Vừa ở vừa run
Nhiều năm qua, gần 4.000 người dân ở chung cư Khang Gia (quận Gò Vấp), và chung cư Khang Gia Chánh Hưng (quận 8) phải chấp nhận sinh sống trong những căn hộ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ dù đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi vì các hạng mục phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa hoàn thiện.
Bà Nguyễn Thị Phượng, cư dân chung cư Khang Gia, cho hay, bà dọn về đây ở được gần 2 năm, vừa ở vừa run, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cư dân đã nhiều lần phản ánh, chính quyền địa phương cũng đã kiểm tra, kết luận nhiều hạng mục PCCC chưa hoàn chỉnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. “Hơn 400 cư dân sinh sống nhưng cửa chống cháy không đảm bảo, hệ thống báo cháy tự động thì chập chờn, có khi chuông kêu inh ỏi giữa đêm dù không có cháy. Riết rồi người dân nghe chuông báo cháy thành quen, nhỡ rủi ro có cháy thật, chuông reo thì cũng không ai tin là cháy thật”, bà Phượng nói.
Gần 2 năm qua, bà Phượng và hàng nghìn cư dân ở đây cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết. “Bỏ hàng tỷ đồng ra mua căn hộ với mong muốn an cư lạc nghiệp, nhưng về ở thì tôi thấy cuộc sống mong manh quá, nhỡ cháy nổ thì không biết hậu quả sẽ như thế nào”, bà Phượng lo lắng.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện trên địa bàn có hơn 480 chung cư không bảo đảm an toàn PCCC. Trong đó, các lỗi cơ bản là không bảo đảm yêu cầu về lối thoát nạn, cửa chống cháy hệ thống PCCC xuống cấp, không có hệ thống PCCC.
Ông Nguyễn Văn Thanh ở chung cư Khang Gia Chánh Hưng cũng đang thấp thỏm khi chung cư bị đình chỉ hoạt động do chưa được nghiệm thu PCCC dù người dân đã dọn vào ở được 3 năm. Ông Thanh bỏ ra số tiền lớn để khai thác bãi giữ xe ở tầng hầm chung cư. Khi người dân dọn về ở, bãi giữ xe buộc phải hoạt động nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thiện hệ thống PCCC nên ông phải tự bỏ tiền túi ra để mua trang thiết bị, gắn hệ thống PCCC. “Giờ mình phải chấp nhận rủi ro, tự trang bị để phòng sự cố thôi. Nếu không may xảy ra chuyện gì thì mình gánh hết, chứ chủ đầu tư biến mất mấy năm nay rồi”, ông Thanh nói.
Cả chung cư Khang Gia Chánh Hưng và Khang Gia đều do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Tổng giám đốc công ty này là ông Trịnh Minh Thanh (57 tuổi, ngụ phường 6, quận Tân Bình, TPHCM) đã bỏ trốn và đang bị Công an TPHCM truy nã để điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, do đó, không thể hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hoàn thiện hệ thống PCCC.
Cần chế tài mạnh
Theo Công an TPHCM, nhiều chung cư trên địa bàn chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã cho người dân vào ở. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt, đình chỉ hoạt động nhưng vẫn có hàng nghìn người sinh sống.
Chung cư Khang Gia có tổng số căn hộ đã có người vào ở là 1.145, tổng số người là 3.435. Tuy nhiên, chung cư xây dựng sai thiết kế đã được thẩm duyệt, xây bít lối thoát hiểm, thiết kế về PCCC ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thoát nạn và công tác PCCC nhưng không khắc phục được do chủ đầu tư không còn khả năng. Trong các đợt kiểm tra an toàn PCCC tại chung cư, chủ đầu tư luôn vắng mặt, cử người không có trách nhiệm tham gia đoàn kiểm tra nên việc kiến nghị và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC tại chung cư gặp nhiều khó khăn.
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết, cơ quan chức năng không thể nghiệm thu công trình do chưa hoàn thiện các giải pháp về PCCC và xây dựng sai so với bản vẽ đã được thẩm duyệt. Sở Xây dựng TPHCM và UBND quận Gò Vấp đã ra quyết định cưỡng chế đối với khu vực xây dựng sai với thiết kế được duyệt nhưng đến nay chưa thực hiện được do chưa bố trí lại chỗ ở cho những hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo ông Hưởng, nhiều chung cư khác cũng chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã cho người dân vào ở. Cụ thể, chung cư Đại Thành (quận Tân Phú) với khoảng 320 căn hộ đã đưa vào sử dụng và hiện có trên 1.200 người dân sinh sống; cao ốc văn phòng - căn hộ Nam Thị (quận Bình Thạnh) có 60 căn hộ cũng đang có nhiều vi phạm về PCCC; Chung cư Phạm Phú Thứ (Tòa nhà Bảy Hiền Tower, quận Tân Bình) đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC. Công trình trên đã được Cảnh sát PCCC TPHCM cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC ngày 23/9/2009. Đến nay, công trình tổ chức nghiệm thu nhiều lần, tuy nhiên chưa đạt yêu cầu so với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt…
Công an TPHCM cho rằng, việc xử lý các chung cư chưa đảm bảo công tác PCCC đã cho người dân vào ở gặp rất nhiều khó khăn. Khi cơ quan chức năng tổ chức tiến hành kiểm tra, chủ đầu tư viện nhiều lý do để vắng mặt, không tiếp đoàn kiểm tra và giao cho người không có đủ trách nhiệm cũng như thẩm quyền để làm việc. Do đó, cần có biện pháp chế tài, xử lý đối với các trường hợp chủ đầu tư cố tình không hợp tác khắc phục các thiếu sót về xây dựng, về PCCC, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại, thiếu sót để hoàn tất thủ tục nghiệm thu theo quy định.
Dự án bất động sản lớn Aqua City của Novaland ở Đồng Nai được gỡ khó về pháp lý, cộng với nguồn vốn lớn được tiếp cận sẽ giúp Novaland phục hồi và tăng tốc, theo lãnh đạo Novaland.
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng toạ lạc tại vị trí đất vàng giữa trung tâm thành phố đã nằm bất động hơn 15 năm qua.
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó có nội dung về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Báo cáo mới nhất từ công ty tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank nêu bật: Việt Nam là một thị trường bất động sản trọng điểm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và khối ngoại đang chú ý nhiều đến Việt Nam
Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.