Sự kiện Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương (trụ sở ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) lên vùng hẻo lánh thuộc xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, cho nhân viên công ty "cắm đầu cắm cổ" chạy chốt cọc rồi đẩy lên mạng xã hội hòng chiêu dụ khách mua đất, thực sự là "giọt nước tràn ly" khiến dư luận bất bình và đề nghị phải mạnh tay hơn với những "trò hề" của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).
Khu đất Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương cho nhân viên "cắm đầu cắm cổ" chạy chốt cọc cho khách ở Bình Phước Ảnh: THẢO NGUYỄN
"Hoa mắt" với đủ kiểu chiêu dụ
Bình luận về sự kiện trên, ngay cả lãnh đạo huyện Lộc Ninh cũng nói ngỡ ngàng về sự làm liều của doanh nghiệp. "Đó không phải là dự án nhà ở thương mại nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình tung tin sai sự thật để chiêu dụ khách thì quả là… bất chấp" - vị lãnh đạo huyện Lộc Ninh ngao ngán. Huyện này đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương 100 triệu đồng do vi phạm Nghị định 16 của Chính phủ.
Ông Đạt Thành (một người chuyên đầu tư BĐS ở Bình Dương) nói thực tế các doanh nghiệp BĐS sử dụng chiêu trò như tổ chức các sự kiện giao dịch giả tạo, kinh doanh theo kiểu đa cấp biến tướng, lợi dụng tâm lý đám đông, để làm giá, thổi giá đất thời gian qua không phải ít và nhiều người đã mắc bẫy. "Mỗi lần chuẩn bị có dự án mới, nhân viên kinh doanh các sàn liên tục giới thiệu và mời tôi đến tham dự. Khi đến nơi, bản thân tôi dù khá am hiểu nhưng vẫn không khỏi choáng ngợp trước không khí nhộn nhịp, hối hả mua bán" - ông Thành nói và nhận xét người không am hiểu rất dễ dính bẫy.
Dẫn chứng, ông Đạt Thành kể đầu năm 2021, để chiêu dụ ông và khách hàng đến buổi lễ mở bán một dự án tọa lạc ở huyện Bàu Bàng, các nhân viên môi giới đưa ông Thành và hàng chục khách hàng đến khách sạn sang trọng nhất ở Bình Dương. Đến giờ mở bán, màn hình Led giữa sân khấu chiếu vị trí các thửa đất, ô nào có người mua sẽ được tô vàng, sau đó người dẫn chương trình liên tục hô to các lô đã được khách đặt cọc, nhân viên sàn trên tay cầm xấp giấy cọc hối hả chạy ngược chạy xuôi từ khách này sang khách khác. "Nhiều người đã xuống cọc và bạn tôi cũng xuống cọc 50 triệu đồng với cam kết nếu ra không được thì nhân viên kinh doanh sẽ bán giúp" - ông Thành kể tiếp. Để rồi, theo ông Thành, bạn ông đành phải bỏ ra hơn tỉ đồng để mua lô đất vì sau khi xuống cọc "lướt sóng" không được.
Mánh khóe khác cũng được nhân viên kinh doanh BĐS thường xuyên sử dụng là "treo đầu dê, bán thịt chó". Trường hợp của anh N.K.S (ngụ tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) là một ví dụ. Anh S. cho biết hồi cuối năm 2020, thông qua một người môi giới tên T., anh được hướng dẫn đến một địa điểm tại TP Thủ Dầu Một để tập trung đi xem đất cùng với nhiều khách hàng khác ở Bình Phước. Thế nhưng, khi xe dừng mới tá hỏa là đang ở thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Biết khách hàng đang bực, nhân viên kinh doanh BĐS liền giới thiệu đây là dự án mới mở bán của công ty, sau đó đưa ra rất nhiều chương trình khuyến mãi. Trong lúc khách hàng đang hoài nghi thì một xe khác trờ tới. Vừa xuống xe không lâu, đã thấy thi nhau "cọc". "Tôi thấy giá đất ở đây rẻ hơn một nửa so với nhu cầu mình cần tìm và thấy ai cũng mua nên đặt cọc. Thế nhưng, đợt dịch vừa rồi việc kinh doanh của gia đình gặp khó khăn, tôi muốn bán lô đất trên thì không ai mua lại dù giá bán thấp hơn giá ban đầu hàng chục triệu đồng" - anh S. nói.
Trục lợi bằng mọi giá
Hình thức "tung hỏa mù" để chiêu dụ khách hàng như trên dù khiến khách hàng bức xúc nhưng thực tế gây hậu quả không lớn bằng việc đã có hàng loạt doanh nghiệp BĐS công khai bán nền đất khi các thủ tục chỉ nằm ở… cửa miệng!
Đứng đầu trong danh sách "làm liều" kể trên phải kể đến sự việc ở Công ty CP Thương mại Dịch vụ - Xây dựng Đầu tư Phát triển Địa ốc Bình Dương City Land (trụ sở ở phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Dù mới chỉ nộp hồ sơ xin lập dự án đối với dự án Green City 1, 2, 3 ở huyện Bàu Bàng và dự án Phúc Long ở huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương), Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương không chấp thuận dự án vì hồ sơ không đủ theo quy định, nhưng bằng thủ đoạn riêng, doanh nghiệp này tự vẽ dự án, rồi bán cho khách hàng bằng cách thực hiện các giao dịch tại TP Thủ Dầu Một và nhận tiền của khách hàng lên đến hàng trăm triệu đồng/người. Hậu quả, hàng loạt khách hàng đang khóc ròng với dự án này bởi khả năng trả lại tiền cọc của doanh nghiệp này là vô cùng khó, khi dàn lãnh đạo công ty lần lượt bị bắt giữ.
Trước khi bị phát hiện lừa đảo, trụ sở Công ty Địa ốc Bình Dương City Land luôn đông đúc khách vào ra Ảnh: THẢO NGUYỄN
Tương tự, Công ty TNHH Địa ốc VHO (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng thông qua việc ký hợp đồng, thu tiền để chuyển nhượng nhà ở tại các dự án như: KDC 5B (khu dân cư đô thị Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương); KDC Chánh Phú Hòa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương); KDC Vĩnh Phú 1 (giai đoạn 2, TP Thuận An)… và bằng thủ đoạn đưa ra các thông tin gian dối về quyền sở hữu hợp pháp đối với BĐS, doanh nghiệp này đã chiếm đoạt số tiền lớn của khách hàng rồi bỏ trốn.
Ngoài 2 trường hợp trên, ở Bình Dương còn hàng loạt doanh nghiệp BĐS như Công ty CP Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ Phước Điền (TP Dĩ An), Công ty TNHH TM-DV BĐS Kim Đại Phát (TP Dĩ An), Công ty BĐS Phú Đại Tín (TP Thủ Dầu Một)… cũng có những hành vi tương tự để lừa tiền khách hàng rồi bỏ trốn hoặc chây ì không trả lại tiền.
Phải mạnh tay hơn
Luật sư Trần Đăng Minh, Công ty Luật TNHH Thiên Định (Đoàn Luật sư TP HCM), cho rằng việc các công ty, đơn vị cá nhân cố tình thực hiện rao bán hay thông tin không đúng sự thật về dự án, tập trung đông người thì ngoài việc bị xử lý về hành vi gây rối an ninh trật tự ra, các bên liên quan cũng cần mạnh tay hơn bằng cách vào cuộc điều tra nhằm tìm các yếu tố hình sự. "Để xem xét xử lý hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần chứng minh nhóm "cò đất" có hành vi gian dối nhằm làm cho người khác tin để giao tiền rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc đối với các lô đất chưa có đủ điều kiện chuyển nhượng theo luật định" - luật sư Trần Đăng Minh phân tích và đề nghị làm tới nơi tới chốn các vụ "diễn trò" của công ty BĐS nhằm ngăn ngừa và răn đe chung.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng trong quá khứ và cả hiện tại cũng khó tránh khỏi việc các đơn vị kinh doanh BĐS bát nháo, làm ảnh hưởng đến thị trường, người mua. Đặc biệt chuyện hô hào, kinh doanh kiểu đa cấp như Công ty Alibaba trước đây đã và đang bị xử lý, thiệt hại của khách hàng đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng vẫn còn nhiều người chưa được trả lại tiền, thiệt hại chung vẫn rất lớn.
Theo ông Phạm Lâm, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần phát huy tối đa trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm cung cấp, công bố thông tin về dự án, quy hoạch sớm, phù hợp để người tiêu dùng, nhà đầu tư hiểu rõ. "Thời gian qua, một số địa phương đã có tình trạng "sốt" đất, thu hút nhiều người về giao dịch. Tuy nhiên, một số địa phương đã lên tiếng, nêu rõ chi tiết các vấn đề như các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk để người dân hiểu thì họ an tâm hơn khi quyết định chọn lựa đầu tư" - ông Phạm Lâm dẫn chứng.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam đề nghị ngoài việc phải xử lý mạnh tay, kịp thời để răn đe, thì địa phương cần tập trung giám sát để phát hiện sớm, không để sự việc xảy ra rồi mới xử lý.