“Hồi đó vô ca là làm sấp mặt, giờ đứng mãi không thấy khách”, Thanh Hân (tên thật đã được thay đổi), nhân viên bảo vệ của một khách sạn 5 sao trên đường Đồng Khởi, quận 1 nói khi tôi hỏi về công việc.
Trong khoảng hơn hai giờ trưa mà tôi có mặt ở đó, Thanh Hân chỉ phải mở cửa giùm hai, ba vị khách rồi lơ đãng nhìn ra đường. Đồng Khởi từng là con đường du lịch tấp nập thuộc hàng đắc địa bậc nhất của TPHCM, nơi người ta tranh nhau mở hàng quán để phục vụ du khách nhưng nay chỉ mới có lác đác vài cửa hiệu mở cửa trở lại dù Việt Nam đã nối lại mảng du lịch quốc tế được hơn một tháng.
Hân kể, trong hai năm qua, phần lớn nhân viên trong khách sạn chỉ nhận được vài triệu đồng mỗi tháng, đóng tiền trọ xong là gần hết tiền cho nên chỉ có những người còn son rỗi hoặc có gia đình hỗ trợ chỗ ở như cô mới trụ nổi. Số còn lại, có người về quê, có người đổi nghề hoặc làm thêm nhiều công việc khác để mưu sinh. Thời điểm trở lại hoàn toàn với nghề rất mù mịt vì đám mây đen vẫn còn phủ trên thị trường khách sạn thành phố.
Kể câu chuyện trên với giám đốc một khách sạn 5 sao khác tại TPHCM, ông cho biết đây là tình hình chung của nhiều khách sạn tại thành phố. Doanh nghiệp kinh doanh lưu trú ở TPHCM ngày càng lâm vào tình thế khó khăn dù các hoạt động kinh tế, xã hội được nối lại đã nửa năm, mảng du lịch trong nước và quốc tế đã mở cửa.
Hiện tại, chỉ mới vài khách sạn nhỏ, loại trên dưới chục phòng là có thể cầm cự được nhờ đón khách từ các tỉnh đến thành phố công tác, chữa bệnh… còn lại đều không có đủ khách để hoạt động bình thường. Mảng khách sạn ba sao, cỡ 50 phòng trở lên cực kỳ khó khăn. Mảng 4-5 sao tuy có một số phân khúc khách hàng đã quay lại nhưng công suất phòng cực thấp, không đủ để toàn bộ nhân viên có thể đi làm. Công suất phòng thấp đến nỗi, một khách sạn cao cấp ở đường Hai Bà Trưng báo công suất đạt 30%, mức chưa đủ đem lại lợi nhuận, mà đã khiến nhiều người trong ngành ngạc nhiên vì quá cao trong giai đoạn hiện nay.
“Chúng tôi sống dựa vào thị trường quốc tế, khi nào mảng này hồi phục thì mới có thể sống lại”, vị giám đốc này nói.
Theo ông, từ sau Tết Nguyên đán 2022, chưa kể lao động phổ thông, hàng chục nhân viên chủ chốt mà khách sạn đã cố gắng giữ lại sau dịch bệnh đã nghỉ việc. Phần lớn họ chuyển qua thị trường đang rất nhộn nhịp là bất động sản. Hiện mức giá thuê phòng tại phần lớn khách sạn ở TPHCM đã về gần bằng với mức trước dịch nhưng không mấy nơi tính đến chuyện giảm giá vì có giảm giá cũng không có khách. “Nhiều khách sạn ở miền Trung đã giảm giá hàng chục phần trăm để kéo khách trong kỳ nghỉ Giỗ Tổ vừa qua. Họ làm được vì là điểm du lịch, có giá tốt sẽ có cơ hội kéo khách nhưng chúng tôi khác vì vấn đề là không có thị trường”, ông nói.
Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị của Khách sạn Rex Sài Gòn, ông Vũ Thành Vương cũng cho biết thông tin tương tự. Tại khách sạn này, hiện chỉ có mảng ẩm thực, gồm hoạt động của nhà hàng cà phê và các sự kiện tiệc cưới, hội họp là hồi phục đáng kể còn mảng lưu trú – vốn đóng góp phần lớn doanh thu cho khách sạn – vẫn trầm lắng. Công suất phòng bình quân chỉ được 15%.
Thị trường khách sạn TPHCM trầm lắng là đúng khi mà lượng khách lưu trú tại các khách sạn lúc này hầu hết đến từ các thành phố lớn, như Hà Nội, chỉ có một số ít là doanh nhân, chuyên gia người nước ngoài lưu trú trong thời gian ngắn. Khách du lịch người nước ngoài, gồm cả những người tự tổ chức chuyến đi và đi theo tour của công ty lữ hành thường thấy như trước đây hầu như không có.
TPHCM là từng là nơi đón hơn một nửa lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam hồi trước khi dịch Covid-19 tác động đến du lịch cho thấy, TPHCM đứng thứ ba trong tốp 10 địa phương có khách sạn 4-5 sao nhiều nhất chỉ sau Khánh Hòa và Đà Nẵng. Đến hết năm 2018, thành phố có 22 khách sạn 5 sao với 6.566 phòng và 26 khách sạn 4 sao với 3.501 phòng. Đến nay, số lượng này cũng không thay đổi là bao.
Tính chung số lượng cơ sở lưu trú, theo Sở Du lịch TPHCM, tính đến năm 2019, thành phố có 1.533 cơ sở lưu trú đã được phân loại, xếp hạng với 44.232 phòng. Hiện chỉ có hơn một phần năm cơ sở lưu trú du lịch mở cửa trở lại.
Ngày 8-4 vừa qua là thời điểm đặc biệt. Đây là ngày TPHCM chào đón đoàn 130 du khách đến từ Mỹ và long trọng tổ chức sự kiện lớn tại tại Khách sạn 5 sao Le Meridien Sài Gòn để chính thức phát động chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn – Welcome to Ho Chi Minh City”, mời du khách trở lại thành phố. Tại buổi lễ này, lãnh đạo UBND TPHCM cùng sở du lịch đã hứa hẹn tổ chức hàng loạt hoạt động tiếp thị, xây dựng sản phẩm, đơn giản hóa thủ tục… để thu hút du khách quốc tế, lượng khách đặc biệt quan trọng với thị trường du lịch TPHCM trở lại sau hơn hai năm gián đoạn.
“Chúng tôi mong điều đó từng ngày nhưng không biết khi nào du khách mới quay lại”, ông Vương nói. Vị doanh nhân này và nhiều người khác cho biết, hiện rất khó để dự báo khi nào thì tình hình kinh doanh mới có thể sáng sủa hơn vì thị trường gần như không có thông tin.
Các công ty du lịch trong nước có hỏi giá nhưng chỉ để tham khảo, chưa có hứa hẹn đưa khách. Đối tác nước ngoài cũng hỏi để cập nhật giá phòng sau dịch bệnh và đặc biệt, chưa có phản hồi từ khách hàng là doanh nghiệp từ nước ngoài, một phân khúc khách hàng khá lớn hồi trước dịch.
“Du lịch còn mùa đông khách vào cuối năm. Thông thường, dựa vào số lượng đặt chỗ ở thời điểm này là chúng tôi đã có thể ước lượng được kết quả kinh doanh cuối năm và đưa ra các chiến lược tiếp theo nhưng hiện nay thì chưa có cơ sở để đánh giá”, ông Vương nói.
Theo đó, mức công suất phòng bình quân theo kỳ vọng khoảng 30% trong mùa đông khách vào cuối năm nay, thấp hơn rất nhiều so với mức khoảng 85% hồi trước dịch. Với người kinh doanh khách sạn thì chẳng ai có thể vui với mức công suất phòng 30% vì đó là mức chưa thể sinh lời.
Trong ngày phát động du lịch vừa qua, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, có khá nhiều tín hiệu lạc quan cho du lịch thành phố sau khi chính thức chào đón du khách quốc tế trở lại. Trong đó, sau đoàn khách Mỹ vừa kể trên, TPHCM sẽ tiếp tục đón những đoàn khách MICE (du lịch kết hợp tham gia sự kiện) lớn, trong đó có những đoàn từ 4.000-5.000 khách từ nhiều nước khác.
Một số doanh nhân như ông Leo Liu, Chủ tịch Công ty Citslinc, một công ty ở Bắc Mỹ, nơi đã phối hợp với Công ty TNHH Du lịch Vẻ đẹp châu Á tổ chức tour cho đoàn 130 khách Mỹ đến TPHCM vào hôm 8-5, đại diện VietJet Air… đã hứa hẹn là sẽ đưa khách quốc tế đến. Tuy nhiên, kết quả thực tế như thế nào thì vẫn phải chờ và các doanh nghiệp khách sạn vẫn chìm trong chuỗi “ngày đông đợi nắng lên” để tìm lời giải cho câu hỏi thị trường ở đâu, ra sao, để tính toán các cách thức hoạt động phù hợp, để bắt đầu lại.
Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.