Thứ ba, 23/04/2024

Đón khách Trung Quốc từ 15/3: Tránh chộp giật

13/03/2023 9:25 AM (GMT+7)

Dù chưa thể mong khách Trung Quốc ồ ạt đổ bộ sang Việt Nam du lịch từ ngày 15/3, những người làm du lịch sẵn sàng tâm thế đón đầu sự thay đổi của du khách từ thị trường tỷ dân. Đã đến lúc du lịch Việt Nam tìm cách thu hút nhiều hơn du khách có mức chi tiêu cao, hơn là chạy theo số lượng.

Tích cực đón khách

Hai ngày nữa tới thời điểm khách đoàn Trung Quốc được sang Việt Nam du lịch. “Việc Trung Quốc mở tua đoàn tới Việt Nam là tin vô cùng đáng mừng dành cho các công ty du lịch quốc tế, nhất là khi toàn ngành du lịch nỗ lực cho mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023”, ông Lê Công Năng - nhà sáng lập công ty du lịch Wondertour - nói.

Các công ty lữ hành quốc tế luôn trong tâm thế sẵn sàng đón khách từ đất nước tỷ dân. “Chúng tôi luôn sẵn sàng trong đó có nguồn nhân lực tốt nhất để đón thị trường khách quốc tế rất lớn này. Trước đó, chúng tôi tích cực đón các thị trường khách quốc tế khác, vì thế việc đón khách Trung Quốc hoàn toàn trong tầm tay”, ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và dịch vụ Hòn Gai, chi nhánh Quảng Ninh nói. 

Ngay sau khi Trung Quốc mở lại tua du lịch đến Việt Nam, đơn vị này sẽ đón đoàn khách đầu tiên vào ngày 17/3 theo đường hàng không.

Để đón khách Trung Quốc vào Việt Nam, từ trước đó nhiều tháng, công ty Wondertour đã xây dựng dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và tua thể thao phục vụ nhu cầu tái tạo năng lượng sau dịch COVID-19 cho khách Trung Quốc. “Chúng tôi đang tích cực liên kết nhận khách với các công ty du lịch phía Trung Quốc, đồng thời lên kế hoạch thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá tại thị trường này”, ông Năng cho biết.

Đón khách Trung Quốc từ 15/3: Tránh chộp giật - Ảnh 1.

Nhu cầu chi tiêu cho du lịch của khách Trung Quốc ở mức cao hàng đầu thế giới Ảnh: Chinadaily.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bày tỏ băn khoăn về chi tiết chương trình đón khách. Theo nhiều chủ doanh nghiệp du lịch lữ hành, hiện tại họ mới nắm được thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng chưa nắm rõ thông tin cụ thể về quy định đối với đón khách Trung Quốc.

Khai thác nhiều hơn dòng khách chi tiêu cao

Trung Quốc chính thức mở lại tua đoàn là cơ hội để Việt Nam sớm đạt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023. Sau một năm tái mở cửa hoàn toàn đối với quốc tế, hạ tầng du lịch phục hồi gần như hoàn toàn. Việt Nam có thể thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế với các sản phẩm mới mẻ hơn như du lịch chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp truyền thống (nam dược, đông y…), du lịch thể thao, hội nghị hội thảo...

Khách du lịch Trung Quốc đến Quảng Ninh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày một tăng. Từ 131.000 lượt năm 2014 lên 750.000 lượt năm 2019. Lượng khách du lịch Trung Quốc lưu trú tại tỉnh Quảng Ninh cũng chiếm khoảng 50% tổng khách quốc tế đến với địa phương này. Thành phố Hạ Long dự tính tổ chức hơn 60 sự kiện văn hóa trong năm 2023 nhằm thu hút du khách.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn của du lịch Việt Nam, nhưng thực tế chúng ta còn chưa chạm tới nhiều hơn phân khúc cao cấp, chi tiêu cao. Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp dần tính tới sự phát triển theo chiều sâu đón những đoàn khách có chi tiêu cao. Đại diện Công ty Cổ phần Du lịch và dịch vụ Hòn Gai (có kinh nghiệm chuyên đón khách Trung Quốc nhiều năm nay) cho biết, đơn vị này đón nhiều đoàn khách Trung Quốc chất lượng cao. Họ tập trung xây dựng các tua du lịch dành cho các du khách cao cấp đến Quảng Ninh chơi golf.

“Phía đối tác Trung Quốc ưu tiên quảng bá những sản phẩm, chương trình du lịch cao cấp. Nhu cầu của họ là hướng đến những sản phẩm du lịch cao cấp, cụ thể các nhà hàng, cơ sở lưu trú phải đảm bảo chất lượng”, ông Hải nói.

Để thu hút du khách quốc tế nói chung, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là tạo nên văn hoá du lịch văn minh, tạo được sản phẩm du lịch đặc trưng. “Trở thành điểm đến hấp dẫn khách nước ngoài là đề tài khó, du lịch Việt Nam theo đuổi hơn 20 năm qua. Việc quy hoạch để tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách quốc tế nhưng vẫn tạo được nét riêng là yêu cầu cấp thiết. Nhiều điểm du lịch đã mất đi nét duyên dáng của văn hóa và cảnh quan nguyên bản, trong khi nhiều chương trình du lịch lại thiếu đi những trải nghiệm phù hợp với văn hóa, lối sống của khách quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu”, ông Năng nhận định.

Khảo sát sự thay đổi của du khách

Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành quốc tế Kim Liên, cho biết phía đối tác Trung Quốc đang khởi động kế hoạch đưa khách sang Việt Nam. “Trung Quốc thí điểm lần thứ 2 nâng tổng số điểm đến lên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam là thị trường gần cũng có lợi thế, tuy nhiên lượng khách chưa thể ồ ạt đổ sang Việt Nam. Doanh nghiệp lữ hành và du khách cần thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, thời điểm nghỉ lễ lao động đang tới gần, chúng tôi hy vọng thị trường Trung Quốc sớm phục hồi”, bà Phương nói.

Để đón đầu thị trường khách Trung Quốc trở lại từ 15/3, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch, nêu ý kiến, cần khảo sát và tìm hiểu thói quen và hành vi của khách Trung Quốc để chào đón sản phẩm phù hợp. Việt Nam cần có chiến lược xúc tiến du lịch mạnh mẽ hơn, tăng cường tiếp thị điểm đến cấp quốc gia, tiếp thị số, sử dụng mạng xã hội quen thuộc.

“Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc khuyến cáo các công ty du lịch nên lựa chọn các nhà cung cấp và đối tác nước ngoài có trình độ đạt tiêu chuẩn, chuẩn bị và xác nhận lộ trình phù hợp. Việt Nam cũng cần xem đây là cơ hội, tránh để các doanh nghiệp trong nước không đạt chuẩn đón khách dễ nảy sinh tua giá rẻ, tua 0 đồng. Việt Nam cũng có thể học Thái Lan trong phương án đón khách Trung Quốc. Vừa rồi Hiệp hội Du lịch Thái Lan khuyến khích các doanh nghiệp chỉ nhận đón khách Trung Quốc có mức chi tiêu trên 1.000 USD/người”, ông Chính nêu.

NGUYÊN KHÁNH

Theo Tiền Phong

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Còn dư 13.400 lượng vàng SJC sau đấu thầu

Còn dư 13.400 lượng vàng SJC sau đấu thầu

Chỉ có hai trong tổng cộng 11 thành viên được trúng thầu hôm nay (23/4) với tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng vàng). Như vậy, còn dư lại 13.400 lượng vàng miếng SJC.

Giá vàng lao dốc trước phiên đấu thầu

Giá vàng lao dốc trước phiên đấu thầu

Trước khi bước vào phiên đấu thầu chính thức lúc 9h sáng nay (23/4), giá niêm yết của vàng bất ngờ lao dốc.

Vì sao đấu thầu vàng SJC hôm nay bị hoãn?

Vì sao đấu thầu vàng SJC hôm nay bị hoãn?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải hoãn đợt đấu thầu vàng miếng SJC hôm nay 22/4 do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu. Dự kiến sẽ tổ chức lại vào ngày mai.

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

10 giờ sáng nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành đấu thầu vàng miếng tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (TP Hà Nội). Đây là phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau 11 năm.

Chuyên gia: Nếu TP.HCM chặt hơn 400 cây xanh vì metro, phải trồng lại gấp đôi

Chuyên gia: Nếu TP.HCM chặt hơn 400 cây xanh vì metro, phải trồng lại gấp đôi

Ý kiến trên được chuyên gia quy hoạch và kiến trúc đô thị đưa ra sau khi có thông tin chặt hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2 ở TP.HCM

Chuyên gia nhận định giá vàng sẽ giảm nhẹ

Chuyên gia nhận định giá vàng sẽ giảm nhẹ

Thị trường vàng trong nước trong trạng thái ổn định hiếm thấy hôm nay 21/4. Các chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ giảm nhưng không đáng kể.