Thứ sáu, 22/11/2024

Tràng An - hình mẫu phát triển di sản bền vững

18/10/2022 5:29 AM (GMT+7)

UNESCO đánh giá việc doanh nghiệp và người dân được tham gia bảo vệ, khai thác du lịch tại di sản thế giới Tràng An (tỉnh Ninh Bình) là một mô hình mẫu mực, cần nhân rộng

Để có được một hình mẫu về du lịch như Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc vận dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cùng tham gia bảo vệ, khai thác thế mạnh của di sản thế giới này. Qua đó, người dân có thu nhập bền vững ngay giữa lòng di sản. 

Tạo sinh kế bền vững

Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích tự nhiên 12.252 ha, trong đó vùng lõi di sản thế giới Tràng An rộng khoảng 6.226 ha, nằm trên địa bàn 12 xã thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ninh Bình.

Tràng An - hình mẫu phát triển di sản bền vững - Ảnh 1.

Bến thuyền Tràng An ở Ninh Bình.Ảnh: ĐÀO MINH TIẾN

Tràng An là một di sản đặc biệt khi trong vùng lõi hiện có tới 14.000 người dân sinh sống. Đây là thách thức rất lớn đối với Ninh Bình trong việc bảo tồn, gìn giữ tính nguyên vẹn của di sản nhưng cũng là thế mạnh để tạo nên sự khác biệt của Tràng An giữa đất cố đô Hoa Lư.

Nhờ có những chính sách phù hợp, cộng với việc thực hiện nghiêm Luật Di sản, kiên trì thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972); kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, làm chủ thể của di sản nên nhiều năm qua, Tràng An luôn là điểm đến được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài. Từ đó, di sản này ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Có được thành công này phải kể đến việc tỉnh Ninh Bình tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng quần thể chùa Bái Đính với nhiều công trình lớn, tráng lệ mang đậm nét văn hóa Việt. Những công trình này đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn người dân địa phương. Nhờ sự đầu tư này cộng với vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có nên ngành du lịch Ninh Bình đã có bước tiến mạnh mẽ, nhất là từ khi Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới (di sản kép) vào năm 2014.

Cùng với đó, Ninh Bình còn hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân sống ở Tràng An được đầu tư cơ sở vật chất (nhưng phải phù hợp thiên nhiên và quy định của Luật Di sản), tạo sự liên kết, cùng nhau bảo vệ, khai thác lợi ích kinh tế từ di sản. Chẳng hạn, tại bến thuyền Tam Cốc - Bích Động, người dân thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư được tham gia khai thác kinh tế từ hoạt động chèo đò chở khách. Hiện toàn thôn có hơn 1.000 chiếc đò của hơn 1.000 hộ dân.

Bà Trần Thị Dần, ngụ thôn Văn Lâm, cho biết du khách tới Ninh Bình đông, người dân trong thôn cũng có thêm nhiều nguồn thu từ các dịch vụ chèo đò, bán hàng lưu niệm, chụp ảnh… Số tiền mỗi tháng kiếm được không nhiều nhưng ổn định, giúp người dân nơi đây không phải vất vả như trước.

Tại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 mới đây, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững. Đây chính là lý do UNESCO chọn Tràng An cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, nhất là cho phụ nữ.

Thúc đẩy liên kết các vùng du lịch

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn. Ninh Bình là một trong 16 khu du lịch trọng điểm cả nước, trung tâm du lịch của vùng duyên hải Bắc bộ. Khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, du lịch Ninh Bình đã chính thức ghi tên trên bản đồ du lịch thế giới, mang đến nhiều cơ hội cho ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh.

Theo định hướng phát triển du lịch, sản phẩm chủ yếu của Ninh Bình là du lịch sinh thái ở khu hang động Tràng An, khu bảo tồn ngập nước Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương; du lịch văn hóa tập trung tại các điểm, khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư; du lịch tâm linh ở Bái Đính… Ngoài ra, Ninh Bình còn phát triển thêm các loại hình du lịch mới như: du lịch cuối tuần, trên sông, nghỉ dưỡng; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, thể thao, làng nghề…

"Cùng với phát triển du lịch trong tỉnh, Ninh Bình còn liên kết đầu tư và phát triển với các trung tâm du lịch như Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM; hợp tác tuyến du lịch dự trữ sinh quyển thế giới khu quần đảo Cát Bà với quần thể danh thắng Tràng An…" - ông Bùi Văn Mạnh hào hứng.

Theo ông Mạnh, để định vị, phát triển thương hiệu điểm đến, Ninh Bình đã xác định đặc trưng của du lịch tỉnh nhà là gắn với hình ảnh, giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An, di tích quốc gia đặc biệt lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư; hướng tới chất lượng, chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững. Đây là trụ cột, là động lực để phát huy các giá trị, tài nguyên khác của Ninh Bình. 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Ngoài những giải pháp, chính sách để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình còn quan tâm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, chú trọng kỹ năng quản trị doanh nghiệp, ngoại ngữ, nghiệp vụ cho nhân lực ở cơ sở, doanh nghiệp và thái độ, kỹ năng của nhân viên ngành du lịch; tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, nhất là tại các khu, điểm du lịch, về văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh và ý thức gìn giữ môi trường, cảnh quan.

Theo Người Lao Động

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Phở bò Việt Nam tiếp tục được CNN ca ngợi

Phở bò Việt Nam tiếp tục được CNN ca ngợi

Món phở bò được hàng triệu người Việt ưa thích đã tiếp tục được kênh truyền hình CNN nổi tiếng thế giới đưa vào danh sách 20 món ăn loại súp ngon nhất thế giới.

Những điểm đến rợn người nhưng mê hoặc du khách

Những điểm đến rợn người nhưng mê hoặc du khách

Trên thế giới có những điểm đến nổi tiếng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Đó là nơi hàng ngàn con rắn độc, vách đá cheo leo, hay miệng núi lửa với cái nóng cháy da tạo nên sự mê hoặc khó tả với những người đam mê khám phá.

Hơn 3.000 vận động viên tham dự Giải Phan Thiết Marathon 2024

Hơn 3.000 vận động viên tham dự Giải Phan Thiết Marathon 2024

Giải Phan Thiết Marathon 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với 3.000 vận động viên tham dự, trong đó có hơn 80 vận động viên nước ngoài với 5 cự ly 5km, 10km, 21km, 30km và 42km.

Người đẹp Đan Mạch đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2024

Người đẹp Đan Mạch đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2024

Vượt qua 4 ứng viên sáng giá trong Top 5, mỹ nhân tóc vàng Đan Mạch Victoria Kjær Theilvig đã xuất sắc đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe 2024.

Du lịch TP.HCM kỳ vọng 'hái thêm tiền' nhờ du lịch nông thôn

Du lịch TP.HCM kỳ vọng 'hái thêm tiền' nhờ du lịch nông thôn

Mỗi huyện trên địa bàn TP.HCM sẽ có ít nhất 1 sản phẩm du lịch nông thôn, nông nghiệp theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Sôi nổi lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang

Sôi nổi lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang

Tại bờ sông Cái Lớn, huyện Gò Quao, Sở Văn hoá, thể thao tỉnh Kiên Giang đã khai mạc lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang vào ngày 15/11.