Theo ghi nhận, nhiều năm nay, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất luôn là "điểm nóng" về tình trạng tắc nghẽn giao thông. Các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch dẫn đến tình trạng giao thông qua khu vực phức tạp, dễ xảy ra tai nạn.
Đặc biệt, các dịp cao điểm lễ, tết, lượng người dồn về khu vực này tăng cao khiến giao thông thường xuyên tê liệt. Người dân phải đứng chôn chân, chen chúc giữa biển người và phương tiện ùn tắc.
Để giải quyết tình trạng trên, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) đã báo cáo UBND TP.HCM về tình hình thực hiện các dự án giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất. Sở này đề xuất đẩy nhanh tiến độ 3 dự án giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất là đường nối Trần Quốc Hoàn, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và đường Cộng Hòa, khởi công vào tháng 10, 11 năm nay.
Cụ thể, dự án quan trọng nhất là đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài hơn 4km kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Công trình dự kiến được khởi công tháng 11 đối với hạng mục hầm chui ở giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (quận Tân Bình).
Theo đó, công trình làm đường rộng từ 25 - 48m cho 6 làn xe. Đồng thời, xây 2 hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (dài 42m, 2 làn xe) và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (dài 35m, 2 làn xe). Ngoài ra còn làm một cầu vượt trước ga T3 dài gần 1km cho 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.484 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, khó khăn lớn nhất của dự án là vướng mặt bằng khoảng 15,5ha đất quốc phòng. TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho Bộ Quốc phòng bàn giao trước 11,89ha cho thành phố quản lý để triển khai dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM sẽ khởi công trước hạng mục hầm chui đầu tuyến tại nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn vào tháng 11 năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 9/2024 để đồng bộ với nhà ga T3.
Một dự án sắp triển khai khác là công trình mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa dài hơn 783m, rộng 22m. Dự án được phê duyệt tháng 10/2016 với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng nhưng nay tăng lên gần 291 tỷ đồng do tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Hiện có 121/152 (đạt 80%) hộ dân ảnh hưởng bởi dự án đã đồng ý nhận tiền để bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao hơn 3.361m2 đất quốc phòng cho dự án, quận Tân Bình đang tiến hành các thủ tục để thu hồi đất. Dự kiến, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án hoàn thành trong tháng 9 để khởi công trong tháng 10 năm nay và hoàn thành sau 6 tháng thi công.
Bên cạnh đó, dự án cải tạo đường Cộng Hòa, đoạn từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến Thăng Long, dài 134m, mở rộng 14-19m. Dự án được phê duyệt tháng 10/2016 với tổng mức đầu tư gần 142 tỷ đồng nhưng nay tăng lên gần 168 tỷ đồng do tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Đến tháng 9 dự án sẽ có mặt bằng sạch để khởi công trong tháng 10 và hoàn thành sau 3 tháng thi công.
PGS TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng, áp lực giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng cao hơn khi sân bay này xây thêm nhà ga T3 để nâng năng suất khai thác mỗi năm lên 50 triệu lượt khách. Điều này khiến thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án còn lại. Trong đó, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa là công trình quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn có kế hoạch thực hiện 4 dự án khác để gỡ ách tắc giao thông khu vực Tân Sơn Nhất, bao gồm: Dự án mở rộng cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (quận Tân Bình) sẽ được khởi công vào tháng 10 và hoàn thành trong 3 tháng thi công. Dự án được HĐND TP.HCM thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 141,9 tỷ đồng lên gần 167,9 tỷ đồng.
Đối với dự án mở rộng đường Tân Sơn, TP.HCM đang thực hiện thủ tục thu hồi đất quốc phòng. Còn dự án nâng cấp mở rộng đường Thân Nhân Trung, quận Tân Bình đang được UBND TP.HCM thực hiện các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư công.
Các dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (từ Cộng Hòa đến Âu Cơ); nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa) đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thiết kế.
Về dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, theo Bộ GTVT, dự án có công suất 20 triệu khách/năm được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư ngày 19/5/2020. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 10.999 tỷ đồng từ nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước).
Theo Bộ GTVT, đến nay Bộ Quốc phòng đã hoàn chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với phần diện tích 16,05ha xây dựng nhà ga T3 theo nghị định 167/2017/NĐ-CP. UBND TP.HCM cũng đã có văn bản đồng thuận.
Tuy nhiên, các thủ tục về giải phóng mặt bằng và bàn giao đất vẫn chưa hoàn tất nên ACV chưa có mặt bằng để khởi công triển khai dự án. Vì vậy, Bộ này mong muốn Thủ tướng có ý kiến giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, UBND TP.HCM sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với đất thuộc khu vực của dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Đồng thời cho phép bàn giao trước toàn bộ 16,05ha hoặc từng phần mặt bằng thuộc dự án tại quận Tân Bình, TP.HCM do Quân chủng Phòng không - không quân, Bộ Quốc phòng quản lý cho TP.HCM và ACV để xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Việc hoàn tất các thủ tục sẽ được tiến hành song song theo quy định của pháp luật hiện hành, để triển khai đáp ứng tiến độ dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trước đó, Bộ Quốc phòng có công văn xin ý kiến phương án sắp xếp lại, xử lý đối với hai cơ sở nhà đất do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý để chuyển giao cho địa phương. TP.HCM đang phối hợp với Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan sớm hoàn thành phương án sắp xếp lại cũng như các thủ tục có liên quan để bàn giao khoảng 16,05 ha đất quốc phòng, thực hiện dự án nhà ga T3.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc