Sáng cuối tuần, tiệm Phở Thìn trên đường Hải Triều, quận 1, TP.HCM khá đông đúc. Phần lớn khách đến là gia đình.
"Đây là quán quen của gia đình tôi", anh Trọng Hiếu (quận 1) thực khách đi ăn cùng người thân cho biết. Tiệm phở này vẫn giữ đặc trưng hương vị Bắc, nhưng đi kèm rau thơm để ngoài bát ăn kèm giống phở Nam. Anh Hiếu cho biết món ăn phù hợp với khẩu vị gia đình của mình.
Phở Thìn ở TP.HCM
Ồn ào liên quan đến thương hiệu Phở Thìn trên mạng xã hội và mặt báo nhưng anh Trọng Hiếu cho rằng mình không quá chú ý. Từng ăn phở tại Hà Nội, nam thực khách chia sẻ không thấy có quá nhiều sự khác biệt tại nhà hàng này và quán Phở Thìn Lò Đúc.
Tương tự, anh Minh Khánh (quận 4), một thực khách người Hà Nội, cảm thấy khá hài lòng khi tìm được một hàng phở vị Bắc tại TP.HCM. Đối với anh, nhà hàng này làm tốt ở phần nước dùng trong món phở tái lăn.
"Tôi thấy tìm một quán chuẩn vị Bắc khá khó do đa phần quán phở trong Nam có cách nêm nếm thiên về vị ngọt. Tuy nhiên, nước dùng ở đây không như vậy nên hợp khẩu vị với tôi", anh Khánh nhận xét.
Có mặt tại tại chi nhánh Phở Thìn Lò Đúc tại quận 7 (TP.HCM) do ông Nguyễn Trọng Thìn mở, chị Thuỳ Linh (Hà Nội) nói phở tái lăn là món yêu thích của cô. Khi chuyển vào sinh sống tại TP.HCM, chị đã thử nhiều quán có mác "Phở Thìn".
Riêng trên đường Nguyễn Cao (quận 7) đã có tới 2 quán đề tên Phở Thìn nằm cách nhau chưa đến 300 m. Cũng trong khu Phú Mỹ Hưng (quận 7), loạt quán phở có tên na ná mọc lên san sát nhau.
Theo ghi nhận của Zing, không chỉ riêng quận 7 mà tại các khu vực khác ở TP.HCM cũng có khá nhiều quán gắn mác "Phở Thìn Hà Nội". Quanh tòa nhà Bitexco (quận 1) đã có hơn 2 quán lấy danh Phở Thìn.
Chỉ riêng thương hiệu Phở Thìn by SOL đã mở 4 chi nhánh tại các quận khác nhau. Ngày 23/2, thương hiệu này đưa ra thông báo rằng họ không phải là phiên bản nhượng quyền và không có bất cứ liên quan nào về bản quyền với cửa hàng Phở Thìn trên phố Lò Đúc hay cá nhân ông Nguyễn Trọng Thìn.
Hệ thống này khẳng định chữ “Thìn” trong cụm thương hiệu “Phở Thìn by SOL” không vi phạm sở hữu đối với cá nhân/pháp nhân có liên quan tới ông Nguyễn Trọng Thìn.
Tương tự, các quán phở sử dụng tên gọi này cũng lảng tránh giải thích về cách đặt tên của mình. Nhiều địa chỉ ở trung tâm TP.HCM cho biết họ không liên quan đến thương hiệu Phở Thìn từ Hà Nội.
Hương vị phở Thìn
Không chỉ đa dạng các địa chỉ Phở Thìn, nguyên liệu, các lựa chọn ở mỗi tiệm cũng có sự khác nhau. Một vài cửa hàng, ngoài thịt bò Việt Nam, quán còn có lựa chọn bò Wagyu dành cho thực khách có yêu cầu với giá cao hơn. Theo cảm nhận của phóng viên, món phở bò Wagyu tái lăn thơm mềm, nước dùng có phần trong hơn.
Một vài địa chỉ còn có thêm các món ăn khác như miến gà, bún chả. Dù vậy, phần lớn khách đến các quán đều chọn món tái, tái lăn.
"Tôi thấy vị phở của các quán không có sự chênh lệch. Thỉnh thoảng, tôi cũng thắc mắc không biết đâu mới là hàng chuẩn", chị Thùy Linh (Hà Nội) bày tỏ.
Là nhân vật chính trong câu chuyện về sở hữu thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc, trong những ngày này, ông Nguyễn Trọng Thìn có mặt tại một cơ sở mới mở ở quận 7, TP.HCM.
Nói về hương vị quán phở tại TP.HCM, ông Thìn cho biết phần tái lăn được hạn chế xào sém như ở Hà Nội để phù hợp hơn với khẩu vị thực khách TP.HCM. Theo đó, nước dùng có vị dịu hơn, ít mỡ và không quá hăng mùi tỏi so với quán tại Lò Đúc, Hà Nội.
"Trong chuỗi của tôi, tất cả quán đều phải theo một công thức nhất định và đồng thuận. Có như thế thì hương vị mới có sự nhận diện", ông Thìn chia sẻ.
Theo ông chủ Phở Thìn Lò Đúc, bản thân không gặp khó khăn trong việc chia sẻ hương vị chuẩn cho các chi nhánh. Song, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước tại từng địa điểm cũng phần nào ảnh hưởng đến mùi vị bát phở.
"Đây là tình huống bắt buộc chứ tôi không hề muốn biến tấu", chủ quán bày tỏ với Zing.
Ngoài ra, theo ông, việc biến tấu phở cùng các loại bò khác là không cần thiết. Vị này nhận xét bò Việt Nam vẫn là ngon và phù hợp nhất cho món phở. Người nấu cần phải tinh tế ngay từ khâu chọn nguyên liệu để thành phẩm đạt được hương vị chuẩn.