Ngày 19-12, thông tin từ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2023 từ ngày 6-1 (ngày 15 tháng chạp) đến 5-2-2023 (ngày 15 tháng giêng), lịch bay dự kiến tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 820 chuyến bay đi và đến Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tương đương trung bình 130.000 khách/ngày, trong đó có 90.000 khách nội địa và 40.000 khách quốc tế.
Tính chung cả dịp Tết, sân bay này dự kiến khai thác 26.926 chuyến bay, tăng 9,39% so với năm 2019; sản lượng hành khách đạt hơn 3,85 triệu lượt, tăng 9,5% so với trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Nhu cầu đi lại qua sân bay Tân Sơn Nhất dự báo tăng kỷ lục dịp Tết Nguyên đán 2023 Ảnh: BÌNH AN
Ngày 20-1-2023 (ngày 29 tháng chạp) dự kiến là ngày cao điểm trước Tết và ngày 29-1-2023 (mùng 8 tháng giêng) là cao điểm sau Tết. Trong ngày đông khách nhất của dịp Tết, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến phục vụ hơn 144.000 lượt hành khách, tăng cao so với con số 127.885 lượt khách của năm 2019, tương đương mức tăng 13,1%. Như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón lượt khách kỷ lục.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết cảng đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, điều chỉnh phương án khai thác, đề xuất giải pháp điều hành phù hợp nhằm cải thiện năng lực, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Số liệu cho thấy tiêu chuẩn năng lực hành khách thông qua tại cảng là 28 triệu hành khách/năm. Trong khi đó, năm 2019, tổng sản lượng hành khách qua cảng đạt hơn 41 triệu, vượt công suất thiết kế 150%. Năm nay, ước tính tổng sản lượng hành khách qua cảng là 34 triệu lượt, vượt 22% công suất thiết kế. Trong tình hình đó, cảng đã nỗ lực để bảo đảm phục vụ hành khách an toàn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho hay cảng đã chủ động phối hợp với các hãng hàng không nội địa để lập lịch bay chính xác trong các ngày cao điểm, sản lượng hành khách dự kiến nhằm dự trù phương án khai thác chi tiết. Đồng thời, triển khai kịp thời phương án đến các đơn vị để nắm thông tin, bố trí nguồn lực phù hợp, điều hành và điều tiết lượng hành khách đi - đến bảo đảm phù hợp với hạ tầng cơ sở nhà ga cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ tại sân bay.
Liên quan đến vấn đề được hành khách quan tâm là tình trạng chậm, hủy chuyến dịp Tết, ông Nguyễn Nam Tiến thừa nhận đây là điều mà cả cảng lẫn hãng hàng không đều không mong muốn. "Trong dịp Tết, nếu các hãng bố trí giãn cách tần suất chuyến bay, có máy bay dự bị sẽ đỡ bị chậm, hủy chuyến hơn. Các cảng hàng không dịp này cũng phải tăng công suất nhà ga nên có thể việc phục vụ sẽ không bảo đảm được tiện nghi, chu đáo và thuận lợi cho hành khách" - ông Tiến nói.
Thông tin về lượng xe đón, trả khách tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong dịp Tết, đại diện cảng cho hay đang duy trì quản lý chặt chẽ các đối tác cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách gồm taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng và có ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các hãng khi khai thác tại sân bay. Cảng cũng đã họp với các đơn vị vận tải, yêu cầu tăng hơn 20% số lượt vận chuyển so với mức trung bình 11.500 lượt/ngày hiện nay, đáp ứng khoảng 13.000-14.000 lượt/ngày.
Ngoài ra, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với Đồn Công an Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thanh tra giao thông để xử lý những trường hợp cò mồi, chèo kéo bắt khách, taxi dù hoạt động trái phép.
Giá vé máy bay tăng cao, nhiều chặng hết vé
Theo ghi nhận, đến ngày 18-12, giá vé máy bay từ TP HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung dịp Tết Nguyên đán đều cao, không có nhiều giờ bay đẹp và một số chặng bay đã "cháy" vé.
Anh Nguyễn Ngọc (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết anh đang tìm vé chặng TP HCM - Chu Lai nhưng giá khoảng 4,8 triệu đồng/chặng trở lên, gấp đôi so với ngày thường. Anh Quốc Khánh (ngụ quận 8, TP HCM) kể đang sốt ruột khi chưa thể mua vé chặng Quy Nhơn - TP HCM sau Tết vì trên hệ thống không còn vé.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số hãng hàng không vừa tăng tần suất bán vé Tết, tăng chuyến bay nhưng giờ bay thường vào sáng sớm hoặc đêm (từ 0 giờ đến 2 giờ) nên nhiều người chưa vội đặt. Nhiều hành khách kỳ vọng từ nay tới Tết, các hãng sẽ tăng cường lượt chuyến với giá vé mềm hơn thời điểm hiện tại.
Theo Người Lao Động
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc