Cứ tháng 10 âm lịch hàng năm, khi tiết trời chuyển sang đông, cũng là lúc làng nghề bánh tráng thôn Bình An, xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đỏ lửa làm bánh tráng Tết.
Từ khoảng 3 tháng trước Tết Nguyên Đán, công việc ở các lò bánh tráng ở thôn Bình An đã vất vả hơn ngày thường.
Người làm bánh tráng thường thức dậy từ lúc 2-3 giờ sáng để nhóm bếp, làm bột, chờ nước sôi để bắt đầu tráng bánh.
Nghề làm bánh tráng thủ công truyền thống ở thôn Bình An, xã Hàm chính (huyện Hàm Thuận Bắc). Ảnh: Trần Khánh
Bà Nguyễn Thị Xuân Diệu ở thôn Bình An gắn bó với nghề làm bánh tráng thủ công đã hơn 20 năm.
Bà Diệu kể, công việc thủ công tuy vất vả nhưng nghề không phụ người. Cứ nhóm bếp lửa lên là mình sẽ có thu nhập.
Bà Diệu kể, hầu hết các lò bánh tráng trong thôn đều tồn tại theo phương thức mẹ truyền con nối. Giờ đây, bà Diệu đã có thêm người con dâu tiếp nối công việc truyền thống của gia đình.
"Từ lúc 3 sáng tôi đã thức dậy để làm bột, tráng bánh. Đến 7 giờ sáng thì tới lượt con dâu tráng thế", bà Diệu kể.
Toàn xã Hàm chính hiện có 38 lò bánh tráng. Trong đó thôn Bình An có đến 27 lò; chỉ có 1 lò làm bánh tráng công nghiệp, còn lại đều sản xuất thủ công.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhịp độ sản xuất bánh tráng thủ công có chậm lại. Đơn đặt hàng của các tiểu thương ở chợ truyền thống và các tiệm tạp hóa cũng giảm xuống từ 20-30%.
Chỉ đến mùa cuối năm, sức mua của thị trường mới tăng cao trở lại. Người dùng vẫn thích ăn bánh tráng thủ công. Ngày tết, hầu như nhà nào cũng phải chuẩn bị sẵn từ 100-200 bánh tráng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đợt dịch bệnh, nguồn trấu và củi đốt có phần thiếu hụt. Công lao động phụ việc ngày tết cũng tăng cao hơn.
Vì thế giá bán bánh tráng bán ra thị trường dao động từ 180.000-200.000 đồng/100 bánh; tăng khoảng 10% so với ngày thường.
Bà Nguyễn Thị Xuân Diệu trải bánh ra phên để chuẩn bị phơi nắng. Ảnh: Lâm Khoa
Ông Lê Thành Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Chính cho biết, bánh tráng thủ công không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân trong xã mà còn đưa đi các địa phương lân cận.
Nhất là trong những ngày cận tết, nhu cầu tăng rất cao. Làng nghề làm bánh tráng thủ công Bình An luôn tất bật cho kịp các đơn hàng mà khách đã đặt trước.
"Sản phẩm truyền thống của làng nghề vẫn duy trì và phát triển trong nhịp sống hối hả là điều đáng trân quý", ông Tâm chia sẻ.
Nghề làm bánh tráng ở An Ngãi (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến nay đã gần 100 năm. Qua nhiều thế hệ mẹ truyền con nối, từ vài hộ làm nghề, đến nay xã An Ngãi đã có hàng trăm hộ làm nghề.
Bà Phan Thị Nhung ở xã An Ngãi gắn bó với nghề làm bánh tráng đã hơn 40 năm. Dù tuổi cao nhưng đến nay, bà vẫn tự tay xay bột, tráng bánh để kịp phơi nắng.
Dụng cụ làm nghề làm bánh tráng thủ công truyền thống. Ảnh: Trần Khánh
Mỗi ngày, bà Nhung tráng khoảng 2.000 bánh, chủ yếu là bánh tráng ớt để bỏ mối cho các thương lái trong và ngoài tỉnh.
Để tạo ra được những chiếc bánh thơm ngon, người làm bánh phải tỉ mỉ trong từng công đoạn. "Từ việc cân bột, xay bột đến tráng bánh phải chính xác và đều tay", bà Nhung nói.
Rời làng nghề bánh tráng ở xã An Ngãi, màu trắng của những phên bánh tráng vẫn lấp lóa trên những con đường như vẫy chào du khách.
Còn nếu đến với làng nghề bánh tráng Chà Là (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), màu đỏ hồng của những chiếc bánh tráng phơi sương lại khiến du khách chỉ nhìn thấy là muốn ăn ngay.
Nhiều làng nghề bánh tráng ở Tây Ninh vẫn duy trì phương thức sản xuất thủ công. Ảnh: Trần Khánh
Bà Lê Thị Thúy Loan ở ấp Ninh Hưng 1 (xã Chà Là) theo nghề truyền thống đã hơn 25 năm. Bà Loan kể, bánh tráng dẻo chay và bánh tráng dẻo mặn là 2 loại bánh đặc trưng của làng bánh tráng Chà Là.
Trong niềm tự hào của người dân làng nghề, sương mù từ đỉnh núi Bà Đen như được tẩm ướp thêm nhiều hương hoa, thảo dược của núi đồi, rồi tràn xuống các xóm ấp dân cư quanh chân núi.
"Bánh tráng Chà Là ngon, lạ một phần cũng vì phơi sương. Và cũng chính sương giá núi Bà Đen mới đem đến cho bánh tráng nơi này phong vị riêng", bà Loan nói.
Nghề làm bánh thủ công vốn nhiều cực nhọc. Từ mờ sáng, người dân đã thức giấc, chuẩn bị các nguyện vật liệu để tráng bánh, rồi phơi bánh cho kịp nắng.
Một ngày lao động chỉ kết thúc khi những mẻ bánh tráng đã được tắm đẫm sương đêm. Khi đó, bánh tráng mới dẻo, thơm.
Người dân đem bánh tráng phơi nắng xong đợi chiều xuống lại đem phơi sương. Ảnh: Trần Khánh.
Bà Loan cho biết, nghề làm bánh tráng bây giờ đã có máy móc phụ trợ. Thế nhưng, bánh tráng thủ công vẫn có chỗ đứng trong nhịp sống hiện đại.
Bánh tráng dẻo chay, bánh tráng dẻo mặn với màu đỏ hồng đặc trưng đến nay vẫn được khách hàng ưa chuộng bởi cách làm thủ công, với vị ngon truyền thống.
Nhà bà Loan có 2 lò bánh tráng. Mỗi ngày bà làm được khoảng 80kg bánh. Và mỗi ngày, bánh của bà đều có thương lái đến lấy mà không cần phải đem đi chào bán ở đâu xa.
"Nhất là trong những ngày tháng Giêng, khách du lịch đi du xuân nhiều, cũng là mùa bánh tráng bán chạy nhất", bà Loan nói.
Ông Huỳnh Văn Pháp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Chà Là cho biết, làng nghề trong xã hiện còn khoảng 80 hộ, đa số vẫn làm bánh tráng thủ công.
"Qua hàng chục năm tồn tại với bao thăng trầm, giờ đây, bánh tráng Chà Là đã được nhiều người biết đến. Bằng tình yêu nghề, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực giữ lửa cho làng nghề", ông Pháp chia sẻ.
Công ty CP Xây dựng Coteccons chính thức giới thiệu giải chạy Coteccons Quảng Bình Marathon 2022 với chủ đề Green Up.
Một ngày rong ruổi trên dòng sông Gâm (đoạn qua Hà Giang, Tuyên Quang), tôi có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thác nước trắng xóa, núi non trùng điệp vùng Đông Bắc.
Vượt những con sóng với tốc độ cao để tìm cảm giác mạnh. Ngắm bức tranh gấm vóc quê hương với góc nhìn lạ từ biển, trực tiếp đi thăm những công trình tâm linh và lịch sử để hiểu hơn giá trị truyền thống cha ông.
Quán bánh ướt Bảy Hiền hút thực khách Sài Gòn sành ăn với miếng bánh tôm chiên vàng ươm, giòn rụm, "hổng đụng hàng". Nhiều người đến đây cũng không quên ăn thêm ly chè đậu xanh đánh ngọt lịm.
Chỉ cần thủy triều rút, cả một khu vườn san hô khổng lồ, lấp lánh màu sắc tựa kho báu sẽ hộ ra làm đắm say lòng người.
Một kg lông của loài vật này được bán với giá lên tới 600 USD.
Nhiều người xứ Nẫu ở Sài Gòn muốn thưởng thức hương vị quê nhà, thường tìm đến quán bún chả cá Lệ Quy Nhơn trứ danh ở quận 10. Tô bún ở đây đầy ắp chả cá, trứng cá, nạc cá, có hành tím ngâm ăn kèm đúng điệu.