Hiện nay, TP.HCM có khoảng nửa triệu hộ chưa có nhà ở hoặc phải sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình. Do đó, nhu cầu nhà ở/nhà thuê là rất lớn và không ngừng gia tăng, với số lượng mỗi năm thêm khoảng 200.000 hộ, chủ yếu là tăng cơ học.
Trong khi đó, số lượng sản phẩm nhà ở cung ứng ra thị trường liên tục sụt giảm theo thời gian. Cụ thể, báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung phân khúc nhà ở cao cấp chiếm hơn 80%, nhà ở trung cấp chiếm gần 20%, còn nhà ở bình dân không còn (0%). Sở Xây dựng cho biết, đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu. Cụ thể, HoREA nhận thấy, so với năm 2017 - năm thị trường bất động sản TP.HCM tăng trưởng cao nhất trong 10 năm, với tổng số 42.991 căn nhà đưa ra thị trường thì trong những năm gần đây đã sụt giảm nguồn cung dự án, dẫn đến giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, thể hiện qua số lượng nhà ở đưa ra thị trường liên tục sụt giảm.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM dẫn chứng, năm 2018, nguồn cung chỉ có 28.316 căn nhà, bằng 65,8% so với năm 2017; năm 2019, nguồn cung chỉ có 23.046 căn nhà, bằng 53,6% so với năm 2017; năm 2020, nguồn cung chỉ có 16.895 căn nhà, bằng 39,2% so với năm 2017; năm 2021, nguồn cung chỉ có 14.443 căn nhà, bằng 33,6% so với năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung chỉ có 9.456 căn nhà, bằng 44% so với 6 tháng đầu năm 2017.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định việc thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Chỉ số giá nhà ở cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở.
Ngoài mất cung cầu, thị trường còn mất cân đối khi tình trạng lệch pha về phân khúc nhà ở cao cấp thể hiện rất rõ trong hai năm gần đây. Tại TP.HCM, loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021, trong khi nhà ở cao cấp chiếm đến 74%.
Để giải quyết bài toán tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường, HoREA đã 4 công văn kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc của 116 dự án bất động sản nhà ở thương mại. Theo HoREA, hầu hết vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý hoặc thủ tục đầu tư xây dựng, đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được TP.HCM gỡ vướng.
Được biết, đa số các chủ đầu tư trong 116 dự án này kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường đẩy nhanh công tác tính tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý. Nên ưu tiên cấp trước sổ đỏ cho người dân, còn đối với các phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư có thể cấp sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có).
Một số chủ đầu tư các dự án khác kiến nghị TP sớm hoàn thành thủ tục tính tiền sử dụng đất, cập nhật các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, cập nhật chỉ tiêu quy hoạch 1/2000...
Ông Lê Hoàng Châu cho hay, các vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được TPHCM gỡ vướng, xử lý dứt điểm. Một phần do luật chồng luật, nhất là các quy định tréo ngoe về đóng tiền sử dụng đất và các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, khiến hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM bế tắc. Điều này khiến không ít doanh nghiệp mang tiếng bội tín với khách hàng. Ngoài ra, sở, ngành có liên quan và địa phương có tư tưởng "sợ ký, sợ trình" dẫn đến hồ sơ dự án kéo dài hoặc bị "đá qua đá lại" giữa các sở, ngành, không bên nào chịu giải quyết dứt điểm.
Trả lời về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thời gian qua, Sở Xây dựng được UBND TP giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tổng hợp ý kiến và báo cáo tiến độ kết quả giải quyết của các dự án nhà ở trên địa bàn.Theo đó, hiện nay các sở, ngành liên quan báo cáo vướng mắc của các dự án đến trách nhiệm của sở ngành mình còn rất chậm.
Để tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành trong việc phối hợp thực hiện, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản giao trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ. Trường hợp các đơn vị chậm báo cáo hoặc chậm có ý kiến sẽ chịu trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND TP.HCM.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Cơ quan chức năng ở TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu "đất vàng" tại quận 10. Mục đích thu hồi là để xây một trường học mới.
Ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua.
TP.HCM đã có thông báo đến nhà đầu tư và doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tại TP.HCM, dọc tuyến Metro số 2 sẽ có ba khu "đất vàng" được quy hoạch theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).