Trang imf.org của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã đăng bài viết đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Theo đó, trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 và tiến hành chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn.
Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng tích cực và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, cùng với đó là hoạt động sản xuất tăng cao và sự bứt phá của bán lẻ và du lịch.Với các cập nhật này, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam 2022 lên 7% - cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức dự báo của 3 tháng trước đó. Mức điều chỉnh tăng này là mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Tuy nhiên, trong đánh giá bổ sung này, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam 2023 còn 6,7% - giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Dù vậy, con số này vẫn khả quan so với viễn cảnh u ám ở các nước khác và là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.
Theo báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF, tăng trưởng kinh tế toàn khu vực châu Á được dự báo giảm còn 4,2% và 4,6% trong năm 2022 và năm 2023.
Phần về Việt Nam, IMF đề cập đến áp lực lạm phát ở một số hàng hóa như nhiên liệu và dịch vụ liên quan, như vận tải. Còn với thực phẩm, dù giá toàn cầu tăng vọt, nhưng người tiêu dùng Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng bởi, vì nguồn cung trong nước dồi dào.
Giá thịt heo thậm chí giảm so với mức đỉnh của năm 2021, còn giá gạo vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì. Hơn nữa, giá các dịch vụ như y tế và giáo dục cũng tăng vừa phải.
Tổng quan tình hình lạm phát Việt Nam, IMF cho hay giá tiêu dùng trong bảy tháng đầu năm 2022 có tăng nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước. Sự phục hồi kinh tế chậm chạp trong năm 2021 đã giúp duy trì mức lạm phát cơ bản thấp hơn các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, lạm phát có thể gia tăng khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Chi phí vận tải và các mặt hàng như phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng có thể khiến giá nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng, gây thêm áp lực lạm phát.