Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11-2023 có 7.508 ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, giảm 22% so với tháng trước đó. Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, số lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc là 111.278 xe, giảm 26,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống, chỉ có 89.916 chiếc được nhập về trong 11 tháng, giảm mạnh 28,5% so với cùng kỳ.
Bất ngờ đảo chiều
Trong khi đó, doanh số ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang tăng tốc với 31.100 chiếc trong tháng 11-2023, tăng 18,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, doanh số ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 308.600 chiếc, gấp 2,5 lần số lượng xe nhập khẩu.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho hay những năm trước, doanh số ô tô nhập khẩu nguyên chiếc luôn cao hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng năm nay có sự đảo chiều bất ngờ.
Ông Hoàng Thanh Tuấn, chủ cửa hàng ô tô tại TP Thủ Đức (TP HCM), nhận định các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang dần soán ngôi dẫn đầu thị trường khi khách hàng có xu hướng quan tâm, chọn mua xe nội địa nhiều hơn. Những năm trước, ô tô giá rẻ từ Indonesia tràn về Việt Nam rất mạnh, có nhiều thời điểm vượt cả doanh số xe nhập khẩu Thái Lan. Tuy nhiên, trong năm 2023, ô tô nhập từ Indonesia không còn "làm mưa làm gió" tại thị trường Việt Nam mà quay đầu giảm đáng kể. Nguyên nhân là bởi sau một vài năm trải nghiệm, người tiêu dùng Việt đánh giá chất lượng những dòng xe này không cao nên quay về lựa chọn ô tô nội địa.
Nhiều ưu thế
TS Nguyễn Thành Tâm, giảng viên Bộ môn kỹ thuật ô tô Trường ĐH Quy Nhơn, nhận xét ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đạt chất lượng gần như ngang ngửa xe nhập khẩu song giá lại tốt hơn khá nhiều. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng chọn những mẫu xe có lợi thế về giá và được hưởng nhiều ưu đãi hơn.
"Ô tô lắp ráp trong nước sử dụng phần lớn linh kiện cốt lõi nhập khẩu từ tập đoàn mẹ nên chất lượng được bảo đảm. Phần linh kiện nội địa hóa của Việt Nam có tỉ lệ thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực nên tính ra, chất lượng xe lắp ráp ở Việt Nam cao hơn các nước. Bởi lẽ, dù gì thì linh kiện sản xuất tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á vẫn chưa thể ngang hàng với linh kiện nhập khẩu từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Người tiêu dùng nhìn ra được điểm này nên bắt đầu ưu ái ô tô nội địa hơn" - TS Nguyễn Thành Tâm phân tích.
Ông Đào Công Quyết, đại diện VAMA, cho rằng xe sản xuất trong nước hay nhập khẩu nguyên chiếc đều có chất lượng tương đương tiêu chuẩn. Lý do khiến ô tô nội địa tiêu thụ tốt hơn trong thời gian qua là do chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ kịp thời.
Ông Trần Đình Kỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Moveo New City, nhận định khi thị trường ô tô khởi sắc, các hãng thường tăng cường nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán bởi "đi buôn" sẽ thu lời nhiều hơn mà không mất công sản xuất. Nhưng trong lúc kinh tế khó khăn, ô tô nhập khẩu khó tiêu thụ bởi trở ngại về vấn đề giá cả, do đó xe sản xuất trong nước dần chiếm ưu thế.
"Ô tô nhập khẩu phải gánh thuế, phí cao và cộng thêm chi phí vận chuyển khiến giá thành tăng. Trong khi đó, sản phẩm sản xuất, lắp trong nước không tốn phí vận chuyển và được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu, chẳng hạn chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ" - ông Kỷ so sánh.
Theo giới kinh doanh ô tô, một nguyên nhân khác giúp các dòng xe sản xuất trong nước hấp dẫn người tiêu dùng là vì có nhiều mẫu, nhiều bản với mức giá chênh lệch đến cả trăm triệu đồng mỗi chiếc nên có nhiều cơ hội để lựa chọn. Chưa kể, xe lắp ráp trong nước còn có lợi thế nhờ phụ tùng, linh kiện có sẵn tại chỗ nên khi cần sửa chữa, thay thế, chủ xe được đáp ứng nhanh chóng với giá cả hợp lý, không phải chờ đợi lâu. Ngoài ra, việc nhiều hãng xe và đại lý ưu đãi thêm 50% lệ phí trước bạ bên cạnh mức ưu đãi 50% của nhà nước cũng giúp thúc đẩy doanh số ô tô nội địa.
Theo Người Lao Động
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Tập đoàn Toyota sẽ thử nghiệm dòng xe van chở khách chạy bằng hydro và điện (động cơ hybrid gần như không phát thải khí CO2) trên đường tại Úc vào mùa xuân 2025 sau giai đoạn chạy thử ở Nhật hiện nay.
Từ ngày 01/12/2024 trở đi, xe sản xuất và lắp ráp trong nước không được miễn 50% phí trước bạ, vì thế cuộc đua của xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu ngày càng gay cấn.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đang hợp tác chặt chẽ với nhau cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump. Tuy nhiên, người ta không thể biết mạng X của Musk sẽ có những "chiêu" gì khi Bluesky đang nổi lên mạnh mẽ.
Trong tháng 10/2024, lượng ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 2.617 xe, tương đương 78,6 triệu USD, tăng 11% so với tháng trước.
Công ty VinFast nhận hỗ trợ tài chính từ tập đoàn mẹ Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, nhằm dự phòng nguồn vốn.