Đáng chú ý, có 9 sàn giao dịch công bố chấm dứt hoạt động. Trong đó, ngoài 6 sàn giao dịch được Sở Xây dựng công bố trong tháng đầu năm, cơ quan này cập nhật thêm 3 sàn dừng hoạt động.
Cụ thể, các sàn này bao gồm: Sàn giao dịch bất động sản Vieland của Công ty TNHH Dịch vụ bất động sản Vieland (Quận 3), thành lập tháng 4/2021; Sàn giao dịch bất động sản Goland của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển quỹ đất Goland (Quận 1), thành lập tháng 3/2019; Sàn giao dịch bất động sản Kim Cúc Land của Công ty Cổ phần Đầu tư Kim Cúc Land (Quận Bình Thạnh), thành lập tháng 5/2022.
Trước đó, trong tháng 12/2022, Sở Xây dựng TP.HCM cũng công bố 5 sàn giao dịch BĐS chấm dứt hoạt động, ngoài Sàn giao dịch bất động sản Hoàng Anh (quận 10) đã chấm dứt hoạt động từ tháng 9/2019.
Cụ thể, các sàn này bao gồm: Sàn giao dịch bất động sản Wonderland (Công ty TNHH Gia Luật Group); Sàn giao dịch bất động sản Hiệp Long, Quận Tân Bình (Công ty CP Quản lý và Phát triển Hiệp Long); sàn giao dịch bất động sản DPV, Quận 3 (Công ty CP Phát triển bất động sản DPV); Sàn giao dịch bất động sản Milestone Land, TP.Thủ Đức (Công ty TNHH ImPact Investment Consultancy); Sàn giao dịch bất động sản Trung Thịnh, Quận 6 (Công ty TNHH Đầu tư phát triển Trung Thịnh).
Hiện trên địa bàn TP.HCM có 59 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động, giảm một sàn so với thời điểm giữa tháng 1.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản
Theo Báo cáo thị trường bất động sản năm 2022, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong khi số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng nhẹ thì số tuyên bố phá sản, giải thể tăng tới 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giải thể là 235 doanh nghiệp, tăng gần 20% so với 2 tháng đầu năm 2022.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là 55.989 tỷ đồng, đáo hạn năm 2023 là 282,16 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là 362,9 nghìn tỷ đồng.
Đối với trái phiếu đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản là 21,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn; trong đó 99,6% có tài sản đảm bảo.
Đây là áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân; trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Hiện hàng loạt doanh nghiệp không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, hàng tồn kho tăng, có số lỗ cao kỷ lục. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất… để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) thông tin, trong 10 tháng đầu năm 2022, có gần 2.300 doanh nghiệp môi giới tạm dừng kinh doanh có thời hạn và gần 1.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thế, lần lượt tăng 52,8% và 42% so với cùng kỳ.
Từ giữa năm 2022, thanh khoản trên thị trường bất động sản bắt đầu sụt giảm mạnh, trực tiếp tác động tới hoạt động môi giới bất động sản. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giảm nhân sự.