Tại Hội nghị ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) kỹ thuật số đầu tiên dành cho các nhà đầu tư và nhà phân tích, nhà sản xuất ô tô đến từ Đức đã công bố các biện pháp nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2. Như đã nêu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 vào tháng 11 năm 2021, Mercedes-Benz cam kết chuyển đổi sản xuất nhanh hơn sang lĩnh vực ô tô điện.
"Đến năm 2030, chúng tôi muốn đạt được một nửa chặng đường”. Ola Källenius, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Mercedes-Benz AG cho biết. Hãng cũng cho rằng: “Để đạt được tiến bộ nhanh hơn trong việc bảo vệ khí hậu, chúng tôi cần sự cống hiến và sự cộng tác nhiều hơn nữa giữa các chính phủ, các công ty và xã hội”.
Công ty đặt mục tiêu giảm ít nhất một nửa lượng khí thải CO2 trên mỗi xe vào cuối thập kỷ này so sánh với mức phát thải năm 2020. Để đạt được mục tiêu, các giải pháp chính bao gồm: điện khí hóa đội xe, sạc xe bằng năng lượng xanh, cải tiến công nghệ pin, sử dụng rộng rãi vật liệu tái chế và năng lượng tái tạo trong sản xuất. Mercedes-Benz có kế hoạch sản xuất hơn 70% nhu cầu năng lượng của mình thông qua năng lượng tái tạo vào năm 2030 bằng cách triển khai năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại các địa điểm riêng cũng như thông qua các hợp đồng mua bán điện khác.
Mercedes-Benz có mục tiêu là đạt được 50% thị phần plug-in hybrid và xe điện vào năm 2025 trên con đường hướng tới tất cả xe chạy điện vào năm 2030. Danh mục đầu tư đã bao gồm 6 và sắp tới là 9 mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện. Đến nay, Mercedes-Benz đã công bố các mẫu xe EQA, EQB, EQC, EQS, EQE 350 cũng như EQV. Các mẫu xe khác sẽ được công bố sau đó là: EQS SUV, EQE SUV và EQT. Công ty cũng có kế hoạch khẳng định vị thế dẫn đầu về khả năng di chuyển bằng điện với các loại xe tải (van) thương mại thông qua việc điện khí hóa toàn bộ dòng xe này.
Mercedes EQS. |
Trong vòng đời của xe điện, việc sử dụng năng lượng tái tạo để sạc là một đòn bẩy quan trọng giúp tránh phát thải CO2. Mercedes-Benz cho phép "sạc xanh" tại tất cả 300.000 điểm sạc công cộng trong mạng lưới MMC (Mercedes me Charge) khắp Châu Âu.
Với công nghệ pin, bằng cách nâng cấp kĩ thuật chế tạo, hãng xe có trụ sở tại Stuttgart có thể cắt giảm 20% lượng khí thải trong quá trình sản xuất toàn pin. Dự kiến Mercedes sẽ đạt được thêm việc tiết kiệm CO2 thông qua các biện pháp khác, ví dụ: cải thiện quy trình sản xuất cực dương và cực âm.
Cùng với các đối tác nghiên cứu, công ty cũng đang nghiên cứu về pin thể rắn. Một nhà máy tái chế pin ở Kuppenheim, Đức cũng được Mercedes xây dựng để tái chế pin xe điện đã hết tuổi thọ. Kỹ thuật luyện kim thủy lực mới cũng giúp tăng tỷ lệ tái chế lên tới 96%.
Nhà máy tái chế pin của Mercedes tại Kuppenheim. |
Mercedes-Benz đang thiết lập chuỗi cung ứng vật liệu mà họ gọi là “thép xanh” để sản xuất hàng loạt thép sử dụng lượng CO2 thấp và không CO2. Vào năm 2021, công ty đã trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên sở hữu cổ phần của công ty khởi nghiệp Thụy Điển H2 Green Steel (H2GS), với mục đích giới thiệu thép “xanh” trong một số mô hình sản xuất vào đầu năm 2025. Thêm nữa, đây cũng là hãng xe đầu tiên cam kết chỉ cung cấp nhôm nguyên sinh được chứng nhận bởi ASI (Hiệp hội Quản lý Nhôm Bền Vững ) cho các nhà máy và xưởng đúc của họ ở châu Âu trong tương lai.
Một cách tiếp cận khác của Mercedes là việc sử dụng vật liệu bền vững. Một số đã được sản xuất hàng loạt ở vài mẫu xe. Chúng bao gồm vải bọc ghế từ 100% chai PET tái chế cũng như tấm trải sàn được làm bằng sợi từ lưới đánh cá cũ và vải còn sót lại từ thảm cũ. EQS và EQE thậm chí sẽ có ống dẫn cáp được làm bằng rác tái chế. Các thành phần trong EQS, được sản xuất bằng các nguyên liệu thô tái chế và tái tạo nặng tới hơn 80 kg. Bằng cách áp dụng các phương pháp "Thiết kế vì Môi trường" trong việc lựa chọn vật liệu, Mercedes-Benz đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế trên mỗi xe vào năm 2030 lên 40%.
Nhà máy sản xuất điện tái tạo Alabama Power. |
Tại Mỹ, Mercedes có khả năng cung cấp năng lượng cho nhà máy lắp ráp Vance, Alabama, thông qua trang trại năng lượng mặt trời Alabama Power 80 megawatt. Là một phần của hợp đồng mua bán điện kéo dài 15 năm, Mercedes-Benz sẽ nhận toàn bộ sản lượng điện từ dự án sau khi dự án đi vào hoạt động vào tháng 3 năm 2024.
“Chúng tôi không chỉ muốn sản xuất những chiếc xe đáng mơ ước nhất trên thế giới, chúng tôi còn muốn sản xuất chúng một cách bền vững”, hãng xe đến từ Đức tự tin phát biểu.
Theo Tiền Phong
Honda Việt Nam vừa phát đi thông báo về việc triển khai chiến dịch triệu hồi xe hybrid CR-V e:HEV RS được nhập khẩu từ Thái Lan. Thời gian bắt đầu kiểm tra là ngày 25/11/2024.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Tập đoàn Toyota sẽ thử nghiệm dòng xe van chở khách chạy bằng hydro và điện (động cơ hybrid gần như không phát thải khí CO2) trên đường tại Úc vào mùa xuân 2025 sau giai đoạn chạy thử ở Nhật hiện nay.
Từ ngày 01/12/2024 trở đi, xe sản xuất và lắp ráp trong nước không được miễn 50% phí trước bạ, vì thế cuộc đua của xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu ngày càng gay cấn.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đang hợp tác chặt chẽ với nhau cho nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump. Tuy nhiên, người ta không thể biết mạng X của Musk sẽ có những "chiêu" gì khi Bluesky đang nổi lên mạnh mẽ.
Trong tháng 10/2024, lượng ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 2.617 xe, tương đương 78,6 triệu USD, tăng 11% so với tháng trước.