Theo quy hoạch được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt tháng 8/2021, sân bay Côn Đảo được quy hoạch là cảng hàng không nội địa cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có thể khai thác máy bay code C và tương đương (có thể đón được máy bay cỡ lớn như A320, A321), có 8 vị trí đỗ máy bay. Sân bay này cũng được quy hoạch công suất 2 triệu hành khách/năm và 4.400 tấn hàng hóa/năm
Vừa qua, có thông tin sân bay Côn Đảo sẽ đóng cửa 9 tháng (từ tháng 4 đến hết tháng 12/2023) để phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp đường băng. Về vấn đề này, UBND huyện Côn Đảo đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu dân cư trên địa bàn thông tin về kế hoạch đóng cửa sân bay Côn Đảo để nâng cấp, cải tạo đường băng.
Theo UBND huyện Côn Đảo, hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đang có thông tin sân bay Côn Đảo sẽ đóng cửa 9 tháng (từ tháng 4 đến hết tháng 12/2023) để phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp đường băng.
Theo tiến độ thực tế, dự án đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không Côn Đảo đang được Cục Hàng không Việt Nam lập hồ sơ thiết kế cơ sở. UBND huyện chưa có thông tin chính thức về thời gian dự kiến khởi công và đóng cửa sân bay từ chủ đầu tư dự án là Cục Hàng không Việt Nam.
Như vậy, các thông tin về thời gian sân bay Côn Đảo đóng cửa vào tháng 4/2023 là không chính xác. Khi có thông tin thống nhất xác thực giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cục hàng không Việt Nam, huyện Côn Đảo sẽ có thông báo trên Cổng thông tin Điện tử huyện trước ba tháng để các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động tổ chức, kinh doanh.
Để sớm triển khai dự án này, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cấp, mở rộng tại Cảng hàng không Côn Đảo.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, có 2 phương án đầu tư đồng bộ sân bay Côn Đảo, hoặc theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, hoặc theo Luật Đầu tư PPP. Cụ thể, Cục Hàng không cho biết, nếu triển khai đầu tư theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, Cục này sẽ làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án thành phần 1: Đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn với tổng kinh phí 1.680 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024.
Dự án thành phần 2 (công trình bảo đảm hoạt động bay) sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm nhiệm. Theo đó, đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm đầu tư Đài Kiểm soát không lưu, Hệ thống quan trắc khí tượng tự động với tổng mức đầu tư dự kiến 169 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 (nhà ga hành khách, sân đỗ và hạ tầng dùng chung…) sẽ do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.400 tỷ đồng.
Riêng dự án thành phần 4 (kho xăng dầu hàng không) sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hướng dẫn về lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay của Bộ Giao thông Vận tải. Dự kiến có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư.
Trong khi đó, phương án 2 sẽ triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư (trừ hình thức BOO để đảm bảo nguyên tắc nhà nước có quyền định đoạt đối với kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia).
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền dự án PPP Cảng Hàng không Côn Đảo. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.402 tỷ đồng bằng nguồn vốn của nhà đầu tư. Tiến độ triển khai thực hiện tối thiểu 51 tháng trong khi nếu triển khai theo phương án 1 chỉ cần 21 tháng.
Theo huyện Côn Đảo, trong thời gian sân bay tạm ngừng hoạt động, việc di chuyển của người dân đến Côn Đảo sẽ thực hiện chủ yếu bằng đường biển. Và cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân.
Hiện tại Côn Đảo đang còn hạn chế việc tiếp nhận tàu khách do đang sửa chữa, hoàn thiện các cầu cảng. Tuy nhiên, sắp tới khi 2 cầu cảng được đưa vào hoạt động, sẽ tăng thêm khả năng tiếp nhận các chuyến tàu vận tải hành khách đến Côn Đảo. Qua đó tăng cao năng suất vận tải, đáp ứng nhu cầu đi lại trong thời gian tạm đóng cửa sân bay.
"Khi ngừng hoạt động sân bay, chắc chắn lượng khách du lịch đến địa phương sẽ ảnh hưởng sụt giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng đồng tình, ủng hộ, với mong muốn thời gian sau sẽ đón khách tốt hơn. Các doanh nghiệp cũng mong muốn thời gian nâng cấp sửa chữa đúng tiến độ, không kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh", lãnh đạo huyện Côn Đảo cho biết.
Còn Đại diện Công ty cổ phần Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express - đơn vị vận hành 2 tuyến vận tải hành khách đến Côn Đảo từ Vũng Tàu và Sóc Trăng) cho biết, đã sẵn sàng về phương tiện để có thể đảm bảo kết nối giao thông đến Côn Đảo.
"Đơn vị đang có 3 tàu cao tốc 600 chỗ, và 1 tàu cao tốc Thăng Long hơn 1.000 chỗ để vận tải hành khách đến Côn Đảo, nhưng hiện chỉ có 2 tàu 600 chỗ hoạt động, do vậy vẫn chưa khai thác hết công suất. Nếu tạm dừng hoạt động sân bay, doanh nghiệp sẽ tăng cường đưa vào vận hành toàn bộ tàu (thêm 1.600 chỗ/ngày) thì có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại, hoặc tăng thêm các chuyến khi nhu cầu đi lại tăng cao", đại diện Phú Quốc Express chia sẻ.
Như vậy, trong thời gian sân bay Côn Đảo tạm ngừng hoạt động, người dân và du khách có nhu cầu có thể di chuyển đến các địa phương như: TPHCM, TP.Vũng Tàu, TP.Cần Thơ, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Rồi từ các địa phương này theo các phương tiện tàu cao tốc, trực thăng để di chuyển ra Côn Đảo và ngược lại.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc