Thứ năm, 28/03/2024

Nobel Kinh tế đã giải cứu thế giới như thế nào?

25/10/2022 1:00 PM (GMT+7)

Có thể nói, các hiểu biết được đóng góp từ các chủ nhân của giải Nobel đã cứu thế giới khỏi các thảm họa kinh tế nghiêm trọng về sau.

Giải Nobel Kinh tế năm nay tiếp tục thuộc về người Mỹ. Giải thưởng được chia đều cho ba giáo sư: Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig vì những đóng góp quan trọng về vai trò của ngân hàng đối với nền kinh tế nói chung và các cuộc khủng hoảng tài chính nói riêng. Các kết quả nghiên cứu đã trả lời cho nhiều câu hỏi kinh điển và làm cơ sở cho các chính sách kinh tế quan trọng về sau. Có thể nói, các hiểu biết được đóng góp từ các chủ nhân của giải Nobel đã cứu thế giới khỏi các thảm họa kinh tế nghiêm trọng về sau.

Nobel Kinh tế đã giải cứu thế giới như thế nào? - Ảnh 1.

Ba giáo sư đạt giải Nobel Kinh tế 2022


Vì sao ngân hàng sụp đổ và gây ra khủng hoảng tài chính nghiêm trọng?

Vì ngân hàng có khả năng “tạo ra tiền”. Trước hết, cần nhắc lại một điều khá đơn giản rằng ngân hàng hoàn toàn không phải là một chiếc két sắt để mọi người mang tiền cất vào đó và khi cần thì rút ra. Các ngân hàng còn phải kinh doanh để sinh lợi dựa trên những khoản tiền mà họ huy động được. Một đồng tiết kiệm được gửi vào ngân hàng sẽ ngay lập tức được cho vay. Khi nó đi ra khỏi ngân hàng, tham gia vào các quá trình kinh doanh, lại tiếp tục được gửi vào một ngân hàng khác và cứ thế từ một đồng ban đầu đã có nhiều đồng khác được tạo ra bằng cách xoay vòng đồng vốn thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nền kinh tế thực. Song song với đó là các hoạt động tiết kiệm và đầu tư của khu vực tài chính – ngân hàng.

Tuy nhiên, có một vấn đề mang tên “thanh khoản”. Đó là các ngân hàng cần giải quyết bài toán chênh lệch trong kỳ hạn của những người đi gửi tiền và người đi vay. Có những mâu thuẫn cơ bản giữa nhu cầu của người tiết kiệm và nhà đầu tư. Một người nào đó vay tiền để mua nhà hoặc đầu tư dài hạn cần đảm bảo rằng người cho vay sẽ không đột ngột đòi lại tiền của họ. Mặt khác, một người gửi tiết kiệm luôn muốn có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào để trang trải cho các khoản chi tiêu bất ngờ.

Để xã hội phát triển và nền kinh tế được vận hành thì cần giải quyết các vấn đề mâu thuẫn này, đó chính là vai trò “định chế trung gian” của các ngân hàng, điều hòa và cân đối các chênh lệch về kỳ hạn của các khoản tiền gửi và nhu cầu đầu tư để đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống tài chính.

Nói cách khác, vai trò của ngân hàng là không thể thiếu đối với bất kỳ một nền kinh tế nào, giống như cơ thể chúng ta luôn luôn cần quả tim để đảm bảo máu huyết được lưu thông. Cơ thể khỏe mạnh khi có một quả tim làm việc nhịp nhàng và luôn luôn chuẩn xác. Bằng ngược lại, nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sẽ xảy ra. Mối quan hệ giữa nền kinh tế và ngân hàng cũng giống hệt như vậy.

Năm 1983, Douglas Diamond và Philip Dybvig đã xây dựng một mô hình lý thuyết để giải thích cách mà hệ thống ngân hàng đã giải quyết vấn đề thanh khoản này như thế nào. Bằng cách đóng vai trò trung gian chấp nhận tiền gửi từ nhiều người tiết kiệm với các kỳ hạn khác nhau, các ngân hàng có thể cho phép người gửi tiền rút tiền của họ bất cứ khi họ muốn, đồng thời cung cấp các khoản vay trung và dài hạn cho khách hàng.

Tuy nhiên, cách phân tích này cũng đã cho thấy các hoạt động của ngân hàng là rất dễ bị tổn thương trước các tin đồn về thanh khoản. Nếu xuất hiện tin đồn rằng đang có rất nhiều người đi rút tiền thì điều này sẽ tạo ra hành vi mang tính tâm lý “bầy đàn” và khi nó vượt quá khả năng chống đỡ của của ngân hàng sẽ tạo ra một dạng “lời tiên tri tự ứng nghiệm” và ngân hàng sẽ sụp đổ. Nếu nói đơn giản hơn là các ngân hàng sẽ tồn tại khi niềm tin tất cả những người đi gửi tiền không rút tiền cùng một lúc không bị phá vỡ.

Tuy nhiên các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng điều này là hoàn toàn có thể khắc phục bằng hoạt động điều tiết, bảo hiểm tiền gửi, vai trò “người cho vay cuối cùng” của ngân hàng trung ương và bảo lãnh của nhà nước.

Ben Bernanke, giáo sư kinh tế, người từng giữ chức chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống, đã đóng góp các kết quả nghiên cứu quan trọng để chứng minh hậu quả kéo theo từ các vụ ngân hàng sụp đổ nghiêm trọng như thế nào cũng như đề xuất các giải pháp để tránh những điều tồi tệ đó.

Trước các nghiên cứu của Bernanke, nhận thức chung cho rằng các cuộc khủng hoảng ngân hàng là hậu quả của một nền kinh tế suy giảm, chứ không phải là một nguyên nhân của nó. Ngược lại, Bernanke đã khẳng định rằng sự sụp đổ của các ngân hàng chính là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng và kéo dài. Và nguyên nhân chính đằng sau các vụ ngân hàng sụp đổi chính là sự thất bại của các hoạt động điều tiết và kiểm soát ngân hàng của Chính phủ.

Một khi ngân hàng phá sản, mối quan hệ giữa ngân hàng và những người đi vay bị cắt đứt. Trong khi đó, mối quan hệ này lại chứa đựng các thông tin rất quan trọng để ngân hàng quản lý hoạt động cho vay của mình một cách hiệu quả. Ngân hàng biết rõ những người đi vay của họ, cũng như có các thông tin chi tiết về những người đi vay đã sử dụng tiền vào việc gì và những điều kiện cần thiết để đảm bảo khoản vay sẽ được hoàn trả.

Việc xây dựng các mối quan hệ như vậy cần một thời gian dài và nó không thể đơn giản chuyển cho những người cho vay khác khi một ngân hàng sụp đổ. Đó là còn chưa kể đến việc một ngân hàng sụp đổ sẽ làm dấy lên hiệu ứng lây lan và tạo ra những hiệu ứng tâm lý tiêu cực cho thị trường tài chính.

Do đó, việc sửa chữa một hệ thống ngân hàng thất bại có thể mất rất nhiều năm. Trong thời gian đó, nền kinh tế sẽ hoạt động vô cùng kém cỏi. Bernanke đã chứng minh rằng nền kinh tế không thể nào phục hồi cho đến khi nhà nước thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự hoảng loạn lan rộng trong hệ thống tài chính – ngân hàng.

Lần này, kinh tế vĩ mô đã giải cứu thế giới

Chân dung 3 nhà khoa học Ben Bernanke (trái), Douglas Diamond (giữa) và Philip Dybvig trên màn hình trong buổi công bố giải Nobel Kinh tế ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 10/10.

Các nghiên cứu của Bernanke dựa vào việc phân tích cuộc Đại suy thoái 1929 – 1933. Từ tháng 1/1930 đến tháng 3/1933, sản xuất công nghiệp của Mỹ giảm 46% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 25%. Cuộc khủng hoảng lan nhanh, dẫn đến suy thoái kinh tế sâu sắc ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Anh, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 25% và ở Úc là 29%. Ở Đức, sản xuất công nghiệp gần như giảm một nửa và hơn một phần ba lực lượng lao động không có việc làm. Tại Chile, thu nhập quốc dân đã giảm 33% từ năm 1929 đến năm 1932.

Các ngân hàng sụp đổ khắp nơi, người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa và nạn đói đã xảy ra trên diện rộng ngay cả ở các nước tương đối giàu có. Các nền kinh tế trên thế giới chỉ bắt đầu thực sự phục hồi vào giữa thập kỷ này.

Trước khi Bernanke công bố các kết quả nghiên cứu của mình, các học giả đều cho rằng suy thoái kinh tế có thể được ngăn chặn nếu ngân hàng trung ương in thêm tiền. Bernanke cũng chia sẻ quan điểm rằng sự thiếu hụt tiền có thể góp phần vào suy thoái kinh tế nhưng tin rằng cơ chế này không thể giải thích tại sao cuộc khủng hoảng lại sâu sắc và kéo dài như vậy. Thay vào đó, Bernanke chỉ ra rằng nguyên nhân chính của nó là sự suy giảm khả năng của hệ thống ngân hàng trong việc chuyển các khoản tiết kiệm thành các khoản đầu tư hiệu quả. Ông phát hiện ra rằng chính các yếu tố có liên quan trực tiếp đến việc các ngân hàng thất bại cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái của nền kinh tế.

Bernanke cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cơ chế điều tiết và kiểm soát hệ thống ngân hàng của Chính phủ để đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng các khoản tiền tiết kiệm mà họ huy động được vào hoạt động đầu tư. Làm sao để đảm bảo tính hiệu quả trong việc phân bổ vốn đầu tư cho nền kinh tế và kiểm soát tín dụng là một trong những yếu tố để đảm bảo sức khỏe cho hệ thống ngân hàng. Và Bernanke cũng cho rằng chính sự thất bại của các cơ chế điều tiết này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại và sụp đổ của các ngân hàng.

Đến năm 2009, khi nước Mỹ bắt đầu rơi vào cuộc Đại khủng hoảng theo sau vụ bùng nổ bong bóng giá nhà đất và các tài sản nói chung, dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và hàng loạt định chế tài chính, ngân hàng của Mỹ; lúc này, Bernanke đang là người lèo lái con thuyền kinh tế Mỹ, giữ chức chủ tịch Fed. Ông áp dụng các kết quả nghiên cứu của chính mình vào thực tiễn hoạch định các chính sách giải cứu nền kinh tế Mỹ đang gặp phải những vấn đề hết sức nghiêm trọng về thanh khoản và các chức năng khác của khu vực tài chính đã gần như tê liệt.

Bằng các giải pháp đã thực hiện, kết quả là hậu quả của Đại khủng hoảng năm 2009 không thê thảm như Đại suy thoái 1930. Trong Đại suy thoái, một nửa các ngân hàng của Mỹ đã sụp đổ trong khi con số này của Đại khủng hoảng là 0,6%. Việc áp dụng các chính sách của Bernanke đã giúp cho nước Mỹ chặn đứng một cơn hoảng loạn bao trùm thị trường tài chính và giúp giảm thiểu tối đa các hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội kéo theo sau.

Đến năm 2020, đại dịch toàn cầu bùng nổ kéo theo các vấn đề kinh tế nghiêm trọng đã một lần nữa cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của các biện pháp đã được thực hiện để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những kinh nghiệm và hiểu biết được đóng góp bởi các nhà kinh tế học đoạt giải Nobel năm 2022 đã giúp cho thế giới tránh được các cuộc khủng hoảng tài chính thảm khốc và có thể lây lan, phát triển thành các vấn đề có tính chất toàn cầu - điều đã được nhiều nhà kinh tế học trước đó bày tỏ sự lo ngại và liên tục cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu theo sau cuộc Đại phong tỏa 2020 - 2021 (The great lockdown).

Lý thuyết kinh tế học, thường bị chỉ trích là các mô hình toán phức tạp, trừu tượng, khó hiểu và rất khô khan nhưng lần này, thực sự đã giải cứu thế giới, hay ít ra là đã ngăn chặn những gì tồi tệ nhất có thể xảy ra theo sau các cuộc suy thoái kinh tế.

Nhưng thực ra thì thế giới hay nói rõ hơn là các nền kinh tế lại là một thực thể phức tạp, luôn chuyển động và chứa đựng nhiều vấn đề không chỉ có ngân hàng, thanh khoản và các quy định điều tiết. Thậm chí các vấn đề này còn “đoạt giải Nobel” từ trước đó rất lâu như bất cân xứng thông tin, tài chính hành vi, rủi ro đạo đức hay vấn đề hợp đồng… Vì vậy, liệu các nền kinh tế có thực sự cần giải cứu hay chỉ cần người ta đừng làm cho nó ngày càng bất ổn hơn và dễ bị tổn thương hơn!?

Theo Vietnamfinance

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Lần đầu "chia tiền" sau 1 thập kỷ, cổ phiếu Techcombank hút dòng tiền cá mập hơn 1.455 tỷ đồng

Lần đầu "chia tiền" sau 1 thập kỷ, cổ phiếu Techcombank hút dòng tiền cá mập hơn 1.455 tỷ đồng

Chính sách chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng của Techcombank trình cổ đông là một sự thay đổi lớn của Techcombank sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh.

VNDirect bị "tấn công" và lời cảnh báo nóng của chuyên gia

VNDirect bị "tấn công" và lời cảnh báo nóng của chuyên gia

Chuyên gia lưu ý, tất cả các công ty chứng khoán khác dù công nghệ có mạnh cỡ nào vẫn dễ gặp phải tình huống tương tự VNDirect nếu nhân viên của họ thiếu ý thức, mất cảnh giác với các đường link "lạ".

Nguồn vốn "khủng" mới cho các doanh nghiệp nền tảng số, đến 1 tỷ USD

Nguồn vốn "khủng" mới cho các doanh nghiệp nền tảng số, đến 1 tỷ USD

Ngân hàng HSBC toàn cầu vừa công bố Quỹ Tăng trưởng ASEAN (ASEAN Growth Fund) trị giá 1 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp nền tảng số ở Việt Nam và khu vực mở rộng quy mô hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế số đang bùng nổ.

Moody’s nâng bậc, nâng hạng cho 2 ngân hàng Việt Nam

Moody’s nâng bậc, nâng hạng cho 2 ngân hàng Việt Nam

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s vừa nâng bậc nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng cho một ngân hàng ở Việt Nam, và nâng hạng triển vọng cho một nhà băng khác.

Bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục năm thứ 7 liên tiếp, HAGL giải trình gì?

Bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục năm thứ 7 liên tiếp, HAGL giải trình gì?

Hoàng Anh Gia Lai báo lãi 1.125 tỷ đồng năm 2022 và vừa lãi tiếp 1.782 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, Công ty kiểm toán Ernst & Young vẫn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này và đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp kiểm toán đặt nghi ngờ với DN nhà bầu Đức.

Nữ doanh nhân xinh đẹp đến từ Singapore gây sửng sốt với đũa chỉ huy dàn nhạc

Nữ doanh nhân xinh đẹp đến từ Singapore gây sửng sốt với đũa chỉ huy dàn nhạc

Chỉ huy dàn hợp xướng trong buổi hòa nhạc gần đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội là bà Michele Wee, một nữ doanh nhân tài năng và xinh đẹp. Trước đó, bà chưa từng xuất hiện trong vai trò nhạc trưởng như vậy.