Thứ sáu, 19/04/2024

Độc đáo phong tục đón Tết của người H’Mông

05/01/2022 1:00 PM (GMT+7)

Khác với một số dân tộc ở vùng Tây Bắc, người dân tộc H’Mông ở xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La thường đón Tết sớm hơn 1 tháng.

Phong tục đón Tết của đồng bào H’Mông cũng có nhiều nét độc đáo, trong đó có phong tục vào ngày mùng một Tết Dương lịch, khi tiếng gà gáy đầu tiên cất lên cũng là lúc những người đàn ông dân tộc H’Mông dậy sớm nhất nhà để làm những việc quan trọng trong gia đình.

Độc đáo phong tục đón Tết của người H’Mông - Ảnh 1.

Dậy sớm nhất để cho lợn, gà ăn hay làm các công việc quan trọng sẽ là những người đàn ông trong gia đình.


Khác với dân tộc Kinh và nhiều đồng bào dân tộc trong cả nước nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng, người H’Mông ở Sơn La và một số tỉnh ở Tây Bắc thường ăn Tết vào đầu tháng Chạp Âm lịch. Tết của người Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản trên, bản dưới tại các xã vùng cao của Sơn La, người H’Mông đã nhộn nhịp không khí đón xuân.

Tối 29/11 Âm lịch, thời khắc giao thừa chuẩn bị đến cũng là lúc khắp Bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, các hộ dân tộc H’Mông trong bản nhà nào nhà nấy đều quây quần bên mâm cơm gia đình để cùng nhau đón năm mới 2022. Khắp bản đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười, tiếng nói cùng những lời chúc sức khỏe, bình an và chúc cho mùa màng tươi tốt.

Độc đáo phong tục đón Tết của người H’Mông - Ảnh 2.

Dậy sớm nhất để cho lợn, gà ăn hay làm các công việc quan trọng sẽ là những người đàn ông trong gia đình.


Cũng như các hộ dân tộc H’Mông khác trong bản Co Mạ, gia đình ông Và Sái Di, một trong những người cao tuổi có uy tín của bản Co Mạ đang chuẩn bị các thủ tục để cùng gia đình đón Tết Dương lịch. Năm nay, do tính chất công việc của các thành viên trong gia đình, nên gia đình ông tổ chức cơm tối của gia đình vào ngày 29/11 Âm lịch, chứ không phải là ngày 30/11 như năm trước. 

Dùng đôi bàn tay thô ráp chia đôi chiếc bánh dày thơm ngon nướng cạnh bếp lửa hồng mời khách thưởng thức, ông Di bảo: “Tối nay ít người nên gia đình mổ 2 con gà để làm lý thôi. Sáng mai, mùng một Tết mới mổ lợn để đón người thân bên nội, ngoại, con cháu và khách trong bản đến vui Tết cùng gia đình. Gia đình nào làm Tết sớm thì trước đó sẽ thông báo tới người thân, bạn bè để sáng hôm sau đến chung vui Tết cùng gia đình”.

Độc đáo phong tục đón Tết của người H’Mông - Ảnh 3.

Độc đáo phong tục đón Tết của người H’Mông - Ảnh 4.

Việc trong ngày mùng một Tết của những người đàn ông trong gia đình là chuẩn bị bếp lửa và mổ lợn...


Tiếp tục chia sẻ về ngày Tết của người H’Mông, ông Và Sái Di thông tin thêm: “Người H’Mông chúng tôi chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Mỗi người mỗi việc, phụ nữ sẽ hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông chúng tôi thì đi mua sắm đồ hay mổ lợn, mổ gà cho bữa cơm trong gia đình. Nếu như với người Kinh, trong mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết của dân tộc H’Mông chúng tôi phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Người H’Mông chúng tôi quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, đó chính là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết của dân tộc H’Mông chúng tôi”.

Cũng như người dân tộc H’Mông ở các bản vùng cao Tây Bắc, người dân tộc H’Mông ở bản Co Mạ rất thật thà, chất phác và mến khách. Ngồi bên mâm cơm đón giao thừa cùng gia đình, ông Và Sái Di rót chén rượu ngô với màu vàng nhạt đặc trưng thơm nức và gắp miếng thịt gà đen săn chắc mời chúng tôi thưởng thức.

Độc đáo phong tục đón Tết của người H’Mông - Ảnh 5.

Các thiếu nữ H'Mông chuẩn bị trang phục đi chơi Tết.


Vừa tiếp khách ông Di vừa kể cho mọi người trong mâm cơm nghe về những phong tục, nghi lễ tốt đẹp của người H’Mông. Bên cạnh đó, ông cũng không quên căn dặn thế hệ trẻ phải chăm chỉ học tập để trở thành những công dân có ích cho xã hội, không được vi phạm pháp luật và không nghe theo tà đạo, lời xúi giục của kẻ xấu để gây mất đoàn kết giữa các dòng họ, gia đình.

Giải đáp câu hỏi của chúng tôi, “Vì sao đàn ông dân tộc H’Mông là người dậy sớm nhất trong ngày mùng một Tết”, ông Và Sái Di bảo: “Người H’Mông chúng tôi quan niệm nếu gia đình nào tổ chức ăn Tết vào các ngày 27, 28 hoặc 29  hay 30 trong tháng 11 Âm lịch thì ngày hôm sau sẽ là mùng một Tết, không nhất thiết cứ phải ăn Tết vào tối 30/11 Âm lịch. Do vậy, khi những tiếng gà gáy "ò ó o" đầu tiên vang lên trong sáng ngày hôm sau thì cũng sẽ là thời điểm đánh dấu những phút giây đầu tiên bước sang năm mới (và sẽ coi đó là ngày mùng một Tết).

Đặc biệt, vào ngày này, cánh đàn ông người H’Mông sẽ là những người dậy khỏi giường sớm nhất trong gia đình để làm hết mọi công việc thay người phụ nữ, từ nhóm bếp, nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho lợn, gà, trâu, bò ăn…

Người H’Mông quan niệm, đàn ông là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Không chỉ có vậy, sáng mùng một Tết, sau khi chờ đàn ông trong gia đình dậy sớm nhóm bếp, cho lợn, gà ăn… xong thì người phụ nữ H’Mông cũng dậy sau đó để làm những công việc nhỏ hơn như hứng nước và dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón anh em họ hàng gần xa đến chung vui năm mới”.

Chị Thào Thị Ly, bản Co Mạ, chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, những cô gái người H’Mông chúng tôi đã được bố mẹ dạy bảo phải tập dậy sớm nhóm bếp, lấy nước, nấu cơm. Có như vậy sau này về nhà chồng mới được lòng mẹ chồng và họ hàng bên đó. Sáng mùng một Tết này, sau khi những người đàn ông được coi là trụ cột trong gia đình dậy sớm làm xong các công việc quan trọng trước thì tiếp sau đó, chúng tôi mới ra khỏi giường để hứng những giọt nước sạch nhất về sử dụng với mong muốn năm mới mọi thành viên trong gia đình đều mạnh khỏe, may mắn”.

Trong 3 ngày Tết, người Mông còn có tục dán giấy lên các công cụ lao động hằng ngày và để dưới bàn thờ như một sự tri ân những công cụ đã luôn theo mình trong lao động, sản xuất suốt năm qua. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, ăn bánh dày…

Độc đáo phong tục đón Tết của người H’Mông - Ảnh 6.

Người H'Mông sẽ dán giấy vào công cụ lao động để dưới bàn thờ để công cụ được nghỉ ngơi ngày Tết.


Trong những ngày đón Tết, người dân tộc H’Mông sẽ cùng nhau chơi Tết và khoác lên mình những bộ váy, áo đẹp nhất. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên sườn đồi ngút ngàn cùng những tiếng leng keng của đồng bạc trên người các chàng trai, cô gái đi chơi xuân.

Đến với đồng bào Mông ở xã vùng cao Co Mạ vào dịp Tết này, ngoài việc được chứng kiến những phong tục, nghi lễ độc đáo, như: kiêng gọi nhau, kiêng tiêu tiền, kiêng ăn rau... trong ngày mùng một Tết, du khách sẽ được thưởng thức bầu không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc, hòa mình vào sắc màu e ấp của hoa đào, hoa mơ, hoa mận hay được học cách ném những trái Pao (tiếng Mông gọi là pó po) cùng những thiếu nữ người H’Mông xinh đẹp xúng xính trong những bộ váy áo rực rỡ.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bến Tre và Saigontourist ký kết hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch

Bến Tre và Saigontourist ký kết hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch

Ngày 16/4, tại Bến Tre, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) và UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch Bến Tre giai đoạn 2024 - 2029.

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Đến Hà Nội đừng bỏ lỡ cốc cà phê trứng

Một cốc cà phê vào buổi sáng là thói quen của CEO Apple Tim Cook. Khi đến Hà Nội, ông đã tranh thủ thưởng thức món cà phê trứng độc đáo. Vậy cà phê trứng độc đáo thế nào?

Hé lộ vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024

Hé lộ vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” tại Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024

Lễ hội Sông nước TP.HCM 2024 kéo dài đến 10 ngày, từ 31/5 đến 9/6. Điểm nhấn của lễ hội Sông nước TP.HCM 2024 là vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” trên sông Sài Gòn.

Hơn 50.000 quyển sách phục vụ bạn đọc trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Hơn 50.000 quyển sách phục vụ bạn đọc trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam có sự tham gia của 31 đơn vị cùng 42 gian hàng, mang đến gần 50.000 quyển sách với hơn 300 hoạt động diễn ra từ 15/5 - 1/5.

Các tỷ phú ăn gì, chơi đâu khi đến Việt Nam

Các tỷ phú ăn gì, chơi đâu khi đến Việt Nam

Tim Cook khá thích thú với món cà phê trứng ở Hà Nội. Bill Gates trải nghiệm buổi thiền trà đặc biệt trên đỉnh Bàn Cờ, Đà Nẵng.

Phát hiện 22 hang động mới "đẹp lung linh" tại Quảng Bình

Phát hiện 22 hang động mới "đẹp lung linh" tại Quảng Bình

Đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt vừa phát hiện thêm 22 hang động tại Quảng Bình với tổng chiều dài 3.550m. Những gì mới phát hiện được đánh giá đẹp lung linh không kém 400 hang động đã tìm ra trước đó.