Đầu tư trạm sạc, TP.HCM hướng tới phủ 'xanh' xe buýt điện
B. Diệu
07/12/2024 7:51 AM (GMT+7)
Hệ thống trạm sạc điện sẽ quyết định tính khả thi của lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đối với xe buýt nói riêng và phương tiện giao thông đường bộ nói chung, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM.
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi các bộ ngành liên quan về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo hướng dẫn kỹ thuật trạm sạc xe buýt điện.
The Sở GTVT, hệ thống trạm sạc điện sẽ quyết định tính khả thi của lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đối với xe buýt nói riêng và phương tiện giao thông đường bộ nói chung.
Hệ thống này thông thường sẽ bao gồm các hợp phần chính như trụ sạc điện xoay chiều, trụ sạc điện một chiều, trụ sạc không dây, dây và cáp sạc, chuẩn đầu sạc giữa xe và trụ sạc, thiết bị bảo vệ an toàn cho người sử dụng…
Các phần chính trong hệ thống trạm sạc điện nêu trên đã có các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng, một số tiêu chuẩn cũng đã được đưa vào kế hoạch xây dựng trong các năm tới.
Trên thị trường hiện nay đang có nhiều loại trụ sạc điện, có thể tương thích với các loại xe điện khác nhau. Tuy nhiên, việc thiếu thống nhất về tiêu chuẩn trụ sạc có thể gây ra những khó khăn cho cơ quan quản lý, người dùng và doanh nghiệp.
Trong khi chờ các cơ quan Trung ương xây dựng và ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm sạc, trụ sạc, cổng sạc dùng chung, Sở GTVT TP cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật hệ thống sạc xe buýt điện. Đến nay, dự án đã hoàn thành.
"Tuy nhiên, trạm sạc điện có liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của nhiều ngành như xây dựng, công thương, khoa học - công nghệ, phòng cháy chữa cháy. Do đó, Sở GTVT TP đề nghị các bộ ngành quan tâm cho ý kiến góp ý để Sở tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện hướng dẫn và triển khai các bước tiếp theo theo quy định", Sở GTVT kiến nghị.
TP.HCM đã thống nhất triển khai đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh theo hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Tập trung vào việc nghiên cứu và xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ và khuyến khích việc chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng.
Giai đoạn 2: Xây dựng và hoàn thành đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.
Trong giai đoạn này, huyện Cần Giờ sẽ được xem xét như một đơn vị ưu tiên để thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng điện.
Dự kiến nguồn kinh phí giai đoạn 2025-2030 trên 3.521 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện giai đoạn 2025-2030 trên 2.094 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ lãi vay đầu tư trạm cung cấp năng lượng điện 79,4 tỷ đồng; đầu tư công xây dựng trạm cung cấp năng lượng điện trên 1.347 tỷ đồng.