Vietravel là doanh nghiệp du lịch lớn của cả nước. Đây cũng là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trên thế giới.
Trải qua nhiều lần đóng rồi mở, mở rồi lại đóng, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings cho rằng, Chính phủ cần có động thái rõ ràng hơn khi mở cửa kinh tế cũng như mở cửa ngành du lịch.
Sợ cảnh "quay xe" chính sách
Trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, kể từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam đầu năm 2020, ông Nguyễn Quốc Kỳ thẳng thắn nêu quan điểm nếu Việt Nam thực sự muốn mở cửa, bao gồm mở cửa kinh tế nói chung và mở cửa cho du lịch, hàng không nói riêng thì cần có những bước đi cứng rắn hơn, hướng tới sống chung với dịch chứ không phải chiến lược "Zero Covid" như trước.
Ông cho rằng Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ sợ cảnh quay xe chính sách khi mở cửa kinh tế, phục hồi du lịch. Ảnh: V.T.
Theo Chủ tịch Vietravel Holdings, đây được xem là chính sách đóng - mở (on-off) theo 4 màu tương ứng với cấp độ dịch khách nhau. Đây là điều kiện cần để mở cửa lại nhưng chưa đủ vì Chính phủ không thể để các địa phương đánh giá mình thuộc màu nào vì các hoạt động hiện nay đều mang tính liên vùng, thay đổi là lập tức gãy đổ chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, các địa phương có tâm lý muốn an toàn, tăng thêm 1 cấp độ dịch, ngay lập tức mọi hoạt động khi đó đều rất khó khăn do chuyển màu.
Chủ tịch Vietravel Holdings dẫn chứng như thời gian qua, dù các chuyến bay nội địa đã mở lại nhưng có tỉnh vẫn quy định người từ TP.HCM đến phải cách ly tập trung.
Rồi có tỉnh mở cửa du lịch, doanh nghiệp đã lên chương trình dẫn khách theo tour an toàn. Ngay trong đêm, tỉnh ra thông báo không nhận tất cả khách đến địa bàn, do vừa phát sinh nhiều ca mắc Covid-19 mới.
"Mở cửa thì đừng quay xe chính sách, quay xe thì doanh nghiệp té luôn, mở cửa mà nay thế này mai thế khác thì chịu sao nổi", ông Kỳ thẳng thắn.
Cần mở lại các dịch vụ du lịch
Chủ tịch Vietravel Holdings đề xuất, khi mở cửa kinh tế, giao thông vận tải chính là lĩnh vực cần mở lại đầu tiên, bởi giao thông là huyết mạch của cơ thể. Trong quá trình hội nhập hiện nay, giao thông vận tải kết nối liên vùng, kết nối các quốc gia và kết nối với Việt Nam với thế giới.
Chủ tịch Vietravel đề xuất mở lại hệ thống tiện ích vui chơi giải trí, đi lại trong bối cảnh có dịch thì mới mong du lịch phục hồi. Ảnh: Hồng Phúc.
Ông nêu quan điểm Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới thì không nên quá lo ngại mở đường bay thương mại quốc tế. Trong hình hiện nay, nước nào mở lại nhanh nhất sẽ phục hồi sớm nhất và có ưu thế hơn so với các quốc gia đi sau.
"Kế nữa, tôi đề nghị mở cửa hệ thống dịch vụ phục vụ an sinh xã hội và phục vụ cộng đồng. Bình thường mới là mở lại các dịch vụ trong điều kiện dịch bệnh. Nhưng hiện nay, nhiều nơi mở, nhiều nơi không cho mở", ông Kỳ nói.
Ngoài ra, cần mở lại hệ thống tiện ích vui chơi giải trí, đi lại trong bối cảnh có dịch. Ông nhấn mạnh chỉ khi mở lại hệ thống dịch vụ tại địa phương thì mới có khách đến, bởi muốn người Việt đi du lịch nhưng đến nơi không có dịch vụ, không có nơi tiêu tiền thì người dân… sẽ ở nhà.
Ông dẫn chứng, có những quy định hết sức vô lý. Khách từ TP.HCM xuống Vũng Tàu không cho ở lại, vậy họ đến làm gì? Đi Đà Lạt giờ bằng máy bay thích hơn đường bộ vì đến đèo Madagui khai báo xong là hết giờ. Vậy mở làm gì cho mệt?
Doanh nghiệp đã đuối sức
Nói về ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho hay năm 2019, cả nước có 135.000 doanh nghiệp lưu trú với tổng cung 500.000 phòng. Toàn ngành du lịch khi đó đón 19 triệu lượt khách nước ngoài và 82 triệu lượt khách trong nước.
"Riêng Vietravel có 1 triệu lượt khách trong năm 2019, 64 văn phòng, 40 chi nhánh trong và ngoài nước. Doanh thu của chúng tôi khi đó từ 1,5 triệu USD/ngày đã trở về số 0 khi dịch bệnh xuất hiện", ông Kỳ cho hay.
Chủ tịch Vietravel cho hay doanh nghiệp cũng phải tổ chức lại, chuyển sang trạng thái ngủ đông tích cực chứ không phải ngủ luôn vì Covid-19. Ảnh: F.V.
Ông Kỳ gọi đó là thời kỳ chưa từng trải qua và chưa có kinh nghiệm. Ngay cả dịch SARS năm 2002 hay khủng hoảng kinh tế 2008 cũng không thể sánh sức ảnh hưởng của Covid-19.
Cứ mở mắt mỗi ngày là mất 1,5 triệu USD, trong khi đó, doanh nghiệp của ông cũng như các doanh nghiệp khác vẫn cố gắng duy trì nguồn lao động và các yếu tố khác để chờ thời cơ.
Trải qua giai đoạn đầu hoảng loạn, Chủ tịch Vietravel cho hay doanh nghiệp cũng phải tổ chức lại, chuyển sang trạng thái ngủ đông tích cực, tập trung vào những điều cơ bản nhất của hệ thống, giải quyết vấn đề marketing hướng tới tương lai cũng như sẵn sàng trở lại. Hiện Vietravel đang trong giai đoạn tái khởi động.
Ông đề nghị Chính phủ cần tiếp tục vào cuộc trợ giúp cho doanh nghiệp, chú trọng doanh nghiệp lớn và đầu đàn để dẫn dắt, tránh đầu tư dàn trải. Hơn nữa cần làm nhanh và gói hỗ trợ đó cần phải lên đến 6-7% GDP. Các doanh nghiệp cần tiền nên Chính phủ có thể hỗ trợ vốn vay qua ngân hàng để tái cấp vốn.
Chủ tịch Vietravel đề xuất xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 5% trong vòng 2 - 3 năm tới như Chính phủ từng thực hiện trong giai đoạn từ 2009 - 2011; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để công ty có tích lũy để an dân, tích sức dân. Hay biểu thuế thu nhập cá nhân cũng phải xem để đồng bộ mà không thể giữ như hiện nay…
"Chính phủ nên càng sớm càng tốt mở lại giao thông vận tải, mở lại đường bay thương mại quốc tế, thị trường nội địa không đủ sức kéo du lịch và hàng không đóng càng lâu mất lợi thế, số tiền chi ra càng lớn", ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh.
Nắm bắt nhu cầu yêu thích “săn” mây của giới trẻ, dọc tuyến đường của đỉnh đèo Vi ô lắc, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum, một số cá nhân đã chọn điểm và dựng chòi để phục vụ cho số này.
Nhiều quán cà phê ở Hà Nội đã sớm tô điểm không gian bằng sắc đỏ rực rỡ của cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ Giải phóng, hướng về ngày 30/4 – dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước....
Không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế đến TP.HCM dịp lễ 30/4 này cũng tăng mạnh; các tour tham quan di tích lịch sử, thăm địa đạo Củ Chi đông khách từ tháng 3.
Theo đó, tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Nam tại Hội chợ VITM Hà Nội 2025, Sở Du lịch Quảng Nam đã công bố chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến với xứ Quảng.
Nắm bắt nhu cầu yêu thích “săn” mây của giới trẻ, dọc tuyến đường của đỉnh đèo Vi ô lắc, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum, một số cá nhân đã chọn điểm và dựng chòi để phục vụ cho số này.
Nhiều quán cà phê ở Hà Nội đã sớm tô điểm không gian bằng sắc đỏ rực rỡ của cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ Giải phóng, hướng về ngày 30/4 – dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước....
Không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế đến TP.HCM dịp lễ 30/4 này cũng tăng mạnh; các tour tham quan di tích lịch sử, thăm địa đạo Củ Chi đông khách từ tháng 3.
Theo đó, tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Nam tại Hội chợ VITM Hà Nội 2025, Sở Du lịch Quảng Nam đã công bố chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến với xứ Quảng.