Thứ bảy, 23/11/2024

Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 kỳ vọng mở rộng kết nối liên vùng

31/01/2022 1:00 PM (GMT+7)

Có mặt tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 những ngày cận Tết, phóng viên ghi nhận không khí thi công nhộn nhịp trên toàn tuyến trải dài từ thành phố Pleiku (Gia Lai) đến huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định).

Những đoạn tuyến được nâng cấp cải tạo, nhà thầu đã tập trung máy móc, thiết bị thi công cống thoát nước hai bên và cống hộp qua đường để tạo mặt bằng thi công các hạng mục tiếp theo.

Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 kỳ vọng mở rộng kết nối liên vùng - Ảnh 1.

Quốc lộ 19 chính thức được thi công trên toàn tuyến.

Trên toàn tuyến, phóng viên cũng ghi nhận các gói thầu thi công cầu, tuyến tránh đang được triển khai. Anh Nguyễn Xuân Tâm, Chỉ huy trưởng gói thầu XL03 Công ty cổ phần Xây dựng tổng hợp Quảng Trị (đơn vị thi công gói thầu qua thị xã An Khê, Gia Lai) chia sẻ: “Ngay sau khi trúng thầu, doanh nghiệp đã huy động máy móc, thiết bị vào công trường. Hiện tại chúng tôi đã chia ra nhiều múi thi công đảm bảo hoàn thành gói thầu theo đúng hợp đồng đã ký kết”.

Có thể nói Quốc lộ 19 tuyến giao thông huyết mạch có chiều dài hơn 240 km kết nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) tiếp giáp với Campuchia xuống cảng Quy Nhơn (Bình Định) sau thời gian chuẩn bị khá lâu với nhiều khó khăn về khách quan và chủ quan đã chính thức được thi công trên toàn tuyến.

Chia sẻ về niềm vui này, anh Nguyễn Văn Tới (trú tại thành phố Pleiku) - một lái xe vận tải thường xuyên chở hàng hóa từ thành phố Gia Lai xuống cảng Quy Nhơn chia sẻ, những năm gần đây, Quốc lộ 19 thực sự  trở thành nỗi ám ảnh với nhiều lái xe vận tải và người tham gia giao thông bởi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Văn Tới thông tin thêm, do được xây dựng đã lâu và chỉ có quy mô hai làn xe, mặt đường nhỏ hẹp khoảng từ 7 - 9 m chỉ đáp ứng tốc độ di chuyển thấp và thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đặc biệt do đường nhỏ hẹp và có nhiều đèo, đặc biệt là đèo An Kê nên thời gian cho lộ trình từ Gia Lai xuống Bình Định mất từ 6 -7 h cho quãng đường chỉ gần 150 km từ thành phố Pleiku xuống thành phố Quy Nhơn.

“Chúng tôi rất kỳ vọng vào Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 19 đang triển khai. Nếu dự án hoàn thành sẽ giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, đặc biệt là xuống cảng Quy Nhơn, lái xe chúng tôi cũng bớt vất vả cũng như tiết kiệm được tiền xăng dầu. Nhưng quan trọng hơn là sự an toàn khi tham gia giao thông, nhất là qua đèo An Khê về đêm”, anh Tới cho hay.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết, cảng có vai trò kết nối nguồn hàng tại khu vực Tây Nguyên phục xuất khẩu, đồng thời cũng là cảng phục vụ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của cả vùng Tây Nguyên. Do đó việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 sẽ mở ra cơ hội thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu của cảng từ đó tạo động lực phát triển kinh tế cho cả vùng.

Còn theo đại diện UBND tỉnh Bình Định, tuyến Quốc lộ 19 nối liền từ Cảng Quy Nhơn đến với các tỉnh Tây Nguyên và kết thúc tại cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) có có ý nghĩa chiến lược trong việc mở ra cơ hội thông thương, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan theo trục hành lang Đông - Tây... Nhận thấy tầm quan trọng của tuyến huyết mạch này, đồng thời cũng là điểm nghẽn cần tháo gỡ, tỉnh Bình Đình đã đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng xây dựng mới hơn 17 km với  6 làn xe (đã hoàn thành năm 2020) kết nối từ cảng vào Quốc lộ 19.

“Vì vậy, việc Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy mạnh việc thi công Dự án cải tạo, nâng cấp toàn bộ Quốc lộ 19 cùng với Quốc lộ 19 (mới) mà tỉnh Bình Định đã đầu tư sẽ tạo ra hạ tầng đồng bộ trên toàn tuyến, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa hai chiều từ cảng lên các tỉnh Tây Nguyên”, đại diện UBND tỉnh Bình Định nhìn nhận.

Đại diện Sở Giao thông tỉnh Gia Lai thông tin, kể từ sau năm 1975 đến nay, Quốc lộ 19 đã trải qua một số lần nâng cấp, cải tạo. Trong đó, gần đây nhất là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km17+027 đến Km50 (tỉnh Bình Định) và Km108 Km131+300 (tỉnh Gia Lai) theo hình thức hợp đồng BOT được hoàn thành vào cuối tháng 12/2015.

“Tuy nhiên, sau nhiều năm khai thác dưới áp lực lưu thông phương tiện lớn, các đoạn ngoài phạm vi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Việc Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai dự án nâng cấp, cải tạo các đoạn còn lại sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trên tuyến đường huyết mạch này”, đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đánh giá.

Ông Lưu Việt Khoa, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 2 – Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19) cho biết, trong tổng số 143,6 km đường thuộc phạm vi thi công, đoạn qua địa bàn tỉnh Gia Lai chiếm 126,6 km (bao gồm 2 đoạn tuyến tránh thành phố Pleiku và thị xã An Khê). Hiện nay, 7/8 gói thầu xây lắp thuộc dự án đã được triển khai. Gói thầu còn lại đang lựa chọn nhà thầu để triển khai ngay trong quý I này.

Cũng theo ông Lưu Việt Khoa, trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Ban Quản lý Dự án 2 đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị thi công xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức thi công để đảm bảo yêu cầu tiến độ, chất lượng công trình.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết: Về phía địa phương rất quan tâm đến dự án này và luôn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp nhịp nhàng cùng chủ đầu tư để đảm bảo yêu cầu đề ra. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai rất quyết liệt, đảm bảo tiến độ để chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thi công.

Là địa phương được hưởng lợi khi dự án cải tạo, nâng cấp được triển khai, đại diện UBND thành phố Pleiku đánh giá, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 sẽ góp phần hoàn thiện thêm hạ tầng giao thông kết nối từ Pleiku đi một số địa phương trong tỉnh cũng như gia tăng kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Từ đó tạo động lực để thành phố Pleiku có thêm sức bật để phát triển. Đặc biệt, trong dự án này thì thành phố sẽ mở thêm tuyến đường tránh phía Đông Nam Pleiku. Sự đầu tư mới về hạ tầng sẽ giúp thành phố có điểm nhấn thu hút dân cư phát triển theo hướng này. Điều này cũng phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển đô thị trong tương lai đã được nghiên cứu, xây dựng.

Một chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay hầu hết các mặt hàng từ tỉnh Gia Lai, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia xuất khẩu qua cảng Quy Nhơn đều vận chuyển qua Quốc lộ 19. Vì vậy, đây là tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định và vùng tam giác phát triển của 3 nước Việt Nam - Campuchia - Lào.

“Như vậy, Quốc lộ 19 được cải tạo không chỉ là câu chuyện của 2 tỉnh Gia Lai, Bình Định được hưởng lợi mà là của toàn khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Dự án được hoàn thành sẽ giúp thời gian phương tiện di chuyển chặng Bình Định - Gia Lai rút ngắn chỉ còn khoảng 5 tiếng, kết nối giao thông và logistics với hành lang Đông - Tây từ khu vực Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Do đó, dự án hoàn thành sớm ngày nào người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng sớm, qua đó nâng cao đời sống của người dân”, vị chuyên gia này nhìn nhận.

Là dự án được thi công trong điều kiện vẫn khai thác, đại diện Ban Quản lý dự án 2 khẳng định “Công tác đảm bảo an toàn giao thông sẽ được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu không được lơ là việc đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt phải luôn cắt cử người điều phối giao thông, bố trí biển báo cọc tiêu đây đủ”.

Đại diện Ban Quản lý Dự án 2 cho biết Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (khoảng hơn 3.600 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật và 3,7 triệu USD vốn đối ứng trong nước.

Sau khi Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 hoàn thành sẽ đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 80 km/h. Thời gian thi công dự án dự kiến trong 24 tháng, hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2023. Đồng thời, tuyến Quốc lộ 19 còn góp phần phát triển hệ thống đường bộ châu Á kết nối Việt Nam với các nước láng giềng; phát triển hành lang an toàn giao thông đường bộ trên Quốc lộ 19 đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn giao thông.


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Thị trường bất động sản vẫn đầy chung cư cao cấp, người mua nhà khó tìm ra giá thấp hơn

Thị trường bất động sản vẫn đầy chung cư cao cấp, người mua nhà khó tìm ra giá thấp hơn

Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.

Những dự án bất động sản sẽ được ưu tiên đầu tư ở TP.HCM

Những dự án bất động sản sẽ được ưu tiên đầu tư ở TP.HCM

Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Kỳ vọng bứt tốc trong phát triển nhà ở xã hội

Kỳ vọng bứt tốc trong phát triển nhà ở xã hội

Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Cưỡng chế thu hồi khu "đất vàng" để xây dựng trường học

Cưỡng chế thu hồi khu "đất vàng" để xây dựng trường học

Cơ quan chức năng ở TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu "đất vàng" tại quận 10. Mục đích thu hồi là để xây một trường học mới.