Rộn ràng chuẩn bị Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024
Quang Dương
06/09/2024 1:05 PM (GMT+7)
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ đã có hơn 100 năm tuổi. Mỗi năm, lễ hội được người dân huyện Cần Giờ tổ chức quy mô, trang nghiêm và nhiều hoạt động thú vị.
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2024 đang được huyện Cần Giờ (TP.HCM) chuẩn bị trong không khí khẩn trương, đoàn kết.
Nghi thức thượng cờ tại Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Ảnh: T.T
Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ được tổ chức chính tại Lăng Ông Thủy Tướng (hay còn gọi là Thạnh Phước Lạch) và một số địa điểm như Công viên Văn hóa Di tích lịch sử quốc gia căn cứ Rừng Sác, di tích lịch sử cấp thành phố Đình Cần Thạnh, những con đường trung tâm của thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và trên biển.
Năm nay, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ có hơn 70 sự kiện lớn nhỏ diễn ra trong 12 ngày từ ngày 7 đến 19/9 (15 đến 17/8 âm lịch).
Ngày 16/8 âm lịch (18/9 dương lịch) sẽ diễn ra lễ chính của lễ hội là Lễ Nghinh Ông trên biển. Người dân tập trung tại Lăng Ông Thủy Tướng, sau đó khiêng Kiệu Nghinh Ông qua các đường phố, đoàn tàu trang trí sặc sỡ tiến ra biển để thực hiện nghi thức cúng Ông và quay về bờ trong tiếng trống rộn rã.
Trước đó, từ ngày 15 đến 17/8 âm lịch sẽ diễn ra phần hội, gồm các hoạt động: thả chài, bắt vịt trên biển, trói cua, đá bóng cà kheo…
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân và chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với những ước vọng một mùa bội thu. Đây là lễ hội thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn, tạ ơn Thần Nam Hải (cá Ông) và Thần Biển của ngư dân huyện Cần Giờ.
Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ còn là dịp để tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, từng bước tạo dựng cuộc sống, hình thành lối sống, nếp sống phù hợp thích nghi thiên nhiên của vùng đất Cần Giờ. Lễ hội còn nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do dân tộc là thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" luôn được duy trì, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được tổ chức vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hằng năm, bắt đầu từ năm Quý Sửu 1913, đến nay đã 111 năm. Lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013.