Khi cơn bấc ở lại sau lưng, cũng là lúc dân miền Tây bước vào “mùa tát đìa”. Có lẽ, hình ảnh những con người “chân lấm, tay bùn” - theo đúng nghĩa đen - hì hụp mò từng con cá luôn là một phần ký ức của miền sông nước dân dã.
Không phải là mùa của nắng, của mưa, mà dân quê xưa nay có thói quen gọi những hiện tượng xuất hiện vào một thời điểm nhất định có tính chu kỳ, thu hút cộng đồng tham gia là “mùa”. Tát đìa cũng nằm trong số đó. Nói nôm na, khi đầu trên, xóm dưới cùng nghe tiếng máy chạy lạch tạch ở đìa nước, họ bảo nhau: “Vô tháng Chạp là tới mùa tát đìa!”.
Thật vậy, người ta phải chờ đến tháng Chạp mới tát đìa. Vì khi đó nước lũ rút đi, để lại những con cá đồng lẩn đâu đó dưới đìa, bào. “Người ta hay tát đìa nhỏ bằng tay, đìa lớn phải bơm nước bằng máy. Có người xài máy Kohler, có người chạy máy dầu, kiểu gì cũng được, miễn nước khô để bắt cá. Hồi trước cá nhiều lắm, tới lúc tát đìa, ai nấy xúm nhau coi. Cá nhiều tới mức phải đựng bằng cần xé. Khi đó, chủ đìa lựa một mớ cá ngon rộng ăn Tết, mớ biếu xóm giềng, dư nữa thì làm khô, ủ mắm” - ông Trịnh Quốc Bình (người dân xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) cho hay.
Cũng theo ông, đìa nước cạn thì chủ đìa bắt tới, bắt lui vài lượt, rồi để lại cho dân “bắt hôi”. Có lẽ, tát đìa vui nhất là đoạn này, bởi sự chọc phá, giành giật nhau của đám con nít. Dân “bắt hôi” đôi khi trúng mánh, vớ được cá to. Chú cá ủi sâu trong sình quá lâu, đến lúc ngộp phải trồi lên, thế là bị bắt. Bắt được cá to là niềm vui không tả nổi của trẻ con, thành quả quá trình bì bõm với lớp bùn sâu cả buổi. Cứ như thế, hết đìa nọ tới đìa kia lần lượt được tát khô để bắt cá. Dân nghèo nhờ đó mà có được bữa cơm tươm tất hơn vào ngày cuối năm.
Dân quê hiện nay chỉ tát đìa kiếm cá ăn chơi
Ở cái thời cá ăn không hết đó, “mùa tát đìa” là niềm vui của dân miền Tây. Chúng diễn ra vào tháng Chạp, khi đất trời bước vào tiết xuân mát mẻ, vụ lúa đã ở lại phía sau. Người ta thường đợi qua ngày 20 tháng Chạp mới tát đìa để ăn Tết, vì sớm quá không rộng cá lâu được. “Lúc tui còn nhỏ, cắt lúa mùa xong là tới “mùa tát đìa”. Nhà nghèo cũng ráng để có vài chục giạ lúa, rộng thêm mớ cá ăn Tết. Nhà khá giả thì mần heo, gói bánh để đón Tết vui hơn. Cuộc sống hồi trước đơn giản lắm, Tết tuy nghèo nhưng ấm cúng. Hạnh phúc đến từ sự hài lòng: Người người có cái ăn trong thời điểm đầu năm” - ông Bình nhớ lại.
Tát đìa thời nay
Giờ đây, đìa nước dần mất đi, nhường chỗ cho ruộng lúa, vườn cây. Tuy nhiên, một số địa phương khu vực biên giới vẫn còn đìa nước giữa đồng. Có lần, tôi may mắn được chứng kiến cảnh tát đìa của dân quê. Khác với cha ông ngày trước, họ không tát đìa tìm nguồn thực phẩm ăn Tết, mà xem đó là thú tiêu dao sau những ngày lao động vất vả, cực nhọc.
Anh Trần Hữu Đức (nông dân xã Lê Chánh, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) xởi lởi: “Giờ người ta ít tát đìa, chủ yếu đặt lú, xuyệt điện bắt cá thôi. Lúc muốn dọn dẹp đìa nước, vét đáy cho bớt sình thì họ mới tát đìa. Với lại, cá mắm bây giờ không còn nhiều, tát đìa kiếm cá ăn chơi cho vui. Dù vậy, tụi tui hay đợi cuối năm đi tát đìa. Sắp đến Tết, chuyện đồng áng cũng ngơi tay”.
Khi mực nước trong đìa dần cạn, là lúc những con cá bắt đầu “vụt” lia lịa, khiến người đứng trên bờ nhốn nháo theo. Họ quan sát xem cá “vụt” vào vị trí nào, để lát nữa tới đó bắt. Thích nhất là khi anh Đức và nhóm bạn xuống đìa bắt cá. Họ lê từng bước nặng trịch dưới lớp bùn lún ngang đầu gối để rượt theo đàn cá. Nếu có cá to, cả nhóm cùng nhau bắt để không mất mồi ngon. Họ kiên nhẫn sục sạo dưới lớp bùn cho đến khi bắt được “chiến lợi phẩm”.
“Mấy năm trước còn có cá này, cá nọ. Giờ cá rô phi nhiều, mà loại này thì muối chiên hay làm khô thôi! Tụi tui muốn kiếm cá lóc, cá trê để nướng ăn. Nói thiệt, cá dưới đìa bắt lên nướng rơm ăn liền ngon bá cháy! Anh em tuy cực mà vui. Đìa bắt cá xong thì phơi đáy vài hôm, rồi xả nước vô trở lại, dành cho mùa lúa mới. Bây giờ tát đìa là ăn liền, chớ đâu ai tát đìa ăn Tết như hồi trước!” - anh Đức dí dỏm.
Lửa bén vào lớp vảy cá, bốc mùi thơm phức giữa đồng. Nhóm nông dân bắt tay chuẩn bị tiệc theo kiểu chân quê. Họ lấy lá chuối làm mâm, bày cá nướng lên, tất cả ngồi quây quần bên nhau giữa cơn gió tháng Chạp vi vu trên đồng. Mấy con cá nướng còn nóng, từng lớp thịt chín trắng hếu kích thích vị giác của tôi!
Dù không còn phổ biến thành “mùa” như thời trước, nhưng đâu đó người ta vẫn thấy cảnh tát đìa bắt cá đồng để thưởng thức hương vị đồng quê. Theo thời gian, “mùa tát đìa” vẫn tồn tại trong nếp nghĩ của dân miền Tây, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của họ, khi đất trời đang dần bước sang năm mới!
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Các tác giả tham dự cuộc thi video clip “Tôi yêu Bà Rịa - Vũng Tàu” năm 2024 đã làm khó Ban Giám khảo và Ban Tổ chức (BTC) cuộc thi vì tác giả nào cũng chăm chút cho tác phẩm quá tỉ mỉ. Ngoài ra, BTC cũng nhận được số lượng vượt trội so với năm trước.
Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.
Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.
Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.
Vượt qua 4 ứng viên sáng giá trong Top 5, mỹ nhân tóc vàng Đan Mạch Victoria Kjær Theilvig đã xuất sắc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe 2024.