Cách đó không xa là vườn quýt hồng chậu chưng Tết của ông Hà Thanh Hồng. Theo nông dân này, vụ Tết năm nay, vườn nhà ông dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 200 chậu. "Vụ Tết, quýt hồng lên chậu thì hay nhiễm bệnh thối rễ, bị nhện tấn công. Vì vậy, nhà vườn như tôi phải chủ động việc phòng ngừa bằng cách xây dựng hệ thống nhà lưới để bảo vệ cho cây phát triển tốt. Năm nay, giá bán quýt hồng chậu vẫn như mọi năm, dao động từ 2-7 triệu đồng/chậu, tùy vào hình dáng và số lượng trái mỗi chậu" – ông Hồng thông tin.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, toàn huyện hiện có 318 ha quýt hồng đang cho trái, trong đó diện tích hiện tham gia đề án bảo tồn quýt hồng của huyện là 50ha. Vụ quýt Tết năm nay, các diện tích vườn quýt hồng có tham gia đề án đều phát triển tốt. Đối với đặc sản quýt hồng lên chậu, hiện thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP HCM, Đông Nam bộ và các tỉnh phía Bắc...
Để có sản phẩm chất lượng, nông dân Lai Vung tập trung cho các khâu tạo màu quýt nhằm cho trái ra đúng dịp Tết Nguyên đán
Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, cho biết đến nay đề án quýt hồng đã triển khai hoàn thành một vụ. Qua khảo sát tại các vườn trên địa bàn huyện, quýt Tết đều cho trái đẹp, năng suất cao.
Cũng là mặt hàng được ưa chuộng dịp Tết Nguyên đán, quýt hồng lên chậu đang được nông dân tập trung các khâu chăm sóc để ra trái đúng theo yêu cầu
Vì vậy, ước tính sản lượng quýt của toàn huyện khoảng 1.500-2.000 tấn trái, cao gấp 4- 5 lần năm ngoái. Tương tự, quýt hồng trồng chậu chưng Tết là mặt hàng rất được thị trường ưa chuộng. Mô hình này góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương, mang lại thu nhập cao cho nhiều nhà vườn.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nông dân trồng quýt lên chậu tập trung giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội
Đây là tín hiệu vui, niềm hy vọng nhiều năm qua của bà con nhà vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung khi mà loại cây đặc sản gắn liền với quê hương đang phục hồi mạnh mẽ.