Thứ ba, 08/10/2024

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc

27/08/2022 6:00 PM (GMT+7)

Cách Hà Nội khoảng 170km, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là cái tên đáng chú ý trên bản đồ du lịch miền bắc vài năm gần đây, được ví như một “thiên đường nghỉ dưỡng” với chi phí dễ chịu và có thể đi ngắn ngày.

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc - Ảnh 1.

Pù Luông ở đâu?

Pù Luông không phải là một đơn vị hành chính mà có tên đầy đủ là khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thuộc địa phận hai huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 150km về phía tây bắc. Có diện tích hơn 17.600 ha, nằm ở độ cao 1700m so với mực nước biển, khu vực này gồm núi non bao phủ bởi rừng rậm, nhiều suối, thác lớn nhỏ, hang động... xen lẫn các thung lũng ruộng bậc thang và bản làng của người Thái, người Mường.

“Pù Luông” trong ngôn ngữ dân tộc Thái bản địa nghĩa là “đỉnh núi cao nhất vùng”. Khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị lớn về đa dạng sinh học cũng như tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc - Ảnh 2.

Du khách đến đây sẽ được đón bình minh trong không gian mát mẻ, yên tĩnh

Nên đi mùa nào?

Hằng năm, Pù Luông có hai mùa lúa chín vàng vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 và cuối tháng 9, đầu tháng 10. Đây cũng là hai dịp cao điểm nhất, thu hút đông khách du lịch nội địa cả đi tour lẫn đi tự túc. Hoặc khoảng thời gian trước đó (tháng 3,4 và tháng 7,8) cũng rất đẹp với màu xanh rờn của cây cối, lúa non... thích hợp cho du khách đi tránh nóng, nghỉ ngơi cuối tuần.

Ngoài ra, các thời điểm khác cũng có nhiều điều thú vị riêng, chẳng hạn như các tháng cuối năm rất yên tĩnh, mù sương, ruộng bậc thang nước đổ lung linh...

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc - Ảnh 3.

Những sóng lúa trải rộng mênh mông

Di chuyển đến Pù Luông

Từ Hà Nội, du khách có nhiều lựa chọn đi xe khách từ các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, chọn các nhà xe có tuyến đến thị trấn Cành Nàng (trung tâm huyện Bá Thước) rồi bắt xe ôm hoặc taxi đi thêm hơn 20km để đến các bản làng đã phát triển du lịch như bản Đôn, bản Báng... của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Giá vé xe khách một chiều khoảng 150.000 đồng.

Hiện nay, nhiều khu nghỉ dưỡng ở Pù Luông đã kết hợp với các dịch vụ đưa đón tận nơi và chất lượng cao, du khách đặt phòng tại đâu thì có thể liên hệ trực tiếp để đặt xe đón ở một số điểm trung tâm Hà Nội đến thẳng nơi lưu trú ở Pù Luông, giá vé từ 250.000-300.000 đồng/chiều.

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc - Ảnh 4.

Đứng ở vị trí nào cũng có thể “săn” mây buổi sớm

Ngoài ra, du khách dùng phương tiện cá nhân (xe máy, ô-tô) cũng di chuyển dễ dàng theo chỉ dẫn của các ứng dụng bản đồ trực tuyến, đường Quốc lộ 6, Quốc lộ 15C... đều đẹp và bằng phẳng, nhiều điểm dừng nghỉ.

Du khách từ các tỉnh, thành phố xa hơn hoặc ở phía nam có thể lựa chọn di chuyển đường hàng không, đến sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) rồi tiếp tục thuê xe máy hoặc taxi để đến Pù Luông. Với khoảng cách 100km, giá taxi dao động từ 1-1,5 triệu đồng tùy loại xe.

Lưu trú

Các bản làng tại Pù Luông mới phát triển hoạt động du lịch khoảng 5 năm trở lại đây, hình thức lưu trú phổ biến nhất là homestay (chỗ nghỉ nhà dân) và đa phần nằm tại địa bàn các xã Thành Lâm, Cổ Lũng, Thành Sơn, Lũng Cao...

Hầu hết homestay được xây dựng (hoặc cải tạo) theo kiến trúc nhà sàn của cư dân bản địa, cung cấp hai loại phòng nghỉ: phòng tập thể và phòng riêng, với giá từ 150.000-200.000 đồng/người.

Các homestay có bán phòng trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến, hoặc có trang Facebook riêng. Một số homestay được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao như: Tai Dam (Tay Đằm), Thơ Hà, Duy Phương, Nguyễn Lan, Bản Hiêu, Riverside Lodge, Rice Road, Inh Lả Home...

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc - Ảnh 5.

Các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Pù Luông thường xuyên kín chỗ cuối tuần, ngày lễ...

Cao cấp và tiện nghi hơn là các khu nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản, khuôn viên rộng rãi, có hồ bơi, trang trí đặc sắc, có thể kể đến Pù Luông Retreat, Pù Luông Natura Bungalows, Bocbandi Retreat, Pù Luông Eco Garden, Pù Luông Jungle Lodge, Pù Luông Ecocharm, Pù Luông Treehouse... Giá phòng dao động từ 800.000 đồng cho đến 3 triệu đồng/đêm, tùy diện tích phòng và “view lúa”, ngày thường hoặc ngày lễ...

Đặc điểm nổi bật của đa phần homestay, resort ở Pù Luông là không gian mở, ít bê-tông hóa, sử dụng nhiều vật liệu địa phương, hài hòa với cảnh quan chung quanh. Gắn với xu hướng du lịch sinh thái và bền vững, nhiều phòng nghỉ đảm bảo tiện nghi cơ bản nhưng không trang bị tivi hay điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh...

Một số điểm tham quan, trải nghiệm

Chợ phiên Phố Đoàn (còn gọi là Phố Đòn) họp vào sáng thứ 5 và sáng chủ nhật hằng tuần, nơi mua bán trao đổi hàng hóa, nông sản vùng cao và trải nghiệm các món ăn đặc sản.

Bản Kho Mường, nằm trong một thung lũng biệt lập nhưng có ruộng bậc thang trải rộng rất đẹp, du khách đến đây có thể kết hợp tham quan hang Dơi với những nhũ đá triệu năm và thảm rêu xanh rì.

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc - Ảnh 6.

Thác Hiêu mùa này nhiều nước, song vẫn có những điểm an toàn mà du khách có thể tắm được.

Làng Tôm hoặc Suối Chàm, nơi có những guồng nước khổng lồ và trải nghiệm lênh đênh trên sông bằng chiếc bè kết bằng tre nứa. Thời gian tour chèo bè là 1 giờ, mỗi bè có thể chở 8-14 người, giá 50.000 đồng/người.

Đỉnh Pù Luông cao khoảng 1.700m, hành trình trekking kéo dài khoảng 6 tiếng đồng hồ rất hấp dẫn giới trẻ Việt Nam và du khách nước ngoài mê leo núi vì thiên nhiên ngoạn mục trên đường đi và biển mây bồng bềnh khi lên tới đỉnh.

Son-Bá-Mười là 3 bản trên cao và nằm kề nhau, nơi có cung đường tham quan hùng vĩ, hiểm trở, quanh năm mát lạnh, mây mù bao phủ, trồng nhiều dược liệu, cam ngọt.

Bản Hiêu, nơi có thác Hiêu trong vắt, mát lạnh dưới tán rừng, nhiều chỗ trũng tạo thành “bể bơi” thiên nhiên tuyệt đẹp.

Bản Ươi, nổi tiếng với đồi cọ khổng lồ, độc đáo.

Bản Lặn, nơi có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời của người Thái Đen.

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc - Ảnh 7.

Hoàng hôn rực rỡ miền sơn cước

Ẩm thực, quà lưu niệm

Tất cả homestay, resort ở Pù Luông đều có phục vụ ăn uống tại chỗ, món ăn theo thực đơn hoặc theo suất, giá trung bình 120.000-200.000 đồng/người. Các đặc sản nổi bật là vịt Cổ Lũng, ốc đá, gà đồi, cá suối, lợn bản, măng chua, các loại rau rừng, nộm hoa chuối, cơm lam... Nước chấm, gia vị chấm đều được thêm hạt dổi rất thơm và độc đáo. Ngoài ra, tại bản Đôn, bản Hiêu (nơi tập trung đông cơ sở du lịch) có các nhà hàng Pù Luông 0km, Pù Luông Buffalo... được thực khách đánh giá cao.

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc - Ảnh 8.

Một bữa ăn đặc trưng ở Pù Luông: ốc đá (còn gọi là ốc thuốc) hấp, vịt Cổ Lũng quay, cơm lam, cá suối chiên giòn...

Để làm quà cho người thân, bạn bè, du khách có thể mua các sản phẩm túi, ví, khăn, vỏ gối... bằng thổ cẩm thủ công tại chợ phiên Phố Đoàn hoặc các bản có nghề dệt, hoặc mua cơm lam, bánh gai, nem chua... dọc đường về. Một kinh nghiệm hữu ích là nhờ lễ tân hoặc các nhân viên khu nghỉ mua giúp, thường thì họ sẽ nhờ người nhà hoặc người dân trong bản làm theo yêu cầu, rất nhanh và giá cả phải chăng.

Đến Pù Luông hòa mình vào thiên nhiên xanh biếc - Ảnh 10.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Lễ hội nước mắm truyền thống lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM có gì đặc biệt?

Lễ hội nước mắm truyền thống lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM có gì đặc biệt?

Lễ hội Nước mắm truyền thống lần đầu tiên được tổ chức sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 23 - 27/10 tại khu vực Thương xá Tã cũ. Nhiều hoạt động độc đáo giới thiệu và quảng bá nước mắm Việt sẽ diễn ra xuyên suốt 5 ngày tổ chức.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Cầu Long Biên tồn tại bất chấp lũ lụt, vô tâm, lãng quên"

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Cầu Long Biên tồn tại bất chấp lũ lụt, vô tâm, lãng quên"

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cầu Long Biên vẫn tồn tại đến ngày nay, bất chấp thời gian, thiên tai và cả sự vô tâm, lãng quên của con người.

Chủ quán thịt chó Hàn Quốc đang điêu đứng

Chủ quán thịt chó Hàn Quốc đang điêu đứng

Dự luật cấm thịt chó tại Hàn Quốc nhận sự ủng hộ của đa số người dân, nhưng lại bị nhóm tiểu thương buôn bán thịt từ chó, mèo phản ứng căng thẳng.

Độc đáo lễ hội Katê trong văn hóa Chăm và bảo vật Linga vàng

Độc đáo lễ hội Katê trong văn hóa Chăm và bảo vật Linga vàng

Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Ninh Thuận và Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an. Đặc biệt, cộng đồng người Chăm này vừa đón nhận bảo vật quốc gia.

Quảng bá ẩm thực và du lịch Việt Nam qua chương trình mới từ tập đoàn châu Âu

Quảng bá ẩm thực và du lịch Việt Nam qua chương trình mới từ tập đoàn châu Âu

Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) và Công ty TNHH Nestlé Việt Nam vừa công bố chương trình hợp tác năm 2024 trong khuôn khổ Đề án "Biến tấu vạn nguyên liệu, nấu triệu món Việt" với chuỗi hoạt động mới mẻ nhằm thúc đẩy du lịch và văn hóa ẩm thực Việt.

Du lịch TP.HCM bội thu 15.600 tỷ đồng mỗi tháng

Du lịch TP.HCM bội thu 15.600 tỷ đồng mỗi tháng

Trung bình mỗi tháng, ngành du lịch TP.HCM thu khoảng 15.600 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương dẫn đầu doanh thu du lịch cả nước. Điều gì khiến TP.HCM luôn đạt thành tích ấn tượng này?