Để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần thận trọng trong giao dịch, tránh chạy theo “cơn sốt” nhà đất.
Anh Trần Đình Tuấn (ở phường 1, quận 8) cho biết, thời gian gần đây, anh liên tục nhận được cuộc gọi và tin nhắn rao bán nhà đất khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ thì chỉ một số dự án có hạ tầng đầy đủ, phần lớn dự án còn lại chỉ là bãi đất hoang, pháp lý lại chưa rõ ràng. “Tôi cần chỗ ở nên chỉ mua nhà tại dự án đã đầy đủ hạ tầng, chứ không chạy theo đầu cơ, lướt sóng”, anh Tuấn cho hay.
Theo báo cáo của trang Batdongsan.com.vn, số lượng tin rao bán nhà đất toàn thị trường tăng mạnh ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Cụ thể, lượng tin rao bán tháng 10-2021 tăng cao so với tháng 9-2021, đạt mức 135%. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, lượng tin rao bán tháng 10-2021 tăng 534% đối với nhà riêng lẻ, tăng 313% đối với nhà chung cư và tăng 378% đối với đất nền. Cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, mức độ phục hồi đạt 90% so với thời điểm thành phố phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, lượng tin rao bán nhà chung cư phân khúc bình dân tháng 10-2021 tại thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến, đạt mức 545%; trong khi mức độ quan tâm của người tiêu dùng tăng 89%, cao nhất so với các phân khúc khác.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa (quận 7) Trần Khánh Quang, lượng tin rao bán chưa phản ánh đúng sản lượng nguồn cung của thị trường bất động sản. Tuy vậy, có thể sau nhiều tháng hạn chế giao dịch bất động sản do phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, số lượng nhà đất tồn đọng tăng lên. Đến khi thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch thì chủ đầu tư, nhà phân phối đẩy mạnh rao bán để giải quyết đầu ra nhà đất. “Trong bối cảnh bên bán tìm mọi cách để gia tăng tỷ lệ giao dịch, bên mua lại càng thận trọng, tìm hiểu kỹ sản phẩm bất động sản rao bán, nhằm tránh chạy theo “sốt ảo”, góp phần đẩy giá nhà đất tăng lên”, ông Trần Khánh Quang nhận định.
Đồng tình với nhận định trên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Phú Vinh (quận 1) Phan Công Chánh cho rằng, quý II và quý III năm 2021, thị trường bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư khiến tình hình giao dịch ảm đạm. Bước sang quý IV-2021, lượng tin rao bán và mức độ quan tâm của người tiêu dùng tăng lên là dấu hiệu cho thấy thị trường này đã bắt đầu sôi động trở lại. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tránh “tâm lý đám đông” khi tham gia giao dịch nhà đất, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), lượng tin rao bán nhà chung cư phân khúc bình dân tăng đột biến cho thấy thị trường bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh đã quay về nhu cầu ở thật. Điều này sẽ thúc đẩy các chính sách của nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư phát triển nhà ở phân khúc trên được thực thi mạnh mẽ hơn. Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, để gia tăng nguồn cung nhà ở bình dân, vai trò điều tiết của nhà nước rất quan trọng. Nhà nước có thể hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận quỹ đất sạch, giảm tiền sử dụng đất, cắt giảm thủ tục hành chính... Đây là những chính sách mà thành phố Hồ Chí Minh có thể làm được và đang được các quận, huyện, thành phố Thủ Đức quyết liệt triển khai.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có dân số đông nhất cả nước, tỷ lệ người dân nhập cư hằng năm luôn đứng đầu. Nhu cầu nhà ở tại thành phố của người dân rất lớn trong khi nguồn cung thấp hơn rất nhiều. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, thành phố phấn đấu tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m² vào cuối năm 2025, đạt chỉ tiêu bình quân 23,5m²/người. Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ thông qua các chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư phát triển phân khúc này.
TP.HCM triển khai thí điểm ủy quyền cho UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện quyết định biện pháp bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất, chủ sở hữu tài sản khi nhà nước thu hồi đất.
Đường ven sông Sài Gòn là dự án quan trọng vừa mang tính kết nối giao thông vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, nhất là với TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương.
Ngày 3/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản ban hành thông báo phân công Thường trực UBND TP theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM đang thu hút sự chú ý của giới siêu giàu và nhà đầu tư, nhờ sức tăng GDP mạnh, nên phân khúc bất động sản hạng sang của TP.HCM thành thị trường trọng điểm trong khu vực.
Việc kết nối dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với một số dự án giao thông khác trên địa bàn được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Sau 7 năm dừng thi công khi chỉ hoàn thành 12% giá trị hợp đồng, dự án xây dựng đoạn đường nối từ Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được khởi công trong năm 2025.