Mới nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, 6 tháng đầu năm, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Con số này cũng chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỷ đồng.
"Hoạt động kinh doanh của TPBank trong nửa đầu năm nay được đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cũng như nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 3,13%, thấp hơn rất nhiều so với nửa đầu năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%). Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu", đại diện TPBank thông tin.
Điểm tích cực trong bức tranh lợi nhuận nửa đầu năm của TPBank là tỷ trọng thu nhập ngoài lãi có sự cải thiện tích cực khi tăng lên mức 28% trên tổng thu nhập. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 1.500 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6), tương đương tăng 26% so với cùng kỳ...
Trước đó, một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm.
Theo đó, trong quý II/2023, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 880 tỷ đồng và lũy kế nửa đầu năm lợi nhuận trước thuế ở mức 2.446 tỷ đồng, giảm tới 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này mới chỉ hoàn thành 41% kế hoạch năm.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, HNX: BAB) cũng vừa báo lãi trước thuế gần 139 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu tính đến cuối quý 2 tăng 32%.
Tính riêng trong quý II, thu nhập lãi thuần của BAB đạt gần 641 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng như lãi từ dịch vụ (+16%), lại từ kinh doanh ngoại hối (gấp 6,7 lần), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư (gấp 4,6 lần).
Ở chiều ngược lại, hoạt động khác chỉ thu được khoản lãi hơn 7 tỷ đồng, giảm đến 58%. Chi phí hoạt động trong kỳ tăng đến 73%, lên mức hơn 545 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Bac A Bank trong quý II giảm 26%, chỉ còn hơn 172 tỷ đồng.
Kết quả, BAB báo lãi trước thuế gần 139 tỷ đồng trong quý II, giảm 25% so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần tại Bac A Bank đạt hơn 1.219 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế đạt hơn 474 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng kỳ vọng sẽ dần cải thiện trong quý II/2023.
Tuy nhiên, thực tế lại không như kỳ vọng. Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến ngày 30/6/2023 đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022, cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá chậm.
Vì vậy, theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, lợi nhuận nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong quý II trong khoảng từ 3-7%, riêng nhóm ngân hàng TMCP thì sẽ có sự phân hóa mạnh.
Cụ thể, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý II của Vietcombank đạt khoảng 10.000 - 10.300 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ). Tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3% so với đầu năm (cuối quý I mức tăng trưởng đạt 2,5%) khi ngân hàng tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong việc giải ngân mới, trong khi tăng trưởng huy động duy trì ổn định (tăng 6% so với đầu năm). Chất lượng tài sản dự báo tiếp tục được duy trì.
Tại BIDV, dự báo lãi trước thuế quý II đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi của ngân hàng tính đến cuối tháng 6 lần lượt đạt khoảng 6,9% và 4,5% so với đầu năm.
Chất lượng tài sản dự báo được kiểm soát quanh mức 1,4-1,5% và NIM có thể đi ngang so với quý trước (nhưng vẫn thấp hơn quý II/2022).
Với VietinBank, mức lợi nhuận ước tính là khoảng 6.200 - 6.500 tỷ đồng, tăng 7 - 13% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 6,6% và 4,9% so với đầu năm.
Riêng với nhóm ngân hàng cổ phần lớn, tăng trưởng lợi nhuận có sự phân hoá rõ. SSI dự báo lợi nhuận các ngân hàng HDBank, Sacombank, VIB ghi nhận tăng trưởng; MB đi ngang và lợi nhuận của ACB, Techcombank, TPBank sụt giảm.
Cụ thể, với HDBank, SSI dự kiến ngân hàng vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 10% so với đầu năm vào cuối quý II. Lợi nhuận trước thuế quý II dự kiến đạt khoảng 2.800 - 3.100 tỷ đồng (tăng khoảng 1% - 12% so với cùng kỳ).
Với Sacombank, SSI kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý II do biên lãi ròng (NIM) trở về mức bình thường và tăng trưởng tín dụng đạt mức 5% so với đầu năm. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Sacombank có thể đạt quanh mức 2.000 - 2.300 tỷ đồng (tăng khoảng 53% - 76% so với cùng kỳ), hoàn thành 46% - 50% kế hoạch đặt ra tại đại hội cổ đông.
Một số ngân hàng khác được dự báo lợi nhuận giảm như: Techcombank sẽ đạt khoảng 5.500 - 5.800 tỷ đồng trong quý II, giảm 20% so với cùng kỳ; TPBank dự kiến đạt 1.600 - 1.700 tỷ đồng (giảm khoảng 25% đến 21% so với cùng kỳ); ACB sẽ đạt khoảng 4.400 - 4.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm khoảng 10% đến 4% so với cùng kỳ.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.