Đây sẽ là những đối tác chiến lược của hãng, góp phần thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hóa, đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ hàng không của khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, góp phần nâng cao vị thế điểm đến của quốc gia.
Ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng giám đốc Bamboo Airways - nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về quá trình vượt khó cũng nhưng những định hướng phát triển của hãng trong thời gian sắp tới.
Bước qua giai đoạn ảm đạm nhất của ngành hàng không, sau đại dịch và đặc biệt là sau những biến cố lớn, Bamboo Airways đã và đang đạt được những điểm sáng nổi bật nào?
Ông Nguyễn Mạnh Quân: Bamboo Airways đã trải qua thời kỳ rất khó khăn. Đại dịch kéo dài, những biến cố lớn liên quan đến nhân sự cấp cao đã khiến hãng đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng.
Trong thời điểm khó khăn ấy, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng. Nếu như hãng không tìm được nhà đầu tư tâm huyết, có trách nhiệm, không ai có thể tưởng tượng ra hậu quả lớn thế nào. Hàng không không chỉ đơn thuần là hãng vận tải, mà nó còn là đại diện hình ảnh Việt Nam ra quốc tế, là cầu nối giữa Việt Nam với Thế giới và Thế giới với Việt Nam.
Nhờ đó hãng đã vượt qua khó khăn, dần ổn định và vững vàng ở vị thế một trong ba hãng không lớn nhất Việt Nam, với ba thế mạnh nội tại nổi bật là: Dịch vụ hàng không chất lượng, tự tâm – Mạng đường bay liên vùng, liên châu lục tăng trưởng mạnh mẽ – Tỷ lệ bay đúng giờ dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam.
Trước những thách thức được dự báo trong năm 2023 như suy giảm kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, xung đột ở nhiều khu vực, trong quá trình tái cấu trúc Bamboo Airways có chiến lược ứng phó như thế nào với những thách thức?
Ông Nguyễn Mạnh Quân: Về bộ máy nhân sự, Bamboo Airways ưu tiên hoàn thiện tiến trình tái cơ cấu, từ đó tạo nền tảng vững chắc để tạo cộng hưởng nguồn lực nội bộ, tạo thêm động lực để giúp hãng đương đầu với các khó khăn vĩ mô khách quan.
Tiến trình quan trọng này Bamboo Airways đã được tạo điều kiện thuận lợi mạnh mẽ thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ, cũng như các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý.
Thực tế, nhiều khó khăn và yếu tố rủi ro phát sinh vẫn đang ảnh hưởng đến kịch bản phục hồi và phát triển của toàn ngành hàng không Việt Nam nói riêng, cũng như thế giới nói chung, trong đó có cả Bamboo Airways. Một trong số đó là những áp lực tài chính để lại sau 2 năm COVID-19.
Sau đại dịch, sự chênh lệch trong độ mở cửa của các thị trường nguồn khách đã ảnh hưởng đáng kể đến một phần doanh thu của hãng, cùng với đó là giá nhiên liệu bay duy trì ở mức cao, tỷ giá ngoại tệ dao động mạnh.
Về chiến lược hoạt động, Bamboo Airways sẽ tiếp tục tập trung phát triển ba thế mạnh cốt lõi, đẩy mạnh phát triển sản phẩm – dịch vụ khác biệt, mang tới cho thị trường nhiều sự lựa chọn mới.
Để tạo lợi thế cạnh tranh, hãng sẽ tập trung vào các giải pháp bao gồm: Quản trị tối ưu về chi phí, chủ động đi trước đón đầu trong chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động, nhanh chóng thay đổi để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Bắt tay với một loạt đối tác chiến lược, Bamboo Airways tiếp tục vươn xaĐược biết Bamboo Airways đang thực hiện việc chuyển đổi nhà đầu tư để ổn định hoạt động và đẩy mạnh phát triển. Xin ông cho biết quá trình này hiện đang được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Quân: Trong khoảng thời gian gần 1 năm qua, để duy trì hoạt động bình thường và tiếp tục phát triển, Bamboo Airways đã rất nỗ lực tìm kiếm nhà đầu mới có thể hỗ trợ Hãng về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm tái cơ cấu.
Đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan).
Với vai trò là Tổ chức phát hành, Bamboo Airways đã tích cực hỗ trợ thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ cho nhà đầu tư mới. Việc chuyển nhượng được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, theo thông tin Bamboo Airways có được, trong quá trình hỗ trợ việc thực hiện chuyển nhượng cổ phần, số lượng cổ phần chuyển nhượng đã được các cổ đông cũ thế chấp tại các ngân hàng từ năm 2020. Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các Ngân hàng.
Đồng thời, Nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án. Mọi tiến trình đều được báo cáo cơ quan chức năng và tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Kế hoạch phát triển mạng bay của hãng thay đổi như thế nào sau đại dịch? Đâu là mục tiêu được chú trọng trong kế hoạch dài hạn của hãng?
Ông Nguyễn Mạnh Quân: Đối với thị trường nội địa, mạng bay của chúng tôi đã phục hồi hoàn toàn, tiếp tục hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh 30% thị phần trong thời gian tới. Hiện mạng đường bay nội địa của chúng tôi đang kết nối 21/22 sân bay nội địa.
Cuối tháng 4, Bamboo Airways dự kiến khai thác đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội, hoàn tất mạng bay nội địa kết nối toàn bộ 22 cảng hàng không Việt Nam.
Đối với thị trường quốc tế, nhờ tận dụng tối đa giai đoạn hạn chế bay để hoàn tất các công tác chuẩn bị, Bamboo Airways đã có xuất phát điểm tốt hơn so với giai đoạn trước dịch khi được hòa vào mạng bay quốc tế quy mô lớn. Ngay từ đầu năm 2022 khi Việt Nam mở cửa bay quốc tế trở lại, chúng tôi đã đưa vào khai trương nhiều đường bay thường lệ quốc tế mới tới châu Âu, châu Úc…
Đặc biệt với thị trường châu Âu, sau các đường bay tới Frankfurt (Đức), London (Anh), chúng tôi dự định sẽ mở thêm đường bay đến Pháp và các thị trường quan trọng khác ngay khi Hiệp định vận tải hàng không toàn diện giữa ASEAN và châu Âu chính thức được triển khai tại Việt Nam.
Năm 2023, chúng tôi đã đàm phán cấp cao với các hãng hàng không của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu. Đây sẽ là những đối tác chiến lược của Bamboo Airways nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng các đường bay quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ hàng không của khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, nâng cao vị thế điểm đến của quốc gia.
Cảm ơn ông!
Nhu cầu mua vé máy bay về quê đón Tết của người dân liên tục tăng khiến một số đường bay "vàng" từ TP.HCM đi các địa phương đang khan hiếm vé giá rẻ.
Còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday - sự kiện mua sắm lớn nhất năm, nhưng nhiều thương hiệu đã triển khai khuyến mãi sớm thu hút sức mua từ người tiêu dùng, nhất là các chị em.
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán. Thời điểm này, các nhà sản xuất đã bắt đầu đưa hàng Tết ra thị trường. Nhiều đơn vị bán lẻ rầm rộ tổ chức kết nối với các doanh nghiệp, khách hàng lớn để bán hàng Tết.
Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế tuyệt đối ở mức rất cao đối với xì gà.
Thời gian qua, lượng khách đặt mua vé máy bay Tết đang có xu hướng tăng cao. Vì thế, các hãng đã có kể hoạch điều chỉnh, bổ sung tăng tải để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.