Tổng cục Thống kê công bố đến ngày 27/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%), tăng trưởng tín dụng tăng 8,53% (cùng kỳ đạt khoảng 6,24%). Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế thêm gần 1,16 triệu tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống.
Như vậy, chỉ trong 10 ngày, dư nợ tín dụng đã tăng thêm 1,15%, tương đương có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Từ tháng 6, tăng trưởng tín dụng cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, song lãnh đạo các nhà băng nhận định nhu cầu vay của doanh nghiệp vẫn thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp.
Áp lực đối với tín dụng ngân hàng cũng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả. Đặc biệt, thị trường bất động sản chưa hồi phục và ổn định, sự khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến tăng trưởng tín dụng cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, trong quý cuối năm, giới phân tích nhận định tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện mạnh mẽ. Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN tin rằng có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 15%.
PGS TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, với đà tăng trưởng tín dụng hiện nay, khả năng trong những tháng cuối năm, dư nợ của ngành ngân hàng sẽ cải thiện dần, bởi thông thường nhu cầu vốn của khách hàng trong nửa cuối năm sẽ tăng cao hơn nửa đầu năm.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã có báo cáo phân tích và đưa ra dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục. Những động lực tăng trưởng tín dụng sẽ đến từ lĩnh vực bất động sản - sản xuất - đầu tư công, cho vay bán lẻ, chính sách của NHNN và hoạt động cho vay tái thiết sau bão.
Trong bối cảnh dư nợ tín dụng tăng nhanh hơn cùng kỳ, huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng lại tăng thấp hơn. Tính đến 27/9, huy động vốn từ dân cư và tổ chức mới tăng gần 4,8% (cùng thời điểm năm ngoái tăng hơn 6,6%).
Diễn biến này không chỉ mới xảy ra trong tháng 9, mà tiếp diễn từ hồi giữa năm, khi báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng thể hiện tăng trưởng cho vay vượt huy động do tiền nhàn rỗi đổ vào các kênh sinh lời khác thay vì gửi tiết kiệm.
Đơn cử như tại Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,8% trong nửa đầu năm nay, tương đương 99.300 tỷ đồng được giải ngân. Trong khi huy động tiền gửi giảm 1,5%, chỉ còn hơn 1,37 triệu tỷ đồng so với mức 1,39 triệu tỷ đồng hồi đầu năm nay.
Trong khi đó, VietinBank cho vay khách hàng tăng 6,7%, nhưng huy động vốn chỉ tăng chưa tới 4%.
Tại Techcombank, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng khoảng 13%, trong khi huy động vốn tăng chưa tới 6%. Tỷ lệ này với VPBank là 11,2% và 6,6%, quy mô cho vay khách hàng cao hơn huy động vốn khoảng 80.000 tỷ đồng…
Theo Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), huy động tăng thấp so với tín dụng do người dân có xu hướng rút tiền gửi để đi mua vàng, bất động sản và các kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao hơn khi nền lãi suất tiền gửi thấp.
Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, vàng - kênh đầu tư mang tính trú ẩn an toàn - lại là kênh có tỷ lệ sinh lời cao nhất. Ở mức đỉnh trước khi NHNN can thiệp bình ổn thị trường, vàng miếng giao dịch trên 92 triệu đồng/lượng, tăng gần 25% so với đầu năm; giá nhẫn 24K cũng tăng quanh mức 20%, cao gấp 3 lần lãi suất gửi tiết kiệm.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng có xu hướng tăng phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Các ngân hàng lớn như Techcombank, MB, HDBank, ACB, và OCB đã liên tục thực hiện nhiều đợt phát hành, góp phần làm nóng thị trường. Tính thêm giấy tờ có giá được phát hành, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế tăng 5,1%, xấp xỉ với mức 5,4% của cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng ngân hàng không lo thiếu tiền, bởi thời gian gần đây, NHNN rất tích cực hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt.
Tính đến ngày 30/9, tổng giá trị tiền ròng NHNN bơm vào hệ thống ước khoảng 128.200 tỷ đồng với mức lãi suất 4 - 4,25%/năm, kỳ hạn 7 ngày. Đồng thời, trong tháng 9, Kho bạc Nhà nước cũng phát đi thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với khối lượng dự kiến tối đa là 350 triệu USD. Động thái này sẽ giúp tăng thanh khoản hệ thống.
Theo đó, xu hướng tăng lãi suất huy động trong tháng 9 chậm lại, chỉ còn 12 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất. Trước đó, số lượng ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong tháng 6 là 23 ngân hàng, tháng 7 là 19 ngân hàng và tháng 8 là 15 ngân hàng.
(Theo vnbusiness.vn)
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gừng, một loại gia vị phổ biến trong nhà bếp, đang trở nên phổ biến vì nhiều lợi ích sức khỏe. Nó có thể làm giảm buồn nôn, hỗ trợ giảm cân, điều chỉnh lượng đường trong máu và cholesterol, thậm chí giúp giảm đau đầu.
Khu vực đỉnh Fansipan ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, nhiệt độ xuống rất thấp vào sáng sớm nay 23/11 nên đã xuất hiện lớp băng mỏng khiến du khách thích thú. Đây là các du khách thích săn mây và trải nghiệm cảm giác lạnh.
Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ không được rót vốn vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý chứng khoán... trừ đơn vị có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong các lĩnh vực này.
Công ty chứng khoán SSI đã nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước hơn 7,33 tỷ đồng. Đây là tổng số thuế bị truy thu, tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế cho năm 2022 và 2023.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".