhưng để các cháu xơi hết. Đó là những lúc ăn vụng sữa, thời đó ống bơ sữa đúc kín, không có nắp khui lên như sau này. Khi dùng, phải đục hai lỗ đối xứng nhau trên mặt ống bơ, một lỗ để trút sữa ra, còn lỗ kia để thông khí cho sữa xuống.

Ống bơ sữa dùng chưa hết được cất vào chạn, cẩn thận thì để trên cái bát có nước tránh kiến bu. Thằng con cứ một chốc một lát lại chạy vào chạn, thò tay lấy ống bơ sữa ngửa cổ lên mút tọp tọp. Những nhà đông con lúc trước, chạn thức ăn thường được trang bị cả ổ khóa. Không khóa thì thức ăn tan hoang ngay với các ông tướng, thực phẩm thời tem phiếu rất khó. Bìa đậu phụ, vài miếng tóp mỡ đã quý như vàng rồi, nói gì đến thịt cá.

Lứa chúng tôi sinh cuối 7X hiếm sữa, mỗi lần nấu cơm, bà nội thường đổ nhiều nước, đến khi cơm sôi xong, bà gạn ra một bát nước cơm, cho một thìa đường đỏ vào khuấy đều, đó là sữa của chúng tôi. Chúng tôi thường nói đùa, giá lúc đó có sữa đặc uống thôi thì ít nhất bây giờ chúng tôi cũng cao thêm được vài xăng ti mét nữa. Thiệt thòi của một thời. Lứa em sinh sau đổi mới 1986 bắt đầu có sữa Ông Thọ uống thường xuyên nên đứa nào cũng trên 1m75. Sau đó vài năm nữa, có sữa bột kiểu Dielac, bọn nhỏ cao vượt trội.

Ký ức ngọt ngào thời thiếu ăn - Ảnh 2.

Trong ăn uống, ký ức khó phai nhạt nhất là về kem và sữa

Nói đến ký ức sữa, không thể quên cái ống bơ. Bây giờ toàn quốc gọi là lon, theo kiểu miền nam, không ai gọi là ống bơ nữa, nhưng cho dù phủ hết sóng, lon vẫn chưa đi vào thành ngữ, thơ ca kiểu như "sáng nhặt lá, chiều đá ống bơ, tối làm thơ". Ống bơ sữa bò Ông Thọ xuất hiện đủ mọi chỗ trong đời sống. Làm gáo múc nước, làm đồ chứa thức ăn khô, hoặc chứa các đồ tạp nhạp trong nhà như kim chỉ, đặc biệt là ống bơ đong gạo.

Cứ 4 ống bơ gạt ngang miệng bằng khoảng 1 kg gạo. Mỗi ống bơ cho ra khoảng 4 bát cơm bằng một người lớn ăn. Nấu cơm cứ căn theo số người mà đong ống bơ. Ngày trước, bữa ăn làm gì có đạm, lại phải lao động nhiều, nên ai ăn cơm cũng rõ là khỏe. Không như bây giờ, người ta chỉ cầm bát cơm lên gảy mấy đũa bảo đã no bụng lắm rồi. Nhà hết gạo, đi vay gạo hàng xóm cũng tính bằng đơn vị ống bơ. Cuối tuần, đổi gạo lấy bánh cuốn, bún, bánh đúc để "ăn tươi" cũng dùng đơn vị ống bơ.

Ống bơ còn làm đủ trò trong đời sống, làm cái nạo su hào đu đủ xanh, làm cái đánh săm để vá săm xe đạp, làm miếng vá chạn bếp. Với trẻ con, là trò điện thoại ống bơ, súng ống bơ nổ ran, làm đèn kéo quân, và đặc biệt nhất là trò ném dép ống bơ huyền thoại thu hút cả xóm dễ đến hơn hai chục đứa trẻ con vào mỗi đêm hè.

Sứ mệnh của cái ống bơ đã kết thúc dễ đến 20 năm nay. Nhưng sữa đặc vẫn còn. Ông Thọ vẫn còn. Có vài nhãn hiệu sữa đặc ra đời sau, ví dụ Ngôi Sao Phương Nam, nhưng người ta thường nhất thể hóa hai khái niệm "sữa đặc" với "Ông Thọ" thành một, có lẽ vì nó gắn bó quá chặt với người ta trong suốt một thời thương khó. Ký ức ống bơ, ký ức sữa đặc, ký ức thời khốn khó. Ai đó bảo, hạnh phúc ngọt ngào nhất của đời người đều từ bi thương kết trái mà thành.

Ông Thọ, trong bộ Tam Đa ba ông Phúc Lộc Thọ chủ về tuổi thọ, sức khỏe. Tên tiếng Anh của sữa này "Longevity" nghĩa là "trường thọ". Có lẽ quan niệm vào cái thời ngày trước khốn khó, cứ bơ sữa bổ béo là trường thọ sống lâu. Bây giờ người ta hô hào nhau bớt ăn đường, ăn béo, nhưng chất ngọt thì vẫn khó có thể thiếu trong các món bánh, cà phê, nước sinh tố, trái cây dầm, nên cứ phải có sữa đặc thôi. Thà sữa đặc ngầy ngậy còn hơn là đường, rồi siêu đường.

Cái tên Ông Thọ cùng với hình ảnh thương hiệu dẫu có già cỗi hơn so với các tên gọi thời thượng khác nhưng nó vẫn là cái tên thân thương đến mức khỏi cần phải thay tên đổi họ, khỏi cần phải rebrand hay tái cấu trúc thương hiệu như các bạn làm thương hiệu hay tiếp thị vẫn nói. Thì đã nói trên rồi, người ta thương từ ký ức thương ra, thương từ thế hệ này sang thế hệ khác, sao phải đổi.

Trong bao nhiêu "thương hiệu vượt thời gian" như Xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, bia Trúc Bạch, mỹ phẩm Thorakao, bông Bạch Tuyết, mì Hai Tôm, tàu vị yểu Con Mèo Đen…, có mấy thương hiệu đến giờ còn sức sống mãnh liệt như Ông Thọ. Cứ như là cái tên phù hộ cho sản phẩm, Ông Thọ là phải thọ nhất. 

Ông Thọ già mà không đứng yên một chỗ, cứ sòn sòn ra thêm các dòng sản phẩm sữa đặc với hương vị khác, trong nhiều loại hình bao bì khác nhau, từ giấy đến tuýt bóp như kem đánh răng, đi thi nhiều cuộc thi về sữa khác nhau. Ông Thọ già vẫn nở nụ cười trường thọ trên bao bì sản phẩm.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Vì sao ghế chủ tịch Bamboo Capital được chuyển cho doanh nhân nước ngoài?

Vì sao ghế chủ tịch Bamboo Capital được chuyển cho doanh nhân nước ngoài?

Doanh nhân Kou Kok Yiow từ Singapore được bầu làm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital ngày 27/4 để thay ông Nguyễn Hồ Nam, người sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch Hội đồng chiến lược của tập đoàn.

Hướng tới công nghệ AI, TP.HCM hy vọng hợp tác với NVIDIA

Hướng tới công nghệ AI, TP.HCM hy vọng hợp tác với NVIDIA

TP.HCM mong muốn hợp tác với Tập đoàn NVIDIA để phát triển công nghệ Al ứng dụng vào nhiều lĩnh vực tại Thành phố.

Xu hướng quần lửng trẻ trung, tôn dáng

Xu hướng quần lửng trẻ trung, tôn dáng

Chị em nên bổ sung quần lửng cho tủ đồ để phong cách mùa hè thêm mới mẻ.

Đặc sắc Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn

Đặc sắc Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn

Lễ hội Ẩm thực ba miền tại Thảo cầm viên Sài Gòn, Quận 1, TP.HCM đang thu hút nhiều người dân, du khách đến vui chơi và thưởng thức. Đây là lần đầu tiên Thảo cầm viên Sài Gòn tổ chức lễ hội ẩm thực để thu hút thêm nhiều du khách đến đây vui chơi vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Người dân TP.HCM thong thả vui chơi, tận hưởng ngày đầu nghỉ lễ 30/4

Người dân TP.HCM thong thả vui chơi, tận hưởng ngày đầu nghỉ lễ 30/4

Đường phố, điểm tham quan, vui chơi tại TP.HCM không quá đông đúc trong ngày 27/4. Nhờ vậy, người dân có thể tận hưởng không khí và thong thả trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Lần đầu tiên, ngành đường sắt đưa tàu có thiết kế "chống say xe" phục vụ hành khách

Lần đầu tiên, ngành đường sắt đưa tàu có thiết kế "chống say xe" phục vụ hành khách

Ngành đường sắt lần đầu tiên đưa loại ghế có thể xoay 180 độ vào khai thác phục vụ hành khách trên tàu SE21/22. Vì vậy, hành khách có thể thoải mái tự điều chỉnh hướng ngồi cho phù hợp, không còn phải lo bị say xe do ngồi ngược chiều khi tàu chạy.