Ngày 28-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (Green Economy Forum & Exhibition – GEFE) năm 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức tại TP HCM.
Sự kiện có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Về phía châu Âu có sự tham dự của Cao ủy EU phụ trách Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius; Bộ trưởng Ngoại Thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher; Trưởng Phái đoàn - Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberto; cùng lãnh đạo EuroCham và các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ châu Âu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam, vì mục tiêu đem lại thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số có tác động toàn dân nên cần có sự hợp tác toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Mọi chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách, thực thi chính sách với tinh thần: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ thưởng" – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một gian hàng tại diễn đàn và triển lãm. Ảnh: Thái Phương
Với thị trường châu Âu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phát triển hợp tác của Việt Nam và EU, trong đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã mang lại hiệu quả lớn thời gian qua.
Việt Nam đang thúc đẩy ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (Hiệp định EVIPA) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư, thu hút các nhà đầu tư từ EU tới Việt Nam…
Gian hàng của các doanh nghiệp tại triển lãm. Ảnh: Thái Phương
"Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt nhất việc cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, khuyến khích kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Bảo đảm chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; đa dạng hóa thị trường… Đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người. Vì tình hữu nghị giữa Việt Nam và châu Âu" - Thủ tướng chia sẻ trước đông đảo các nhà đầu tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng kỳ vọng các nhà đầu tư châu Âu hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh và rẻ khi vào Việt Nam. Bởi, Việt Nam đang là nước phát triển, để có được sản phẩm chất lượng với giá rẻ tới người dân cần được hỗ trợ về công nghệ, về nguồn vốn với mức lãi suất phù hợp. Khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực mới, các vùng còn khó khăn... Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển bền vững. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là tất cả các bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (Green Economy Forum & Exhibition - GEFE) 2022 được tổ chức từ ngày 28 đến 30-11, tại TP HCM. Sự kiện với các hội nghị, triển lãm và các phiên đối thoại cấp cao giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với Chính phủ (B2C), GEFE 2022 có sự góp mặt của những chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh và quản trị bền vững. Chuỗi sự kiện đóng vai trò là nền tảng giúp tăng cường sự hợp tác song phương giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế xanh bền vững thông qua các buổi chia sẻ chuyên môn hay trao đổi sáng kiến về chuyển giao công nghệ.
Theo Người Lao Động
17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đăng kiểm và cấp chứng nhận an toàn sau thời gian chạy thử nghiệm.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, đã dùng tiền để mua chuộc cán bộ. Sau khi nhận 250.000 USD từ Hạnh, 2 cựu Vụ phó và Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã đồng ý tạo điều kiện giúp Xuyên Việt Oil đáp ứng các điều kiện để được cấp lại giấy phép.
Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tuyệt đối ở mức rất cao đối với xì gà.
Thời gian qua, lượng khách đặt mua vé máy bay Tết đang có xu hướng tăng cao. Vì thế, các hãng đã có kể hoạch điều chỉnh, bổ sung tăng tải để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Việt Nam sẽ có điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành năng lượng và năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và chuyển đổi kinh tế xanh.