Nhờ các gói vay mua ô tô trả góp, người dân dễ dàng sở hữu một chiếc xe hơi. Tuy nhiên, không ít chủ xe bị ngân hàng thu xe do không trả được lãi đúng hạn, hoặc buộc phải bán xe vì không chịu nổi chi phí “nuôi” xe.
Các chuyên gia cho rằng thu nhập từ 30 triệu đồng/ tháng trở lên mới đủ khả năng mua và sử dụng ô tô
Không đủ 30 triệu đồng/tháng, “đừng mơ”!
Anh Nguyễn Văn Nam (trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa mua chiếc Hyundai Kona giá 720 triệu đồng bằng hình thức trả góp thông qua gói vay từ Ngân hàng Shinhan. Số tiền anh Nam vay tới 500 triệu đồng, lãi suất 7,5%/năm cố định trong 10 năm.
Sau 3 tháng mua xe, nhẩm tính lại, anh Nam phát hoảng vì các khoản chi cho chiếc xe quá lớn so với mức thu nhập của cả gia đình (khoảng 30 triệu đồng/tháng).
“Mỗi tháng chi phí trả gốc, lãi ngân hàng khoảng 8 triệu đồng. Ngoài ra, còn các khoản như tiền xăng 4 triệu đồng/tháng, gửi xe 1 triệu đồng/tháng, phí cầu đường mỗi chuyến công tác, tiền bảo dưỡng xe… Tổng chi phí liên quan đến xe khoảng 15 triệu đồng/ tháng”, anh Nam cho biết.
Cộng với các khoản chi cho sinh hoạt gia đình, theo anh Nam, hàng tháng gia đình anh phải tằn tiện mới đủ trang trải sinh hoạt và gần như không có tích luỹ.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội cho biết, ngoại trừ những người có tài chính dư dả, với mức chi phí sinh hoạt như hiện nay, người dân phải có thu nhập cố định khoảng 30 triệu đồng/tháng trở lên mới có thể sở hữu ô tô và đảm bảo trả nợ.
Theo vị này, về cơ bản, các loại phí “nuôi” xe được chia ra 2 nhóm chính, gồm chi phí sử dụng cố định và không cố định.
Trong đó, chi phí cố định gồm: Bảo hiểm bắt buộc, phí bảo hiểm vật chất (tuỳ thuộc vào chính sách từng công ty bảo hiểm nhưng dao động 1,5% giá trị xe); Phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí gửi xe hàng tháng (từ 1-1,5 triệu đồng nếu ở chung cư). Chi phí không cố định gồm tiền xăng dầu, cầu đường, gửi xe ngoài, bảo dưỡng định kỳ, tiền phạt nếu chẳng may vi phạm giao thông…
Theo ông Vũ Hồng Chinh, Giám đốc Đại lý Mitsubishi An Dân (Long Biên, Hà Nội), các khách hàng vay mua ô tô trả góp thường sẽ mất từ 6 - 8 triệu đồng/ tháng để trả cho khoản vay, cộng với chi phí vận hành xe từ 5-7 triệu đồng/tháng. Như vậy chi phí “nuôi” xe của người vay trả góp mỗi tháng từ 11 - 15 triệu đồng.
“Cùng với việc chi trả cho các khoản sinh hoạt trong gia đình, thu nhập khoảng 30 triệu đồng thì có thể vay mua ô tô trả góp”, ông Chinh nhận định.
Dễ vay, dễ cả rủi ro
Ông Vũ Hồng Chinh cũng cho biết, các khách hàng mua ô tô trả góp tại đại lý Mitsubishi An Dân chiếm đến 60% tổng khách hàng/ năm. Thậm chí, dù có đủ khả năng mua xe trả thẳng, nhiều khách hàng vẫn mua xe trả góp nhằm dành tiền để đầu tư công việc khác. Lý do là lãi ngân hàng thường thấp hơn so với lợi nhuận kinh doanh thu được.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều có tỷ lệ cho vay tối đa từ 70-80% giá trị xe, thời gian vay tối đa thường là 8 năm, nhưng cũng có ngân hàng cho vay đến 10 năm. Hồ sơ vay dễ dàng, hầu như khách hàng nào cũng có thể vay được, trừ những khách hàng có nợ xấu.
Ông Chinh cho biết, các gói vay trả góp ô tô từ các ngân hàng hiện nay đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sở hữu xe hơi, nhờ đó, thúc đẩy thị trường ô tô phát triển, tăng doanh số.
Tuy nhiên, thực tế, không ít khách hàng phải đau đầu vì các chi phí phát sinh xảy ra để “nuôi” một chiếc xe sau thời gian ngắn sử dụng. Thậm chí, nhiều người phải bán xe để giảm chi phí, hoặc không đủ trả các khoản vay hàng tháng và bị ngân hàng thu hồi xe.
Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội cho biết, việc cho vay mua ô tô hiện nay gặp khá nhiều rủi ro, do nhiều khách hàng thu nhập không ổn định, không đảm bảo được khoản vay.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, tại các nước châu Âu, các gói vay mua ô tô lãi suất ngân hàng chỉ từ 1-2% với tỷ lệ cho vay từ 80-100% giá trị xe, trong khoảng thời gian từ 10 - 30 năm. Lãi suất thấp và thời gian cho vay kéo dài giúp khách hàng dễ dàng sở hữu xe hơi, kích thích nhu cầu, góp phần phát triển thị trường ô tô.
“Tại Việt Nam, lãi suất cho vay của các ngân hàng khá cao và lên xuống thất thường khiến người dân gặp khó khăn trong việc tính toán các chi phí cần chi trả, gây ra nhiều rủi ro”, ông Đồng chia sẻ.
Theo khảo sát, trong tuần làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán vừa qua, có 3 ngân hàng là: VIB, Vietcombank và TP Bank đã ra thông báo thanh lý 19 ô tô, tổng giá trị hơn 12,6 tỷ đồng.
Trong đó, VIB là ngân hàng ra thông báo thanh lý nhiều ô tô nhất với 15 chiếc, mức giá khởi điểm thấp nhất vào khoảng 260 triệu đồng và cao nhất là 960 triệu đồng.
Đây hầu hết là những chiếc xe bị thu hồi do khách hàng không thể trả các khoản vay ngân hàng khi mua xe trả góp.
OpenAI có tham vọng vượt ra khỏi giới hạn hiện tại của công nghệ. Họ tin rằng sức mạnh tính toán trên hiện có Trái đất chưa đủ để xây dựng trí tuệ nhân tạo mà họ mong muốn.
UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành nhanh chóng triển khai việc gia hạn cho dự án ô tô Mercedes-Benz Việt Nam thêm 5 năm tính từ ngày 14/4/2025. Công ty phải di dời ra khỏi khu đất hiện tại khi chấm dứt thời hạn thuê đất vào ngày 14/4/2030.
Hàng núi tiền đã được chi cho nghiên cứu và phát triển AI nhưng thế giới chưa thể biết quá trình "đốt tiền" sẽ còn kéo dài tới đâu. "Ông lớn" OpenAI là một ví dụ điển hình.
Những mẫu xe cõ nhỏ từng là "ông hoàng" doanh số ở thị trường Việt Nam đang dần hụt hơi trong vài năm gần đây nhường chỗ cho xe cỡ lớn. Điều này cho thấy thị trường ô tô ngày càng khắc nghiệt và không thay đổi, bất cứ xe nào cũng đều sẽ gặp khó khi xu hướng tiêu dùng của người dần thay đổi.
Foxconn, tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất sản phẩm điện tử theo hợp đồng, đang tiến gần hơn tới giai đoạn sản xuất Macbook và iPad tại Việt Nam cho "táo khuyết" Apple.
Tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD tại Việt Nam thời gian tới. Dù đối mặt với nhiều thách thức, việc SpaceX đầu tư vào Việt Nam cũng mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước.