Thứ hai, 23/12/2024

Bà Lang không bốc thuốc mà làm bánh trung thu ngon có tiếng đất Sài Gòn

20/09/2021 3:00 PM (GMT+7)

Bánh trung thu cô Lang gây thương nhớ vì mùi vị rất đậm đà, kiểu cổ điển. Với người Sài Gòn, họ cảm nhận được cái bánh chân phương ngày xưa cũ, với người xa quê nó lại là cái bánh giản dị chốn quê nhà.

"Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương".

Dịch thơ:

"Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương".

Đây là bài thơ Tĩnh dạ tứ của nhà thơ Lý Bạch (Trung Quốc). Chỉ 4 câu  - 20 chữ, nhưng bài thơ được ca tụng như đỉnh cao của văn thơ thời Đường. Bài này cũng được đưa vào sách giáo khoa trong chương trình văn học nước ngoài. Nói thật, nhiều người khi học bài này chẳng hiểu hay như thế nào, nhất là  mấy anh học trò chưa trải sự đời.

Bà Lang nhưng không bốc thuốc mà làm bánh trung thu ngon có tiếng - Ảnh 1.

Hộp bánh trung thu đúng chuẩn cô Lang: 2 bánh dẻo + 2 bánh trung thu. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Tuy nhiên, trung thu này, khó có cảnh rước đèn khắp xóm, không còn cảnh tưng bừng phá cỗ. Nhiều người kẹt lại đô thị một mình, lúc này mới thấu được cái cảnh "Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương" nó tịch mịch ra sao. Giờ mà được một cái bánh trung thu ở quê gửi lên, hẳn sung sướng vô cùng.

Nhưng "quê" nào? Mỗi ông ở TP.HCM đều có mỗi quê khác nhau, làm sao biết được? Chưa kể, nhỡ quê không có làm bánh trung thu thì sao? Thì mượn quê của người khác cũng được vậy. Miễn sao thấy cái tình, cái nghĩa, cái hương vị vừa xa xôi, vừa gần gũi quen thuộc là được. Vậy mời độc giả cùng đến với hương vị bánh cô Lang.

Trước hết cô Lang là ai? Cô vốn quê gốc ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), tầm 15 tuổi theo gia đình lên Sài Gòn ở, trú tại đường Vườn Chuối (quận 3). Ngay từ nhỏ, cô đã thể hiện năng khiếu làm bánh đặc biệt.

Các loại bánh quê như bánh thuẫn, bánh bò, bánh da lợn... cô đều làm thuần thục, thậm chí có những biến tấu đặc sắc riêng. Đến khi lớn, từ những học hỏi, tìm tòi của bản thân, cô cũng rành luôn những loại bánh Tây như bánh pa tê sô, bánh bông lan, bánh su, bánh kem... 

Riêng tay nghề làm bánh, nói một cách thậm xưng, cô đã thể hiện cao độ sự kết hợp giữa "kế thừa giá trị truyền thống dân tộc" và "tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại". Tất nhiên trong những loại bánh đấy, không thể thiếu bánh trung thu.

Bà Lang nhưng không bốc thuốc mà làm bánh trung thu ngon có tiếng - Ảnh 2.

Sửa soạn bánh trái. Ảnh: Hoàng Ba Đình.

Vậy bánh trung thu cô Lang có gì mà gây thương nhớ như vậy? Cũng phải thành thật mà nói, không có gì cả. Nhưng chính cái "không có gì cả" đấy mới làm nên bản sắc. Bánh vô cùng đơn giản, không màu mè, không nguyên liệu xa xỉ, hộp bánh cũng không có gì đặc biệt. Mọi thứ rất bình thường. 

Nhưng khi ăn vào lại khác. Mùi vị rất đậm đà kiểu bánh trung thu cổ điển. Với người Sài Gòn, họ cảm nhận được cái bánh chân phương ngày xưa cũ, với người xa quê nó lại là cái bánh giản dị chốn quê nhà.

Thử hỏi những người đã thưởng thức, tất cả đều đồng loạt giơ ngón tay cái lên mà khen "số zách". Anh Lê Đức Thịnh (Quận 11), người từng ăn loại bánh này cho biết: "Em ở Sài Gòn ăn bánh trung thu nhiều rồi, nhưng chưa thấy loại bánh nào đơn giản mà lại ngon thế này. Ba má em sau khi ăn cũng nói, loại bánh này giống y chang hương vị bánh được ăn hồi lúc nhỏ cách nay 40-50 năm".

Còn anh Huỳnh Nhật Huy (Đồng Nai) lại nói rằng: "Năm nào em cũng đặt riêng cho nhà mấy hộp. Năm nay dịch không có thì nhịn thôi, sang năm ăn sau. Chứ em không mua bánh khác anh à".

Bà Lang nhưng không bốc thuốc mà làm bánh trung thu ngon có tiếng - Ảnh 3.

Cô Lang cùng chồng và các cháu chuẩn bị nguyên liệu làm bánh.

Còn với cô Lang, cô lại cho rằng đó chính là nhờ ở nguyên liệu, cách chế biến... từ lúc làm cho đến lúc ra lò, đều phải đặt cái tâm vào đó. Một miếng mỡ trong nhân bánh, cũng được trộn kỹ lưỡng, phơi phải đủ sương đủ nắng... mới đạt tiêu chuẩn. Bột bánh phải nhồi và cán bằng tay, làm vậy người làm bánh mới cảm nhận được chất lượng đã đạt hay chưa. Và tuyệt đối, không có chất bảo quản.

Duyên số đưa đến, cô lại lấy chồng người Long Xuyên (An Giang). Vậy là những món bánh ngon của cô lại được chu du về miền sông nước. Ở vùng đất này, bỗng nhiên có thợ bánh siêu hạng từ Sài Gòn về, không khó để cô có được một chỗ đứng đáng kể trong thị trường bánh trái Long Xuyên. 

Thời cực thịnh, không chỉ nổi tại Long Xuyên, mối mang ở Cần Thơ, Đồng Tháp đều biết tiếng mà đến đặt bánh, thực khách ở Sài Gòn vẫn tìm đến để mua. 

Bán chạy như vậy, nhưng đừng nghĩ cô lời to. Bởi dù chất lượng tốt, nhưng giá không hề đắt. Mỗi cái bánh hiện tại, bán ngoài thị trường, loại cao nhất cũng chỉ chừng 100.000 đồng/bánh. Cô bảo, mỗi năm kiểm kê lại vụ làm bánh trung thu, không lỗ là may. Chứ không phải làm một mùa ăn nguyên năm như những hiệu bánh khác. 

Bởi với cô, nghề chính là nghề cô giáo, bánh trái chỉ phụ mà thôi. Làm kiểu "đam mê là chính, tiền bạc gì tầm này" nên có thể đặt trọn cái tâm vào từng chiếc bánh, không quan trọng lời lỗ.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô Lang nay đã thành bà Lang vì cô đã 83 tuổi, vợ chồng con cháu đề huề, đã làm bà nội – bà ngoại từ ba chục năm nay. 

Cô nói: "Mấy đứa cháu trong nhà cũng xắn tay vào làm. Hồi đó, thằng cháu đích tôn lúc nhỏ nó phụ bánh cũng được lắm, nhưng từ hồi nó đi Sài Gòn tới giờ, chỉ thấy nó hỏi có bánh cho nó ăn chưa, chứ không thấy nó làm nữa".

Những dạo Trung thu hay tết nhất mấy năm trước cô vẫn làm bánh. Năm nay không làm được, không khỏi ngứa chân ngứa tay. Cô ngứa tay, thì người khác ngứa mồm vì phải nhịn. Người nhịn làm, kẻ nhịn ăn. Miếng ngon nhớ lâu, nhưng không thể miễn cưỡng được.

Thôi, cứ để hương vị xưa cũ của bánh trung thu Sài Gòn được bảo tồn với tuyệt kỹ làm bánh của cô. Và yên tâm, kỹ năng làm bánh đã được truyền đến hàng con cháu, từ bánh Cô Lang nay đã được truyền sang những cô con gái với các tên bánh Phương Lan, Mộc Lan... Vẫn đảm bảo sẽ dành cho những thực khách mọi miền những món bánh tinh khiết ngon lành nhất.

Còn hiện tại, trung thu nay, bắc ghế ra sân ngắm trăng, thử ngâm bài Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch, để xem có cảm thông được gi với cổ nhân hay không.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Áp thấp nhiệt đới tiển vào vùng biển Nam Bộ và TP.HCM

Áp thấp nhiệt đới tiển vào vùng biển Nam Bộ và TP.HCM

Dự báo trong hai ngày 24-25/12, áp thấp nhiệt đới tăng tốc, tiến gần về phía vùng biển Nam Trung bộ và Nam bộ. TP.HCM sẽ đón những cơn lớn dịp Giáng sinh.

Lừa đảo qua mạng khiến người Việt mất đến 18.900 tỷ đồng

Lừa đảo qua mạng khiến người Việt mất đến 18.900 tỷ đồng

Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra cho người Việt trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng, theo báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực hiện.

Doanh nghiệp ở Bình Dương thưởng Tết cao nhất gần 400 triệu đồng/người

Doanh nghiệp ở Bình Dương thưởng Tết cao nhất gần 400 triệu đồng/người

Dự kiến, mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025 tại Bình Dương tương đương nhau, cao nhất gần 400 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.

Có thể hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ TP.HCM sinh 2 con trước 35 tuổi

Có thể hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ TP.HCM sinh 2 con trước 35 tuổi

TP.HCM mới đề xuất chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi để góp phần cải thiện chất lượng dân số.

Metro Bến Thành - Suối Tiên sắp vận hành, người dân đi ra sao?

Metro Bến Thành - Suối Tiên sắp vận hành, người dân đi ra sao?

Người dân cần nắm thông tin giá vé, giờ hoạt động... của tuyến Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) để có thể đi lại bằng phương thức này, bắt đầu từ ngày 22/12/2024.

Dịch sởi tại TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp

Dịch sởi tại TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp

TP.HCM vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp bé gái tử vong do mắc sởi. Trước tình hình đó, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đầy nhanh việc tiêm vaccine cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi để kiểm soát dịch sởi.