Chủ nhật, 24/11/2024

Chủ động hoa kiểng Tết

09/11/2021 7:00 AM (GMT+7)

Nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19, nông dân tại các làng hoa lớn ở miền Tây đã chủ động giảm diện tích xuống giống, tăng chất lượng hoa, kiểng để tránh cảnh ế ẩm, trắng tay

Những ngày này, tại các cánh đồng ở những làng hoa lớn tại ĐBSCL, nông dân đang tất bật chuẩn bị cho vụ hoa, kiểng Tết nguyên đán 2022.

 

Chủ động hoa, kiểng Tết - Ảnh 1.

Nông dân ở làng hoa Sa Đéc đang tập trung chăm sóc hoa, kiểng vụ Tết nguyên đán 2022. Ảnh: TÂM MINH

Chú trọng chất lượng

Ông Trần Thanh Toản (ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) dự định Tết năm nay sẽ trồng khoảng 5.000 chậu hoa. Đang lên giàn cho một số chậu hoa, ông cho biết sản xuất ở thời điểm dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nông dân làng hoa Sa Đéc ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm.

"Không còn chạy theo số lượng, năng suất như các năm trước, nông dân bây giờ tập trung vào hiệu quả, kịp thời nắm bắt thị trường để canh tác loại hoa, kiểng phù hợp vụ Tết. Với diện tích hiện tại, thay vì trồng những giống hoa như thông lệ hằng năm, tôi chuyển sang các loại ngắn ngày. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thương lái từ nhiều nơi đến đặt hàng thu mua trở lại với giá phù hợp để cung ứng thị trường, nông dân thu hồi được vốn và có lãi một ít để tái đầu tư sản xuất cho vụ hoa Tết" - ông Toản kỳ vọng.

Cách ruộng hoa của ông Toản không xa là vườn hoa Tết 7.000 giỏ của gia đình ông Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha. Ngoài cúc pico, cúc mai, cúc đồng tiền…, ông còn trồng thêm các loại cây kiểng ăn trái như: mâm xôi đen, nho thân gỗ, chanh cẩm thạch, jery…

Ông Kha cho biết: "Năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tính toán gieo giống, chăm sóc và canh cho hoa nở đúng thời điểm Tết không hề dễ dàng. Vì vậy, tôi phải tập trung chăm sóc từng giai đoạn sinh trưởng của hoa để bảo đảm chúng vừa đạt chất lượng vừa nở đúng dịp Tết. Tuy khó khăn nhưng tôi đã chủ động thích ứng bằng cách trồng giảm số lượng hoa, kiểng để xen vào trồng nhiều giống mới. Ngoài ra, tôi còn vận dụng công nghệ thông tin thông qua các ứng dụng xã hội như Zalo, Facebook... để giới thiệu, quảng bá hoa, kiểng với những thương lái gần xa".

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, nông dân làng hoa đã xuống giống khoảng 52 ha diện tích hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên đán 2022. Trong đó, họ tập trung vào các giống chủ lực như: cúc mâm xôi, cúc kim cương, cúc Đài Loan, cúc đồng tiền, hoa hồng... Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp cũng cung ứng hơn 82.000 cây hoa giống cho nông dân Sa Đéc. Lượng hoa giống này được cung ứng theo đơn đặt hàng của nông dân.

Cùng với làng hoa Sa Đéc, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cũng là nơi sản xuất hoa, kiểng tầm cỡ ở ĐBSCL. Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Chợ Lách, nhiều nhà vườn đã chủ động giảm diện tích trồng hoa, kiểng Tết năm nay.

Ông Liêm cho biết: "Các loại như mai vàng, tắc thì nhà vườn đã làm từ lâu, năm nay không bán được thì năm tới bán. Đối với vạn thọ, cúc các loại… thì nhà vườn cân đối giảm số lượng lại do tình hình dịch bệnh, không biết đến Tết diễn biến thế nào".

Theo ông Dương Văn Huyền, Giám đốc HTX Cây giống và Hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách), các xã viên trong HTX không dám đầu tư sản xuất hoa, kiểng nhiều vì sợ đem ra chợ bán không được do tình hình dịch bệnh. Vì vậy, số lượng hoa, kiểng cũng giảm 40%- 50%, trừ mai vàng đã chủ động trồng từ đầu năm.

"Mọi năm, thời điểm này là có khách đặt hàng rồi nhưng năm nay tới giờ vẫn không thấy ai đặt cọc nên nhà vườn không dám trồng nhiều. Thông thường vào dịp Tết, nhà vườn sẽ chở hoa, kiểng đi các chợ ở nhiều tỉnh, thành và thuê lô, sạp bày bán nhưng không biết tình hình sắp tới ra sao" - ông Huyền băn khoăn.

Lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nên từ đầu năm, ông Nguyễn Văn Liệt (ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) không sản xuất hoa, kiểng bán vào dịp Tết như mọi năm mà chuyển sang trồng các loại cây giống. "Bà con xung quanh đây ai cũng giảm sản lượng trồng hoa Tết khoảng 50% vì lo dịch bệnh sẽ không bán được dẫn đến lỗ. Còn đối với cây giống, không chỉ bán vào dịp Tết mà còn bán được quanh năm" - ông giải thích.

Chủ động hoa, kiểng Tết - Ảnh 2.

Giúp nông dân tìm thêm đầu ra

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết với tình hình dịch bệnh phức tạp, địa phương đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo định hướng lâu dài, phù hợp với thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021. Cùng với đó, Phòng Kinh tế TP Sa Đéc phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát thiệt hại trong sản xuất hoa, kiểng của nông dân để có chính sách hỗ trợ kịp thời; phối hợp với các cấp chính quyền, tăng cường tuyên truyền để các hộ dân thực hiện nghiêm những khuyến cáo của Bộ Y tế kết hợp duy trì sản xuất....

Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát nên việc đi lại, vận chuyển hoa, kiểng trên địa bàn TP Sa Đéc phục hồi khoảng 80%. Trong đó, các thương lái gần xa đã trở lại tìm kiếm, đặt hàng thu mua hoa, kiểng của nông dân Sa Đéc.

Ông Đặng Thanh Hải (ngụ phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) phấn khởi cho hay khoảng 2 tuần qua, các đầu mối thương lái đã chủ động liên hệ lại để đặt mua các loại hoa, kiểng. Đến nay, vườn nhà ông đã cung ứng hơn 2.000 chậu hoa, kiểng các loại cho thị trường. "Thời điểm này, dù giá cả còn thấp nhưng đây cũng là tín hiệu lạc quan cho thấy thị trường hoa, kiểng đang dần hồi phục. Điều này tạo tiền đề tốt cho thị trường hoa, kiểng dịp Tết nguyên đán 2022" - ông Hải lạc quan.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa (phường Tân Quy Đông), những ngày gần đây, dịch bệnh bước đầu đã được kiểm soát, cùng với việc chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái trong và ngoài tỉnh đến địa bàn mua bán, vận chuyển hoa, kiểng nên chỉ trong 2 tuần qua, ông đã bán được hơn 1.000 giỏ hoa các loại. "Hy vọng trong vụ hoa Tết, nông dân chúng tôi sẽ buôn bán thuận lợi, mang lại vụ mùa bội thu" - ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Nguyễn Đào Duy Tâm, Bí thư Đảng ủy phường Tân Quy Đông, cho biết thời gian qua, với các diện tích hoa, kiểng tồn đọng, địa phương thường xuyên cử cán bộ xuống vườn nắm tình hình nhằm kêu gọi những đại lý hoa, kiểng ở các tỉnh, thành đến thu mua cho nông dân. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng có văn bản kiến nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ xe hàng để vận chuyển hoa, kiểng thuận lợi. Nhờ những giải pháp này nên khi dịch bệnh được kiểm soát, lượng hoa, kiểng của nông dân trên địa bàn đã tiêu thụ được khá nhiều".

Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tạo điều kiện cho thương lái, doanh nghiệp đến thu mua, vận chuyển hoa, kiểng nhưng vẫn bảo đảm thực hiện tốt khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phòng khuyến khích nông dân bán hàng qua kênh thương mại điện tử để hạn chế tiếp xúc; thường xuyên cử cán bộ chuyên môn đến tiếp cận nhằm hỗ trợ kịp thời cho bà con trong khâu tiêu thụ; chủ động liên kết với Sở NN-PTNT, Sở Công Thương Đồng Tháp và các đơn vị liên quan tìm kiếm thêm đầu ra cho hoa, kiểng để giúp nông dân.

Cần Thơ: Chưa có kế hoạch tổ chức chợ hoa

Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hằng năm đều tổ chức chợ hoa, bố trí hàng trăm lô kinh doanh hoa, kiểng tại nhiều tuyến đường như: Hai Bà Trưng, Huỳnh Cương, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Văn Thụ… Năm nay, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết đến giờ sở vẫn chưa có kế hoạch tổ chức lô, sạp tại các chợ hoa cho người dân buôn bán hoa, kiểng vào dịp Tết nguyên đán 2022 vì phải căn cứ vào tình hình dịch Covid-19. Nếu tới Tết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì Cần Thơ không thể tổ chức chợ hoa được.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Doanh nghiệp muốn tự quyết giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?

Doanh nghiệp muốn tự quyết giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?

Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

TP.HCM tăng cường quản lý giá mặt hàng thiết yếu dịp Tết

TP.HCM tăng cường quản lý giá mặt hàng thiết yếu dịp Tết

Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp quản lý giá, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn dịp cuối năm 2024 và dịp Tết.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra vàng miếng SJC

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra vàng miếng SJC

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm nay 18/11 nối lại việc bán vàng miếng SJC ra thị trường thông qua 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và công ty SJC; giá bán là 83,5 triệu đồng/lượng.

Lại hết sạch vàng nhẫn lẫn vàng miếng

Lại hết sạch vàng nhẫn lẫn vàng miếng

Vàng miếng lẫn vàng nhẫn tại nhiều cửa hàng TP.HCM sáng nay hết sạch. Trong khi đó, các công ty tăng mạnh giá mua vào để thu hút vàng từ người dân.

Vàng giảm sức hấp dẫn, Hội đồng Vàng Thế giới tin vào dài hạn

Vàng giảm sức hấp dẫn, Hội đồng Vàng Thế giới tin vào dài hạn

Giá vàng thế giới đang ở vùng thấp nhất tính từ giữa tháng 9 trong bối cảnh đồng USD và tiền điện tử (cụ thể là Bitcoin) tăng giá mạnh từ khi ông Donald Trump -- người ủng hộ tiền điện tử -- đắc cử tổng thống Mỹ ngày 6/11.