Từ sau tết Nguyên Đán đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục nhận những thông tin không vui về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu trái thanh long từ Việt Nam.
Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như gây khó khăn về kinh tế đối với nông dân thu hoạch thanh long nghịch vụ.
Trước đó, UBND Lạng Sơn ra thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh này, kể từ ngày 16/2 đến ngày 25/2.
Mới đây, các cửa khẩu Bắc Luân 2 và Móng Cái ở tỉnh Quảng Ninh cũng đã tạm dừng thông quan do phía Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Bà Hồ Thị Bạch Hoàng – Giám đốc HTX Thanh long Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, khoảng 4 ngày nay, giá bán thanh long ở các nhà vườn trên địa bàn tỉnh liên tục sụt giảm.
Giá thanh long loại đẹp bán tại vườn chỉ còn 2.000 đồng/kg. Thanh long loại thường thì khoảng 1.000 đồng/kg, nhưng ít thương lái thu mua.
Với mức giá này nông dân thua lỗ nhiều. Bởi vì chi phí cho mỗi kg thanh long nghịch vụ dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, tùy theo cách thức chăm sóc và sản lượng thu hoạch ở các nhà vườn.
Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2022, giá bán thanh long nghịch vụ liên tục giảm sâu.
Sở Công thương Bình Thuận vừa ra khuyến cáo các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh tạm dừng đưa thanh long lên cửa khẩu tỉnh Móng Cái cho đến khi có thông báo mới.
Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp và HTX chủ động xem xét lựa chọn các phương thức vận tải khác, như đi qua các cảng biển hoặc đường sắt, nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng, việc tiêu thụ qua cảng biển không mấy khả quan khi cước phí tăng cao, và thường xuyên hủy chuyến hoặc trễ chuyến.
"Hoạt động giao thương xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh khá trầm lắng. Có đến 80% các vựa, cơ sở, doanh nghiệp tạm dừng thu mua", bà Hoàng nói.
Đợt thanh long rớt giá lần này khiến người trồng khóc tiếp "bài ca cũ" (hôm trước Tết) vì thương lái không mua hoặc mua nhỏ giọt.
Bà Hoàng kể, có vườn thanh long sản lượng 10 tấn nhưng lái chỉ hái chừng 3 tấn, số còn lại bỏ cho ai?
Năng lực của HTX Thanh long Hàm Kiệm có giới hạn. HTX có muốn hỗ trợ thu mua cho bà con mà không có nơi tiêu thụ cũng đành chịu.
Thanh long chín mà để lại trên cành thì hư thối, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây. Mà nông dân ra công dọn vườn thì lại tốn thêm công cán.
"Đã có nhiều nhà vườn chấp nhận để cho thanh long suy kiệt. Nông dân trồng thanh long đang khổ trăm bề", bà Hoàng than thở.
Không chỉ thanh long mà giá mít Thái cũng đang rớt thảm vì không xuất khẩu được.
Ông Nguyễn Văn Toàn ở xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc) kể, giá mít Thái siêu sớm hiện chỉ bán với giá 2.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với những năm trước.
Tính ra, vụ mít thái sau tết, ông Toàn lỗ vốn hơn 30 triệu đồng cho các chi phí vật tư, chưa tính công chăm sóc.
Giá chỉ còn vài ngàn đồng nhưng không có ai mua, ông Toàn đành phải cắt bỏ. Nhiều hộ dân khác trồng mít với diện tích lớn hơn cũng trắng tay.
Ông Lê Văn Hướng - Chủ tịch Hội Nông dân xã La Dạ cho biết, những năm gần đây, người dân La Dạ đầu tư trồng cây ăn trái khá nhiều.
Hiện toàn xã có 65ha cây ăn trái, trong đó có 11,5ha mít. Phần lớn, các vườn mít thái đã cho thu hoạch từ 1-2 vụ.
Cuối năm 2021, mít Thái ế chỏng chơ do do Trung Quốc đóng cửa khẩu. Sau tết, giá lại tiếp tục giảm nên nông dân chán nản.
Tình cảnh hiện nay đặt nông dân vào thế đứng giữa 2 dòng nước: Chặt bỏ cây mít thì tiếc chi phí đầu tư ban đầu, mà để lại thì đầu ra không ổn định hoặc mất giá.
Nhiều hộ dân đang bỏ mặc vườn mít siêu sớm cho sâu bọ ăn. Nhiều người còn muốn phá bỏ vườn mít để đầu tư vào cây trồng khác.
Theo ông Hướng giải thích, nông dân quan niệm: Cây này bấp bênh thì tập trung cho cây khác.
Tuy nhiên, nếu cứ thấy mất giá, rồi chặt bỏ, và chạy theo phong trào trồng một loại cây khác, nông dân càng dễ gặp rủi ro.
Nếu trồng theo đúng quy hoạch và chăm sóc bài bản, cây ăn trái sẽ phát huy hiệu quả lâu dài cho người dân.
Hội Nông dân xã đang tăng cường công tác giám sát thu mua nông sản của bà con, tránh tình trạng thương lái thu mua ép giá.
"Đồng thời, Hội Nông dân sẽ vận động để bà con cân nhắc. Vì mỗi lần đầu tư một loại cây trồng phải vay mượn rất tốn kém", ông Hướng nói.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.
Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.
Nhiều tiệm vàng ở TP.HCM có diễn biến khá lạ vào hôm nay. Trong khi giá vàng miếng SJC tại các “ông lớn” giữ nguyên so với hôm qua thì có tiệm vàng quyết định tăng rất mạnh giá mua vào để "gom" hàng.