Đây là nhận định chung của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023” do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức.
Nhiều tín hiệu tích cực
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tăng trưởng thấp, thậm chí có nguy cơ suy thoái; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận tài chính bị thắt chặt; lạm phát cao, hệ thống ngân hàng, nợ công, nợ của doanh nghiệp...
So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm quốc gia có mức lạm phát cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, tổng chung CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% (lạm phát cơ bản tăng 4,74%).
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là điểm đáng chú ý đối với kinh tế Việt Nam. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72% trong bối cảnh mục tiêu Chính phủ đề ra khoảng 6,5% cho cả năm (tham chiếu mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023).
Trong bối cảnh giá cả, lạm phát thế giới ở mức cao thì tại thị trường trong nước, giá cả cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát theo đúng kịch bản.
Phân tích nguyên nhân khiến lạm phát 6 tháng đầu năm giảm, TS. Nguyễn Đức Độ Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, do tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu). Bên cạnh đó là do tăng trưởng cung tiền thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch Covid-19.
Ngoài ra, lý do khiến lạm phát giảm mạnh còn do lãi suất thực ở mức quá cao. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu.
Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 tốt. Ngoài yếu tố khách quan như giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm theo giá thế giới, thì đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỉ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư) đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tỉ giá VND ổn định so với USD, bảo đảm ổn định vĩ mô cùng với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ là những yếu tố góp phần kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023.
Dự báo lạm phát cả năm dưới 4%
Nhìn nhận về diễn biến thị trường giá cả và những yếu tố sẽ kìm cương lạm phát nửa cuối năm, theo TS. Nguyễn Đức Độ, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.
Về giá dầu, với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng, có thể xảy ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm như đã diễn ra trong vòng 1 năm qua, hoặc ít nhất sẽ không tăng mạnh.
Còn tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm 2023 cũng khá ổn định nhờ Việt Nam xuất siêu 12,25 tỷ USD. Với việc đồng USD cũng đang trong xu hướng giảm giá, khả năng tỷ giá USD/VND sẽ được Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định trong biên độ +/- 1-2%. “Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%” - ông Độ dự báo.
Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,3% - 7,0% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3% - 3,5%.
Chia sẻ tại hội thảo, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng tin tưởng rằng, nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả hàng hóa trong năm nay sẽ có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng xã hội nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 2023 của Nhà nước.
Theo ông Vũ Vinh Phú, để thực hiện chỉ tiêu CPI cả năm, trước hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần thực hiện nhanh, dễ tiếp cận trong những tháng cuối năm. Phục vụ các chính sách đúng đối tượng thụ hưởng. Thực hiện kích cầu tiêu dùng tăng sức mua xã hội bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, nếu được có thể giảm thêm 3% nữa cho hết năm 2024. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất lao động, đưa công nghệ vào sản xuất hạ giá thành sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng nội địa với các mặt hàng thiết yếu cần kiểm soát chặt chẽ giá cả một cách hợp lý.
Cùng với đó, cần tăng cường việc kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cần tiến tới không điều hành giá xăng dầu, giá điện theo dạng bao cấp, các đơn vị phải tự hạch toán kinh doanh lời ăn lỗ chịu, đưa xăng dầu về một Bộ Công Thương quản lý. Ngoài sự chỉ đạo sát sao của chính phủ thì doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để vươn lên vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện tại.
Nhu cầu mua vé máy bay về quê đón Tết của người dân liên tục tăng khiến một số đường bay "vàng" từ TP.HCM đi các địa phương đang khan hiếm vé giá rẻ.
Dịch vụ logistics trọn gói đang thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bởi chi phí dịch vụ trọn gói sẽ thấp hơn so với làm dịch vụ đơn lẻ.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Can thiệp sẽ làm méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển.
Quốc hội đang xem xét việc tăng thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa từ 5% lên 10% nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý, hơn 30 đơn vị điện ảnh đã cùng ký đơn tập thể mong muốn Quốc hội không phê chuẩn việc tăng thuế này.
Chủ tịch Tập đoàn 911 - ông Lưu Đình Tuấn đã đột ngột từ trần chỉ 1 ngày trước Đại hội cổ đông bất thường của công ty này.
Thời điểm này, dù còn 1 tuần nữa mới đến Black Friday, nhưng theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, không khí giảm giá sớm đã bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người tranh thủ đi mua sắm sớm.