Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã giúp nông dân sử dụng nước tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cao, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5 đến 2,2 lần. Dù các mô hình chuyển đổi giúp nông dân tăng cao thu nhập nhưng theo nhận định từ các chuyên gia và thực tế từ địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn thiếu bền vững.
Chưa “nhạy” thị trường
Dẫn chúng tôi tới thăm vườn cây ăn trái của gia đình, ông Nguyễn Thanh Huyền, ngụ tại ấp Thới Mỹ 2, xã Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp) khoe với khách từng dây thanh long tươi tốt đến những trái chín mọng.
Ông Huyền cho biết: “Theo xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều nông dân không ngại phá bỏ diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao, phù hợp với thị trường, gia đình tôi cũng mạnh dạn chuyển đổi trồng lúa sang thanh long ruột đỏ trên diện tích 7.000m2 đất canh tác. Thanh long là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi, cho năng suất cao nên thu hồi vốn nhanh và mang lại hiệu quả cao hơn lúa gấp vài lần. Hiện nay, chúng tôi đã chủ động liên kết với Công ty TNHH Thạch Võ (tỉnh Vĩnh Long) bao tiêu sản phẩm thanh long ruột đỏ nên đầu ra rất ổn định. Nhờ đó mỗi năm lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng”.
Theo thống kê từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, diện tích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa tại ÐBSCL tăng nhanh. Trong đó diện tích chuyển sang trồng cây hằng năm nhiều nhất với 48.090ha, chuyển đổi sang trồng cây lâu năm gần 11.500ha và chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản (tôm-lúa, cá-lúa) hơn 11.300ha.
Thời gian qua, việc chuyển dịch cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả trong vùng ĐBSCL như tạo “luồng gió mới”, góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như: Quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung; trình độ nông dân không đồng đều; trong quy hoạch phát triển các loại cây trồng, vật nuôi còn bị phá vỡ, thiếu tính bền vững do thị trường đầu ra nông sản không ổn định... Tuy năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi có tăng hằng năm nhưng hiệu quả và lợi nhuận đem lại cho người nông dân vẫn chưa tương xứng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhận định: “Thực tế, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Một số địa phương ở ĐBSCL chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao. Kết cấu hạ tầng tại một số vùng chuyển đổi chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi... Về phía nông dân chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật canh tác cây ăn quả, một số diện tích nông dân trồng với nguồn cây giống chưa đạt yêu cầu chất lượng nên dẫn đến chất lượng nông phẩm không cao”.
Một vấn đề khiến cho việc chuyển đổi chưa bền vững là do liên kết thị trường và tính cạnh tranh sản phẩm còn hạn chế. Thực tế, khi thiếu sự chặt chẽ trong liên kết sản xuất, tiêu thụ, người sản xuất đã tự đặt mình vào vị trí thiếu thông tin trong sản xuất. Đây là vấn đề còn thường xuyên xảy ra với người sản xuất khu vực ĐBSCL. Nhiều nông dân tìm hiểu thông tin chưa sát sao đã chạy theo phong trào chuyển đổi sản xuất cây trồng khác, làm cho sản phẩm dù đạt giá trị cao trên thị trường vẫn phải giảm giá vì thiếu thông tin thị trường.
Chị Đặng Thị Thùy Hương ở ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là một điển hình trong lựa chọn chuyển đổi cây trồng nhưng thiếu thông tin, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ. Chị Hương cho biết: “Khi nhận thông tin tuyên truyền chuyển đổi cây trồng từ chính quyền địa phương, gia đình học tập theo các nông dân khác, chuyển sang trồng dưa hấu và ngô (bắp) nhưng thiếu kỹ thuật chăm sóc, năng suất thấp. Hơn nữa, sản phẩm được thương lái thu mua nhưng không có hợp đồng tiêu thụ. Khi dưa hấu rớt giá, thương lái sẵn sàng hủy hợp đồng, còn gia đình không bán được hàng”.
Cần chính sách đồng bộ, liên hoàn và tăng cường liên kết
Trước những vướng mắc làm trở ngại một phần kế hoạch chuyển đổi cây trồng hiện nay, theo các chuyên gia, muốn thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng thành công hơn nữa thì nông dân phải bỏ tư duy mùa vụ, doanh nghiệp bỏ tư duy thương vụ và chính quyền bỏ tư duy nhiệm kỳ, tất cả tập trung vào mục tiêu làm tốt nhiệm vụ trước mắt thì “cỗ xe” chuyển đổi mới vận hành trôi chảy.
Để kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên diện tích lúa kém hiệu quả phát huy thành quả tốt, ông Lê Minh Khải, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đề xuất: “Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong công tác chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, công tác quy hoạch phải bảo đảm chi tiết, cụ thể cho từng diện tích, gắn với quy hoạch sản xuất. Cùng với đó, cần xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể, trong đó nên khuyến cáo mô hình canh tác phù hợp, cả điều kiện canh tác với thị trường tiêu thụ. Ưu tiên mở rộng những mô hình canh tác các cây trồng có “đầu ra” ổn định. Ngoài ra, việc sản xuất phải gắn kết chặt chẽ “4 nhà”, trong đó mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân là rất quan trọng, giúp giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững hơn”.
Tương tự, TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho rằng: “Thực tế vấn đề ngành nông nghiệp và hầu hết nông dân băn khoăn là thị trường tiêu thụ. Vì thế, Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ đủ sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp; đồng thời làm cầu nối để nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau, hình thành những vùng chuyển đổi tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đủ điều kiện xây dựng cơ sở chế biến-tiêu thụ sản phẩm”.
GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ khẳng định: "Nông dân vùng ĐBSCL vốn rất nhạy trong vấn đề sản xuất. Cái khó của họ chính là nguồn vốn và thị trường. Chính phủ cần có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn hơn nữa cho nông dân. Khi nguồn vốn được cải thiện, người sản xuất mới mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương đóng vai trò đầu tàu trong việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân. Địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ngay trên vùng nguyên liệu khi họ tham gia vào chuỗi này. Thông tin thị trường phải có một đơn vị chuyên môn hoạch định rõ ràng để định hướng sản xuất cho nông dân. Có như vậy thì người sản xuất mới đủ sức bật và động lực làm ra sản phẩm chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế”.