Rất nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội không thể tái tạo. Tuy nhiên, sau khi di dời ra khỏi vị trí cũ, các cơ sở này nhanh chóng bị biến thành đất để xây chung cư như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy Dệt 8-3 …
Nằm lọt thỏm giữa các nhà xưởng cũ của một số công ty trong ngõ 156, phường Phú Viên, Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội là một không gian rộng rãi rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát và tràn ngập cây xanh. Điểm đặc biệt không gian này được xây dựng từ hạ tầng cũ của một nhà máy sản xuất mũ cối từ những năm 70 của Hà Nội và có nhiều năm bị bỏ hoang làm nơi đổ rác.
KTS Phạm Quang Huy, nhà sáng lập 282 Design chia sẻ về lý do tái thiết lại không gian của một nhà máy bỏ hoang: "Hà Nội đang thiếu gồm gió, ánh sáng, lượng không khí đang bị đặc do ô nhiễm từ phương tiện giao thông, từ các nhà cao tầng; Hà Nội đang thiếu những lá phổi gồm công viên, mặt nước, người dân thiếu chỗ chơi, những không gian trải nghiệm, cà phê, các địa điểm tổ chức sự kiện như workshop, thư viện, các câu lạc bộ".
Theo PGS.TS Phạm Thúy Loan, Đại diện của Mạng lưới di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam, di sản công nghiệp là các giá trị gắn với nền văn minh công nghiệp, bao gồm tòa nhà, công xưởng, máy móc, nơi chế biến, hạ tầng cảng biển, đường sắt… Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời di sản văn hóa nói chung, mang những giá trị độc đáo và đóng góp sự đa sắc màu trong nền kinh tế văn hóa.
Theo bà Loan, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội có nhiều di sản công nghiệp, tuy nhiên quá trình đô thị hóa, nhiều cơ sở công nghiệp có giá trị đã bị biến mất trước khi được công nhận: "Hiện nay đại đa số các nhà máy đã chuyển đổi đều bị xóa trắng để xây dựng các chung cư cao tầng, Hà Nội có đến hàng chục các nhà máy chuyển đổi thành các chung cư. Hiện nay, Nhà máy thuốc lá Thăng Long đang có kế hoạch chuyển đổi thành một quần thể chung cư. Đây có thể coi là thảm họa tiếp theo cho việc mất mát các di sản và các yếu tố văn hóa của Hà Nội".
KTS Phạm Trung Hiếu, Giảng viên khoa Kiến trúc, Đại học kiến trúc Hà Nội cho rằng, các khu đất từng là cơ sở công nghiệp đều có mức độ ô nhiễm nhất định. Việc chuyển đổi ngay những khu đất đó thành các khu đất ở, công trình dân dụng mà chưa có những đánh giá tác động môi trường có thể tiềm ẩn những rủi ro về ô nhiễm đất, nước và không khí.
Các cơ sở công nghiệp là một minh chứng của một giai đoạn phát triển công nghiệp, đánh dấu phương thức sản xuất của xã hội Việt Nam tại thời điểm đó. Việc lưu giữ và bảo tồn một số công trình tiêu biểu có tính toán kỹ lưỡng là cách thức để đảm bảo sự tiếp nối của những giá trị văn hóa, lịch sử:
"Nếu chúng ta loại bỏ thì sẽ mất đi chuỗi liên tục của hình ảnh của đô thị. Chúng ta không cần giữ lại toàn bộ, bảo tồn toàn bộ nhưng chúng ta phải xác định rõ ràng đâu là những kiến trúc để nối ký ức của Hà Nội thì chúng ta nên giữ, phần nào cần bảo tồn, cải tạo thích ứng hoặc xây mới hoàn toàn. Cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ", KTS Phạm Trung Hiếu nói,
Thành phố Hà Nội đã có quyết định di dời 9 cơ sở sở công nghiệp. KTS Phạm Trung Hiếu cho rằng, đây là cơ hội hiếm và quý để thành phố có quỹ đất lớn phát triển mô hình sống mới hướng tới sự năng động, sáng tạo.
Ở đó, người dân có cơ hội phát triển cá nhân, phát triển con người phong phú và phát huy sự sáng tạo thay cho lối sống thụ động, hưởng thụ đang tồn tại. Mô hình sống mới sẽ mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển chung của đô thị, của đất nước.
Còn theo TS. KTS. Lê Phước Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Đô thị và Kiến trúc bền vững, Khoa Các khoa học liên ngành - ĐH Quốc gia Hà Nội, sự chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ trong nội thành Thủ đô thành những khu nhà ở, khu thương mại dễ gây quá tải hạ tầng và xóa bỏ giá trị di sản của các cơ sở đó. Trong khi nếu được cải tạo, tái thiết thành các không gian công cộng, không gian sáng tạo dựa trên cấu trúc cũ sẽ tăng thêm không gian vui chơi, giải trí, làm việc cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những giá trị văn hóa, lịch sử:
"Những nhà máy đấy là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử, bây giờ lại được khoác lên một đời sống mới nó lại trở nên hấp dẫn, đặc biệt là giới trẻ. Đây là kiến trúc hiện đại, chạy theo tư duy của máy móc, của công năng tạo thành nền tảng của thẩm mỹ mới, tư duy sáng tạo. Trong những nhà máy kia với những khối tích không gian của nó sẽ cho phép chúng ta có những tỷ lệ, có những hình thức, có những phong cách mà nó không gặp ở kiến trúc dân dụng nhưng có thể kích thích sự sáng tạo", TS. KTS. Lê Phước Anh cho biết.
Theo một số chuyên gia, ở góc độ khoa học, các nhà chuyên môn về kiến trúc, lịch sử, văn hóa có thể nhận diện và đánh giá được giá trị của những công trình kiến trúc công nghiệp thuộc diện di dời. Tuy nhiên, việc công nhận, xếp loại đánh giá các công trình này là di sản công nghiệp đang gặp khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý và các công cụ xác định. Bởi vậy, các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa nên ngồi lại để xây dựng thước đo, hệ thống tiêu chí đánh giá giá trị di sản của các công trình để đưa ra hướng tái thiết không gian phù hợp.
Hà Nội có chủ trương chuyển đổi không gian của các cơ sở công nghiệp sau khi di dời thành không gian công cộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù chủ trương là vậy, nhưng nhiều công trình bằng cách nào đó đã được chuyển đổi mục đích thành các khu nhà ở, gây áp lực lớn cho hạ tầng, bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, dưới góc nhìn của VOVGT để các không gian này được sử dụng đúng mục đích, và cao hơn nữa là phát huy giá trị của các không gian đó một cách tốt nhất mà không xóa sạch một cách uổng phí, rất cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng và cách làm công phu.
Hàng chục các cơ sở công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bị xóa sổ chuyển đổi thành các khu nhà ở, các trung tâm thương mại. Trong khi đó, người dân thủ đô đang đối mặt với thực tế thiếu không gian công cộng. Hiện, tỷ lệ không gian xanh ở nhiều quận, huyện của Hà Nội chưa được 2m2/người, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu 8-9m2/người của nhiều đô thị trên thế giới.
Hiện, Hà Nội cũng đang trong tiến trình điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội theo Luật quy hoạch mới. Tại Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua 9 cơ sở nhà, đất thuộc diện di dời với những diện tích lớn. Trong số này, kiến trúc của một số cơ sở công nghiệp có giá trị lịch sử, mang dấu ấn của thời kỳ đổi mới phương thức sản xuất tiên tiến của xã hội Việt Nam tại thời điểm đó cần được bảo tồn.
Đây là cơ hội tốt để chính quyền thành phố Hà Nội sử dụng quỹ đất ở các khu vực cơ sở công nghiệp sau khi di dời cho không gian công cộng, xây dựng phát triển không gian sáng tạo để người dân có thể tiếp cận. Tùy vào lịch sử, điều kiện thực tế, các không gian được tái thiết lại cho những mục đích nghiên cứu về công nghệ, môi trường, sáng tạo, hay tạo những không gian dành cho bảo tàng, thư viện và hoạt động khởi nghiệp, ý tưởng mới, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của giới trẻ, tạo nên những dấu ấn, giá trị riêng cho thủ đô Hà Nội, từ đó thu hút du khách đến tham quan.
Các cơ sở công nghiệp thuộc diện di dời đều ở những vị trí “kim cương” có giá trị về mặt đất đai vô cùng lớn, là mục tiêu của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Chuyển đổi không gian tại 9 cơ sở công nghiệp thành những khu nhà ở, trung tâm thương mại có thể mang lại những lợi ích về mặt kinh tế lớn và ngay tức thì, nhưng sẽ tăng thêm gánh nặng cho hạ tầng giao thông vốn đã quá tải trong nhiều năm, đi chệch định hướng giảm tải cho khu vực nội đô mà thành phố đang hướng tới. Mặt khác, điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị và về lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ trẻ, khi chúng không có không gian để phát huy sự sáng tạo.
Chuyển đổi các cơ sở công nghiệp thành không gian công cộng là điều cần thiết và bắt buộc. Tuy nhiên, để tránh tình trạng các cơ sở công nghiệp bị “xóa sổ” nhanh chóng, trước tiên cần phải tập trung vào công tác quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch, ưu tiên hàng đầu là dành không gian để phục vụ mục đích công cộng.Trước khi di dời các cơ sở công nghiệp, cộng đồng xã hội, người dân cần được biết không gian đó sẽ được thay thế bằng cái gì.
Để có thể lựa chọn các cơ sở công nghiệp để bảo tồn, lưu giữ một phần hoặc toàn bộ, cần tiến hành đánh giá và công bố các giá trị di sản của các cơ sở công nghiệp thông qua các cuộc hội thảo liên ngành với sự tham vấn của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, lịch sử, từ đó xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá khoa học và bài bản hơn. Thể chế hóa khái niệm di sản công nghiệp và đưa vào văn bản quy phạm pháp luật như Luật di sản của Bộ văn hóa và Luật kiến trúc của Bộ Xây dựng cũng là yêu cầu không thể thiếu.
Điều quan trọng, chính quyền thành phố Hà Nội cần quán triệt vai trò quan trọng của không gian công cộng, cây xanh đối với đời sống của người dân đô thị và quyết tâm thực hiện đúng theo chủ trương đã đề ra, từ đó có những chính sách hài hòa lợi ích giữa các bên, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố và chất lượng sống của người dân.