“Ai cũng có thể ốp la trứng, nên ai cũng có thể sử dụng phần mềm Opla CRM, đơn giản như ốp la một quả trứng”, CEO Nguyễn Bình Nam lý giải về cái tên mình lựa chọn cho “đứa con tinh thần” được anh ấp ủ và lên kế hoạch trong suốt 2 năm.
Dù xuất hiện trên thị trường chưa lâu, nhưng Opla CRM đã gây chú ý trong cộng đồng giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Một phần, do đây là phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (customer relationship management - CRM) thuần “made in Vietnam”; phần khác, do bản thân nhà sáng lập từng có 15 năm kinh nghiệm làm tư vấn cao cấp về giải pháp CRM cho nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới, như Microsoft, Oracle, Salesforce.
Nếu những phần mềm CRM trên thị trường tập trung đồng thời cả 3 khía cạnh: marketing, bán hàng và chăm sóc khách hàng, thì Opla CRM chọn cách đi sâu vào quy trình bán hàng của doanh nghiệp, cụ thể là nhóm doanh nghiệp B2B (doanh nghiệp phục vụ doanh nghiệp).
CEO Nguyễn Bình Nam nhìn nhận, trên thế giới, phần mềm hướng tới nhóm B2C (doanh nghiệp phục vụ khách hàng cá nhân) đã là một “đại dương đỏ”, cạnh tranh vô cùng gay gắt. Thậm chí tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp còn phá giá để cạnh tranh. Chưa kể, với phân khúc B2C, rào cản gia nhập ngành thấp, mỗi người đều có thể tự dùng trải nghiệm bản thân để xây dựng phần mềm, nên đây là thị trường “trăm hoa đua nở”.
Nhưng phân khúc B2B lại khác. Muốn xây dựng phần mềm hướng tới nhóm B2B, trước tiên, cần hiểu được suy nghĩ của họ. Đây là lúc kinh nghiệm trong quá khứ được phát huy, trở thành thế mạnh của nhà sáng lập Opla CRM.
Theo CEO Nguyễn Bình Nam, các doanh nghiệp B2B của Việt Nam vẫn chưa làm tốt trong mảng bán hàng. Nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng quy trình bán hàng, không có hệ thống quản lý, nhận xét nhân viên dựa trên cảm tính… Điều này chỉ phù hợp khi doanh nghiệp quản lý đội sales khoảng 3 - 5 người, còn khi quy mô gia tăng, doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ từ công nghệ.
Với Opla CRM, Nguyễn Bình Nam không đề cập câu chuyện mua phần mềm để tăng doanh thu, tăng đơn hàng, hay giảm chi phí, mà nhấn mạnh vào vấn đề sử dụng phần mềm để cải tiến quy trình bán hàng, chuẩn hóa đội sales, từ đó, doanh ngiệp sẽ bán hàng tốt hơn.
“Tôi muốn bán phầm mềm mà như không bán”, nhà sáng lập sinh năm 1983 chia sẻ về hướng tiếp cận của mình.
Tự tin phần mềm “made in Vietnam” có thể cạnh tranh tại Mỹ
Năm 2019, Nguyễn Bình Nam chia sẻ với vợ về ý định nghỉ việc để khởi nghiệp và nhận được sự động viên, ủng hộ. Khi đó, anh đã nhìn ra một “khoảng trống” trong thị trường. Trên thực tế, không phải cứ phần mềm do tập đoàn lớn cung cấp là sẽ được khách hàng đón nhận. Có nhiều sản phẩm tốt, nhưng khách hàng vẫn không gia hạn hợp đồng sau một thời gian sử dụng.
“Không phải phần mềm làm ra tính năng gì, thì khách hàng sẽ dùng tính năng đó, mà điểm mấu chốt là khách hàng phải thấy thích thú, thì họ mới dùng”, Nguyễn Bình Nam nói về phát hiện đưa mình tới con đường khởi nghiệp.
Là cố vấn trong chương trình Shark Tank Việt Nam từ mùa đầu tiên, anh Nam chia sẻ, bản thân tự thấy ngại nếu cứ “phán” về vấn đề của start-up trong khi mình chưa từng tự start-up bao giờ. Đây cũng là lý do khiến Nguyễn Bình Nam mạnh dạn từ bỏ vị trí “việc nhẹ, lương cao, nhận lương hàng tháng” để đi con đường riêng.
Sau 2 năm chuẩn bị, tháng 8/2021, Nguyễn Bình Nam thành lập Opla CRM. Theo kế hoạch, tháng 10 năm nay, start-up này sẽ “tiến đánh” thị trường Mỹ.
Trước đây, khá nhiều phần mềm B2B của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu sang Mỹ, nhưng rất hiếm tên tuổi làm nên dấu ấn. Tuy nhiên, CEO 8x không e ngại điều đó. Anh tự tin khẳng định, mình hội tụ đủ 3 yếu tố mà ở Việt Nam “chưa chắc có doanh nghiệp CRM nào đáp ứng được”, đó là hiểu sản phẩm, hiểu đối thủ và hiểu thị trường.
Nguyễn Bình Nam cho biết, thông tin khách hàng trong Opla CRM được phân loại và liên kết theo cách thông thường của các hệ thống CRM nước ngoài, gồm: account (khách hàng), contact (liên hệ), lead (tiềm năng), opportunity (cơ hội bán hàng). Ngoài ra, phần mềm còn tích hợp hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán xác suất mua hàng từ doanh nghiệp, từ đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả tỷ lệ không mua từ bất kỳ ai.
Điểm khác biệt của Opla CRM là được thiết kế theo hướng “game hóa”, giao diện đơn giản, đẹp mắt, khiến người dùng có cảm giác như đang chơi game. “Đây không phải công cụ để nhân viên sales cảm thấy đang bị sếp quản lý, mà là công cụ hỗ trợ họ làm việc, để họ thấy hứng thú khi dùng”, CEO Opla CRM khẳng định.
Sau gần 2 năm thành lập, đến nay, Opla CRM đã có khoảng 20 khách hàng. So với các phần mềm B2C, đó là một con số khiêm tốn, nhưng với phần mềm B2B, Nguyễn Bình Nam cho là “đủ”. Anh ví việc vận hành start-up giống như kinh doanh nhà hàng, khi chỉ có 5 bàn, thì không thể phục vụ tới 50 người, dễ bị quá tải. Thay vào đó, Opla CRM tập trung phục vụ tốt 5 khách của 5 bàn, để họ thật sự hài lòng. Như vậy, việc bán hàng trong giai đoạn sau sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
“Cách tiếp cận của tôi có thể đúng, có thể sai, nhưng đến nay, chưa có khách hàng nào chấm dứt hợp đồng, 100% đều ký tiếp”, CEO 8x tiết lộ.
Trở lại với câu chuyện mở rộng sang thị trường Mỹ, anh Nam nhìn nhận, ngay cả những “ông lớn” trong ngành phần mềm nước ngoài cũng tồn tại điểm yếu. Đó là sự chậm chạp, cồng kềnh, khó thay đổi, chưa kể, sản phẩm được thiết kế từ khá lâu, nên không còn độ “tươi mới”. Với những khác biệt của mình, CEO Nguyễn Bình Nam tự tin, phần mềm “made in Vietnam” như Opla CRM hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại.
Opla CRM đang xúc tiến tìm kiếm nhân sự tại Mỹ với chính sách dùng chính người Mỹ để bán sản phẩm cho người Mỹ. Công ty đã tìm được một số nhân sự phù hợp và nếu thuận lợi, họ sẽ trở thành đối tác hoặc cổ đông của Opla CRM.
Xây dựng một start-up có văn hóa
Nguyễn Bình Nam thừa nhận, mình thuộc tuýp người hướng đến mục tiêu làm việc hiệu quả, thay vì làm việc chăm chỉ. Một ngày của anh bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều như bất cứ nhân viên bình thường nào. Anh nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật để cơ thể tái tạo năng lượng. Nhưng khi đã vào công việc, anh luôn tập trung cao độ, không để những việc bên ngoài xen vào.
Như một số chuyên gia từng nói, văn hóa của start-up chính là văn hóa của người sáng lập. Ở Opla CRM, văn hóa doanh nghiệp có nhiều nét tương đồng với tính cách của CEO, đó là sự đơn giản, linh hoạt, tính trách nhiệm và tiêu chí họp ít, nói ít.
Các buổi họp tại Opla CRM có cách bắt đầu khá đặc biệt. Với nhóm kinh doanh, buổi họp sẽ mở đầu bằng một tin tốt để tạo không khí hứng khởi, khích lệ tinh thần mọi người. Còn với nhóm kỹ thuật, họ sẽ mở đầu bằng văn hóa cảm ơn. Ví dụ, nhân sự A cảm ơn nhân sự B vì đã làm việc hết sức để theo kịp “deadline”, nhân sự B cảm ơn nhân sự C vì sửa được nhiều lỗi trong chương trình…
Đặc biệt, Opla CRM có hệ thống chứng chỉ nội bộ, do nhân viên tự cấp cho nhau với tên gọi “Mastering Opla”. Để đạt chứng chỉ này, nhân sự cần thực hiện một bài thuyết trình giới thiệu về công ty, sản phẩm… và đạt tối thiểu 7/10 điểm. Đây là yêu cầu bắt buộc với tất cả nhân sự; thậm chí, với nhân viên sales, nếu chưa có chứng chỉ “Mastering Opla”, thì chưa được đi gặp khách hàng một mình.
Nguyễn Bình Nam luôn đề cao khía cạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Anh cho biết, mình có thể mất hàng tháng trời để tìm nhân sự cho một vị trí đơn giản như quản lý chất lượng sản phẩm (Quality Assurance - QA).
Những cá nhân được anh lựa chọn gia nhập đội ngũ Opla CRM không chỉ cần đủ trình độ chuyên môn, mà còn phải hài hòa với văn hóa doanh nghiệp, để đảm bảo không gây ra xáo trộn hoặc chênh vênh về văn hóa sau khi họ được tuyển vào. Có những nhân sự rất giỏi, nhưng vẫn bị nhà sáng lập từ chối, đơn giản vì văn hóa “tấn công” của họ được anh nhìn nhận sẽ không phù hợp với văn hóa hòa đồng tại Opla CRM.
“Văn hóa doanh nghiệp là thứ người ta nghĩ đến đầu tiên khi nói về doanh nghiệp và là thứ tồn tại cuối cùng, khi doanh nghiệp đã mất đi tất cả. Chúng tôi dù nhỏ, nhưng có văn hóa khá đặc biệt!”, nhà sáng lập Opla CRM tự hào nói.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng việc dòng vốn đầu tư bị phân tán khỏi chứng khoán là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng và các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản và Bitcoin đang hút vốn.
Cột mốc 100.000 USD/1 Bitcoin đã đến rất gần vì giá loại tiền điện tử này tăng vô cùng chóng mặt thời gian gần đây trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Mỹ trở thành trung tâm tiền số của thế giới.
Một nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Eximbank (đang nắm giữ 5,66% vốn điều lệ) nêu trong đơn kiến nghị rằng việc miễn nhiệm ông Ngo Tony, trưởng Ban Kiểm soát của Eximbank, là phạm luật.
Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan của Mỹ dự báo chỉ số USD Index có thể tăng thêm 7% trong vòng vài tháng tới. Trong khi đó, Barclays dự báo USD có thể ngang giá với đồng euro nếu ông Donald Trump thực hiện các biện pháp thuế quan mạnh mẽ để bảo vệ thị trường Mỹ.
Đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại tỉnh Long An qua châu Âu vừa ký kết 2 thỏa thuận về đầu tư dự án mới trị giá hơn 80 triệu USD.
Nhiều doanh nghiệp lớn như PV GAS, tổ hợp hóa dầu Bình Sơn, Thế Giới Di Động... đang gửi hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân hàng. Danh sách cũng bao gồm những công ty khác như Hòa Phát, Vinamilk, Masan, Hóa chất Đức Giang...