Độc đáo của phiên chợ là chỉ lấy lá cây để mua thức ăn nho nhỏ, như: xôi, khoai luộc, cơm chay, nước giải khát, bánh mì, hủ tiếu xào, kẹo đậu phộng, bánh ú, bánh tét... Ai muốn mua món ăn nào chỉ việc đưa một chiếc lá cây (không phân biệt các loại lá) cho người bán, nhận món ăn và kèm theo đó là lời cảm ơn nhau, chúc nhau những lời tốt lành đầu năm mới. Đến chợ, người mua hàng lấy lá cây làm tiền để mua hàng, người bán nhận lá làm may mắn.
Mặc dù phiên chợ đã hình thành từ 2010 đến nay, nhưng không nhiều người biết tới. Người khởi xướng là bác sĩ Bùi Quốc Thái (Phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành), một thầy thuốc nam làm từ thiện.
Ban đầu, đây chỉ là một phiên chợ nhỏ, kiểu “buffet thức ăn” vào dịp Nguyên tiêu để bác sĩ Bùi Quốc Thái cùng anh em, bạn bè cùng vui sau một năm vất vả. Ngoài khoản chi phí cá nhân, bạn bè ông góp thêm, ai có gì góp nấy để buổi chợ phong phú thêm về thức ăn, thức uống và mang tính chất nội bộ.
Nhưng về sau, người tham gia ngày càng nhiều, các mặt hàng ngày càng phong phú, “chợ nhỏ” tự chuyển thành phiên chợ “mua lộc bán may”, “lấy lá làm tiền” để trao đổi hàng hoá trong đầu năm mới. Người tham gia quan niệm tiền cũng chỉ là vật phù du như chiếc lá, điều quan trọng con người phải sống chan hoà, lương thiện, biết quan tâm và yêu thương nhau.
Địa điểm tổ chức phiên chợ “lá” không cố định và chỉ diễn ra khoảng một giờ đồng hồ (khoảng 5 giờ 30 – 7 giờ sáng). Năm nay, chợ được tổ chức sớm hơn mọi năm những hai ngày, do trùng dịp thứ Bảy, Chủ nhật nên bà con có thể tham gia các phiên chợ lá hôm sau nếu lỡ dịp.
Phiên chợ đầu tiên được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng, dọc theo con đường nhỏ Nguyễn Quốc Gia (cửa 8 Chợ Long Hoa, Trung tâm thương mại Long Hoa bây giờ) với hơn 20 gian hàng. Người bán, người mua tấp nập, xúng xính áo dài, áo bà ba, gióng mây thúng tre đầy ắp bánh, trái cây, khoai, cơm, bún chay các loại, pha lẫn đó là tiếng nói cười vui vẻ, cùng những câu chuyện hài hước dân gian.
Tham gia phiên chợ, người bán lẫn người mua cảm thấy vui và háo hức. Chị Nguyễn Thị Hồng Dung (41 tuổi) cho biết, nhiều ngày trước chị đã nôn nao chờ đến phiên chợ lá. Do năm 2021, phiên chợ tạm hoãn vì dịch bệnh COVID-19. Phiên chợ này, chị dắt theo con trai 6 tuổi tham gia để cho bé biết nét độc đáo của phiên chợ đặc biệt này.
Còn bà Dương Thị Diên Hồng (55 tuổi) cũng không giấu niềm vui khi tham gia phiên chợ lá. “Tôi nghe chợ lá đã lâu, nay mới được tham gia. Đến nay thật vui, cảm thấy những bộn bề, áp lực cuộc sống tiền nong như tan biến hết. Theo tôi, đây là nét văn hoá truyền thống cần được giữ gìn và tổ chức hàng năm vào dịp lễ tết, không chỉ tổ chức ở Hoà Thành, mà là những nơi khác nữa, để tạo môi trường sinh hoạt cộng đồng vui tươi, ấm cúng, hạnh phúc hơn trong cộng đồng người Việt Nam mình”.
Chị Dương Thị Hồng, một nhân viên ngân hàng cũng náo nức tham gia “bán bánh” trong phiên chợ lá năm nay, chị hồ hởi: “Ngay từ sáng sớm em đã chuẩn bị tham gia bán bánh cùng các cô, các chị để mọi người lấy lộc đầu năm. Đây là lần đầu tiên em tham gia phiên chợ. Tôi cảm thấy rất vui, vì làm được việc tốt, và chia sẻ với người xung quanh”.
Không chỉ người dân trong tỉnh, phiên chợ lá cũng có đông đảo người dân ở các tỉnh tham gia. Chị Dương Tuyết Trinh từ Cà Mau lên Tây Ninh tham gia gói bán bánh chưng, bánh ít trong phiên chợ lá. Chị chia sẻ: “Năm nào tôi cũng tham gia chợ lá. Năm rồi không tổ chức vì dịch bệnh cũng hơi buồn, nhưng năm nay, tôi đã chuẩn bị từ rất sớm, cùng anh chị, bạn bè tham gia. Hôm nay là phiên chợ đầu, tôi bán hết 2 thúng bánh chưng và bánh ít, tôi sẽ tiếp tục tham gia các phiên chợ sau”.
Phiên chợ lá được tổ chức không chỉ là một điểm vui chơi, ẩm thực mà còn là nơi để con người cùng nhau giao lưu những tiếng cười. Bởi nơi này chỉ có nụ cười tươi vui, sự hớn hở háo hức người lớn, trẻ nhỏ, có lẽ, không một ai nghĩ đến chuyện hơn thua được mất khi tham gia phiên chợ, ít nhất cho đến khi chợ tan. Một phiên chợ của những nụ cười và lòng nhân ái.
Dù chỉ diễn ra sau khoảng một giờ, nhưng mặt bằng phiên chợ luôn sạch sẽ, gọn gàng, không vương vãi bụi rác như chưa từng có một buổi họp chợ nào.