Thứ tư, 09/10/2024

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, không lo giá phân bón tăng cao

15/03/2023 7:00 PM (GMT+7)

Phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng tối đa trong mô hình tuần hoàn đã giúp nhiều trang trại đã tránh được áp lực chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Tận dụng chất thải, phụ phẩm nông nghiệp

Theo Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, vỏ trái ca cao chiếm tới 60% trọng lượng trái. Vì thế, năng suất của phụ phẩm từ vỏ trái ca cao rất lớn, khoảng 5,4-8,1 tấn/ha/năm.

Hầu hết các vùng trồng ca cao sau khi thu hoạch, lấy hạt để chế biến thì chỉ có 1 phần nhỏ vỏ trái ca cao được đem phơi khô để đốt.

Phần còn lại (cả vỏ và thịt trái ca cao) bị đổ xuống sông, hoặc vứt trở lại gốc cây cho phân hủy tự nhiên. Thời gian phân hủy của vỏ trái ca cao lại kéo dài, từ 8 tháng trở lên, gây ô nhiễm môi trường.

Vùng trồng ca cao ở huyện Định Quán, Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Vùng trồng ca cao ở huyện Định Quán, Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Từ năm 2020, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, Đồng Nai) đã nghiên cứu sản xuất các sản phẩm gia tăng từ thịt quả ca cao như mì ăn liền, bánh quy, snack...

Ông Đặng Tường Khanh - Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức cho biết, nếu chỉ trồng ca cao lấy hạt rồi xuất khẩu thô, doanh thu sẽ không đáng kể. Do đó, công ty phải mày mò, tìm cách tận dụng để tạo ra nhiều sản phẩm từ trái ca cao, tăng thêm tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ông Khanh tính toán, cứ 10 tấn ca cao tươi sẽ cho 1 tấn hạt khô. Nếu đem xuất thô, có thể thu về hơn 70 triệu đồng. Cũng với 10 tấn này, nếu tận dụng được thịt ca cao, đem ép nước sẽ thu được 500kg nước cốt ca cao. Từ đó có thể sản xuất ra 20 chai rượu (loại 750ml), giá trị hơn 1,6 tỉ đồng.

Mỗi năm, Công ty Trọng Đức có khoảng 5.000 tấn vỏ thải ra từ quy trình sản xuất ca cao. Đây cũng là nguồn nguyên liệu để sản xuất rượu vang và nhiều sản phẩm có giá trị khác.

Bên ngoài nhà máy chế biến, các trang trại trồng ca cao của công ty cũng được quy hoạch, tạo thành hệ sinh thái khép kín theo kiểu vườn-ao-chuồng-rừng. Nghĩa là bên cạnh trồng trọt, trang trại có thêm mô hình chăn nuôi để lấy phân bón, hoặc lôi cuốn thiên địch để hạn chế sâu bệnh gây hại.

Từ thịt trái ca cao, Công ty Ca cao Trọng Đức nghiên cứu sản xuất thành sản phẩm nước ép. Ảnh: Trần Khánh

Từ thịt trái ca cao, Công ty Ca cao Trọng Đức nghiên cứu sản xuất thành sản phẩm nước ép. Ảnh: Trần Khánh

Với mô hình này, doanh nghiệp không xả thải ra môi trường, không khai thác tận thu tài nguyên như đất, nước hay lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, mà nuôi dưỡng lẫn nhau theo quy luật tự nhiên.

"60% phụ phẩm vốn bị coi là rác thải ca cao đều được công ty tận dụng và mang lại hiệu quả kinh tế", ông Khanh nói.

Trang trại Nắng và Gió ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), đơn vị thành viên Công ty TNHH Thực phẩm G.C ở TP.HCM cũng đang tận dụng hàng ngàn tấn lá nha đam phụ phẩm để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. 

Ông Hoàng Xuân Hậu, Quản lý tại Trang trại Nắng và Gió cho biết, mỗi năm trang trại này thải ra gần 1.800m3 lá nha đam không đạt chất lượng từ việc trồng và chế biến nha đam.

Lá nha đam sau thu hoạch và chế biến sẽ tạo ra nguồn phụ phẩm để làm nguyên liệu ủ phân bón hữu cơ. Ảnh: Trần Khánh

Lá nha đam sau thu hoạch và chế biến sẽ tạo ra nguồn phụ phẩm để làm nguyên liệu ủ phân bón hữu cơ. Ảnh: Trần Khánh

Số phụ phẩm này được thu gom làm men vi sinh, và phối trộn với phân chuồng  để quay vòng, bón lại cho 200ha cây trồng khác, trong đó có việc trồng cỏ để nuôi 500 con bò và 200 con cừu.

Chưa hết, phụ phẩm và chất thải từ trang trại bò, cừu ngoài việc được xử lý thành phân bón hữu cơ, là nguồn cung cấp thức ăn cho mô hình nuôi trùn quế. Trùn quế sẽ chuyển hóa phân chuồng thành phân vi sinh rất có lợi cho cây trồng.

Ông Hậu cho biết, tổng sản lượng phân bón hữu cơ tại trang trại có thể đạt từ 500-1.000 tấn mỗi năm. Sắp tới, trại sẽ mở rộng diện tích để có thêm nhiều sản phẩm phân trùn, cung cấp cho trang trại và nông dân trồng nho, táo quanh vùng.

Nông nghiệp không chỉ chạy theo… sản lượng

Ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C Food chia sẻ, việc thay đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế giúp người làm nông nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Khi đó, nông nghiệp không chỉ có một mục tiêu duy nhất là chạy theo sản lượng.

Cỏ trồng ở vùng nguyên liệu của Công ty Thực phẩm G.C được bón từ phân hữu cơ làm bằng phụ phẩm nha đam để nuôi bò, cừu. Ảnh: Trần Khánh

Cỏ trồng ở vùng nguyên liệu của Công ty Thực phẩm G.C được bón từ phân hữu cơ làm bằng phụ phẩm nha đam để nuôi bò, cừu. Ảnh: Trần Khánh

Nông nghiệp tuần hoàn là xu hướng phát triển chung của thế giới. Để làm được việc này, doanh nghiệp phải tạo ra một chuỗi quá trình sản xuất gồm nhiều công đoạn, nhiều bước hơn thay vì chỉ làm một việc hoặc là một bước duy nhất. 

Tuy nhiên, mô hình này giúp tối ưu chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản nhờ quy trình quản lý khép kín từ đầu vào đến đầu ra.

Thời gian qua, giá phân bón vô cơ tăng chóng mặt nhưng Công ty TNHH Thực phẩm G.C không bị ảnh hưởng nhiều.

"Phụ phẩm được xử lý bằng phương pháp thân thiện môi trường, quay lại phục vụ canh tác ở các trang trại, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào đến 30%", ông Thứ cho biết.

Phụ phẩm và chất thải từ trang trại bò, cừu ngoài việc được xử lý thành phân bón hữu cơ, là nguồn cung cấp thức ăn cho mô hình nuôi trùn quế. Ảnh: Trần Khánh

Phụ phẩm và chất thải từ trang trại bò, cừu ngoài việc được xử lý thành phân bón hữu cơ, là nguồn cung cấp thức ăn cho mô hình nuôi trùn quế. Ảnh: Trần Khánh

Theo ước tính của Tổng Cục Thống Kê, tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam hằng năm là gần 160 triệu tấn. Trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng và từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%).

Hàng năm, phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương 43 triệu tấn hữu cơ; 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat.

Phân trùng quế được dùng để bón ngược lại cho cây trồng. Ảnh: Trần Khánh

Phân trùng quế được dùng để bón ngược lại cho cây trồng. Ảnh: Trần Khánh

Đây là con số khổng lồ để bù đắp lại dinh dưỡng cho đất, và sử dụng cho cây trồng trong canh tác nông nghiệp. Nếu tận dụng được nguồn phụ phẩm này, sẽ thay đổi được lượng giá trị rất lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng, các mô hình tái sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp còn chưa nhiều.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, quá trình sản xuất nông nghiệp thời gian qua chỉ mới chú trọng đến tăng năng suất, sản lượng, chưa quan tâm nhiều đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất.

Theo Thứ trưởng Nam, trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp, tương lai nông nghiệp Việt Nam cần dựa vào tri thức và công nghệ để phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Sản xuất trong nước cần hướng đến nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, phát thải thấp, tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để hạn chế lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.

Trên cơ sở thực tiễn, Bộ NNPTNT sẽ nghiên cứu tham mưu đề xuất Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

"Trong đó có các giải pháp liên quan đến sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên tái tạo", Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Mua nhiều hơn, ắt giá mua điện từ Lào sẽ giảm

Mua nhiều hơn, ắt giá mua điện từ Lào sẽ giảm

Bắt đầu từ tháng 1/2026, dự kiến giá Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào sẽ thấp hơn so với giá hiện nay vì lượng mua sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Đây là điều bình thường trong thương mại.

Công khai người bỏ cọc đấu giá đất, liệu có khả thi?

Công khai người bỏ cọc đấu giá đất, liệu có khả thi?

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân đã chỉ ra hiện tượng một số người tham gia đấu giá đất chủ yếu là giới đầu cơ, thao túng bằng cách đẩy giá cao và bán lại ngay để thu lợi, tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh.

Những thách thức quy hoạch thủ đô sau 16 năm mở rộng địa giới hành chính

Những thách thức quy hoạch thủ đô sau 16 năm mở rộng địa giới hành chính

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết sau 16 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã có nhiều thay đổi về diện mạo. Bên cạnh đó, quy hoạch Thủ đô còn những thách thức lớn cần giải quyết.

Bầu Thụy với tham vọng Barca Việt Nam

Bầu Thụy với tham vọng Barca Việt Nam

Thông tin bầu Thụy lên kế hoạch xây dựng học viện bóng đá tiêu chuẩn cao nhất châu Á với diện tích 90 ha tại tỉnh Ninh Bình không có gì lạ. Đây là một bước tiến mang tính lô-gíc nếu xét theo các động thái đầy tham vọng của doanh nhân này.

Giúp GenZ vượt qua rào cản giá nhà

Giúp GenZ vượt qua rào cản giá nhà

Dù có mức thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng/tháng, nhiều GenZ vẫn chần chừ, không dám đưa ra quyết định mua nhà trong bối cảnh giá bất động sản đang biến động mạnh.

Xây nhà máy quy mô tại Việt Nam, các hãng xe Trung Quốc quyết đấu xe Nhật - Hàn

Xây nhà máy quy mô tại Việt Nam, các hãng xe Trung Quốc quyết đấu xe Nhật - Hàn

Một số hãng xe Trung Quốc cho thấy sự quyết tâm và nghiêm túc trong việc chinh phục thị trường Việt bằng các hành động xây dựng nhà máy, mở rộng đại lý phân phối sản phẩm và các linh kiện, phụ tùng.