Vừa tìm được cơ hội xuất khẩu các sản phẩm đũa, vá, sạn gỗ sang thị trường Trung Quốc sau chuyến công tác, gặp gỡ khách hàng tiềm năng tại một hội nghị kết nối thương mại ở Thái Lan, ông Nguyễn Lê Thái Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Mai (thương hiệu Ohi@ma, chuyên về các sản phẩm nhà bếp bằng gỗ), tin tưởng lần này công ty đã tìm đúng đối tác muốn mua hàng.
Hiểu người để sửa mình
Phát triển các dòng sản phẩm nhà bếp từ gỗ theo "trend" tiêu dùng xanh từ hơn 5 năm trước, Công ty Hòa Mai đã thành công trong việc thương mại hóa sản phẩm ở thị trường nội địa.
Các loại đũa, chày, cối, vá, sạn, ly, tách, chén, dĩa, khay… bằng gỗ thương hiệu Ohi@ma có mức tăng trưởng trung bình 20%-30%/năm. Công ty cũng đã xuất khẩu các mặt hàng này sang Campuchia, Lào, Cuba, Úc nhưng doanh thu chưa tốt như mong đợi.
"Vướng mắc lớn nhất của công ty là chưa tìm đúng đối tác mua hàng. Chúng tôi từng tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế nhưng chỉ dừng lại ở phương diện giao lưu chứ chưa tiếp cận được người có nhu cầu mua hàng" - ông Thái Hòa bộc bạch.
Cũng đang trong quá trình đặt nền móng để xuất khẩu các sản phẩm cà phê thương hiệu Napoli, ông Nguyễn Đức Hưng, Tổng Giám đốc chuỗi cà phê Napoli, cho biết doanh nghiệp (DN) Việt đã có bước tiến lớn về tư duy và cách thức xúc tiến thương mại ra nước ngoài. Bên cạnh đó, sự sáng tạo về marketing, thiết kế bao bì, hiểu về sản phẩm đang giúp nhiều DN tiếp cận khách hàng quốc tế hiệu quả hơn.
"Sản xuất, tiếp thị sản phẩm phù hợp với từng thị trường là yêu cầu bắt buộc. Mỗi thị trường có kênh phân phối chủ lực khác nhau, văn hóa và thị hiếu tiêu dùng khác nhau nên "gu" tiêu dùng cũng khác nhau. DN muốn bán được hàng thì phải nắm bắt được "gu" của thị trường để "đo ni đóng giày" cho sản phẩm" - ông Hưng phân tích.
Từ kinh nghiệm của DN mình, ông Hưng cho rằng việc tham gia các hội chợ, triển lãm, đặc biệt là các sự kiện chuyên ngành quy mô lớn, sẽ giúp DN có cơ hội cọ xát thực tế, nắm bắt xu hướng mới cũng như giao lưu, học hỏi những cách làm hay từ các nhà sản xuất lẫn mua hàng quốc tế.
"Cơ hội sẽ khó đến với những ai chỉ ngồi nhà chờ khách hàng tìm tới. DN phải chủ động đi ra ngoài tìm hiểu thị trường, từ đó quay lại sửa mình để phát triển" - ông Hưng chiêm nghiệm.
Cần chuẩn bị kỹ
Ông Hoàng Danh Hữu, nhà sáng lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE (thương hiệu Miss Ede) - 1 DN mới tham gia thị trường từ năm 2019, khá thành công với dòng sản phẩm sô-cô-la, cà phê phân khúc bán lẻ du lịch quốc tế - chia sẻ kinh nghiệm "đi chợ" nước ngoài. Theo ông, sau dịch COVID-19, công ty nhận được rất nhiều lời mời tham gia các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài nhưng chỉ chọn những hội chợ có khách hàng tiềm năng.
"Trước mắt, công ty nhắm đến thị trường Hàn Quốc và Thái Lan. Trước mỗi kỳ hội chợ, công ty nghiên cứu kỹ đặc điểm thị trường, thị hiếu tiêu dùng, văn hóa tiêu dùng... của họ để chọn sản phẩm phù hợp mang sang giới thiệu. Nhờ vậy, sản phẩm của công ty được thị trường đón nhận. Hợp đồng xuất khẩu sang Thái Lan mà công ty vừa đàm phán thành công cũng đến từ sự chuẩn bị kỹ này" - ông Danh dẫn chứng.
Ông Lê Hùng Anh, Chủ tịch BIN Corporation Group - một trong những start-up lĩnh vực công nghệ thành công ở thị trường quốc tế, luôn khuyến khích các start-up mạnh dạn phát triển thị trường thế giới. Theo ông, thời đại toàn cầu hóa mở ra cho DN rất nhiều cơ hội làm ăn. BIN Corporation Group đang sở hữu 10 thương hiệu với nhóm kinh doanh cốt lõi là tư vấn tài chính và dịch vụ DN quốc tế.
"Việc kinh doanh ở nước ngoài sẽ mang về lợi nhuận tốt hơn cho DN nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng. Điều kiện là DN phải có bước chuẩn bị kỹ, tận dụng nguồn lực nội địa để tối ưu hóa chi phí nhân công, văn phòng…" - ông Hùng Anh cho biết.
Từng tiếp xúc nhiều start-up trong vai trò "Shark" của chương trình Shark Tank Việt Nam, ông Hùng Anh chỉ ra rằng DN khởi nghiệp những năm gần đây thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm cơ hội phân phối toàn cầu. Tuy nhiên, khởi nghiệp trong thời đại số hóa có tính cạnh tranh rất cao, đòi hỏi nhà sáng lập phải sáng tạo không ngừng, đầu tư chất lượng và đầu tư chi phí marketing, làm thương hiệu nhằm tăng doanh thu.
Đáng tiếc, theo ông Hùng Anh, một bộ phận start-up dù chọn lĩnh vực kinh doanh rất tiềm năng nhưng bỏ qua phương pháp tiếp cận thị trường nên tỉ lệ thành công không cao.
Chinh phục thị trường bằng đặc trưng riêng
Tại TP HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) là đầu mối hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối giao thương, mở rộng thị trường. Theo quan sát của ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, nhiều DN, nhất là DN start-up, đã có sự đầu tư chăm chút, quan tâm chất lượng, giá thành sản phẩm để tiếp cận thị trường và hoàn toàn có cơ hội ở nước ngoài.
"Sản phẩm Việt Nam đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước trong khu vực ASEAN. Vấn đề là chúng ta phải nghiên cứu kỹ những nhóm khách hàng cụ thể, đi vào những ngách thị trường và chinh phục thị trường bằng nét đặc trưng riêng" - ông Lữ lưu ý.
Theo Người Lao Động
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.
Những ngày qua, các cơ sở làm đẹp phun môi, phun chân mày, chăm sóc da, trị nám… tại TP.HCM đang khá nhộn nhịp nhờ các khách hàng nữ tranh thủ đi làm đẹp sớm đón Tết.
Dịp lễ Nhà giáo Việt Nam 20/11, các thương hiệu sách, hoa, quần áo, giày dép… đồng loạt tung các chương trình tri ân hấp dẫn dành cho thầy cô.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tuyệt đối không được quảng cáo thực phẩm chức năng như là thuốc chữa bệnh; không thổi phồng công dụng của sản phẩm.