Những ngày giáp Tết nguyên đán 2022, dấu hiệu hồi phục của thị trường bất động sản cho thuê tại TP.HCM càng rõ nét hơn khi số lượng hỏi thuê đã bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt là tại khu vực trung tâm và khu Đông.
Dữ liệu của CBRE Việt Nam cho thấy, trong năm 2021, thị trường văn phòng cho thuê TP.HCM có thêm ba dự án văn phòng hạng B, với tổng cộng 27.301m2 diện tích thực thuê và không có nguồn cung mới hạng A.
Thị trường ghi nhận mức độ phục hồi nhẹ cho cả hạng A và hạng B, sau vài quý đi ngang. Trong đó, các dự án mới hạng B có tỷ lệ hấp thụ khá tốt nên mặc dù có thêm nguồn cung, tỷ lệ trống trung bình hạng B giảm 0,9 điểm phần trăm theo quý và giảm 0,2 điểm phần trăm theo năm, đạt mức 8,9% trong quý 4/2021.
Trái lại, tỷ lệ trống hạng A là 12,7%, tăng 2 đpt theo quý do một vài khách thuê giảm mặt sàn hoặc chuyển qua tòa nhà hạng B mới. Tuy vậy, tỷ lệ trống của hạng A vẫn ghi nhận sự phục hồi khả quan và giảm 5,4 điểm phần trăm so với năm trước.
Tính đến quý 4/2021, giá thuê hạng A ghi nhận ở mức gần 1 triệu đồng/m2/tháng, tăng 1,1% theo quý và gần bằng với cùng kỳ năm trước. Giá thuê hạng B đạt gần 600.000 đồng/m2/tháng, tăng 1,5% theo quý và tăng nhẹ 0,6% theo năm.
Trong khi đó, theo JLL Việt Nam - đơn vị chuyên quản lý và tư vấn đầu tư bất động sản - một số trung tâm thương mại tại TP.HCM tiếp tục hoãn kế hoạch khai trương tới đầu năm 2022, mặc dù đã có sẵn mặt bằng cho thuê. Trong khi đó, khách thuê tiếp tục đợi chờ để tìm kiếm cơ hội thuê với giá tốt nhất.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, cùng với đà hồi phục của các hoạt động kinh tế, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh cũng dần tăng trở lại tại các quận, huyện ở TP.HCM. Tất nhiên, các tuyến phố chính ở các quận sẽ là khu vực được quan tâm bậc nhất.
Hiện Colliers Việt Nam ghi nhận giá thuê mặt bằng tại một số tuyến phố quan trọng khu vực Quận 1 dao động trong khoảng 100-200 triệu đồng/tháng với các mặt bằng trên dưới 100m2.
Trong trung và dài hạn, với lộ trình tiêm chủng và trở lại trạng thái bình thường, thành phố được kỳ vọng vẫn là điểm đến thu hút của các nhãn hàng lớn quốc tế, nhờ các lợi thế về dân số và mức độ đô thị hóa sẵn có.
Đối với các trung tâm thương mại hiện hữu, một số chủ nhà dự kiến sẽ có những đợt cơ cấu lại khách thuê và mặt bằng thuê, nhằm tạo ra bộ mặt mới cho các trung tâm sau khi mở cửa trở lại.
"Giá chào thuê sẽ duy trì ổn định, trong khi giá thuê thực sẽ tăng do các chủ nhà sẽ ngừng một số chính sách miễn giảm hỗ trợ khi các trung tâm mở cửa trở lại. Các chính sách hỗ trợ giữa chủ nhà và khách thuê sẽ mang tính thương lượng theo từng trường hợp, do các chủ nhà cũng đang gánh chịu các áp lực về tài chính sau một thời gian dài ngừng hoạt động các mặt bằng thuê" - JLL Việt Nam, dự báo.
Cũng đánh giá thị trường cho thuê đang có dấu hiệu hồi phục, Chợ Tốt Nhà thống kê giá thuê mặt bằng kinh doanh với diện tích 60-100m2 ở một số trục đường chính tại quận 1, như đường Lê Thánh Tôn, khoảng 200 triệu đồng/tháng; 80-200 triệu đồng/tháng trên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai; khoảng 120 triệu đồng/tháng trên đường Đề Thám…
Đối với quận 7, tại trục đường Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Thị Thập, giá thuê mỗi mặt bằng đang dao động ở mức 15-40 triệu đồng/tháng...
Về tổng quan, số tin đăng cho thuê mặt bằng kinh doanh tại TP.HCM trên Chợ Tốt chưa phục hồi lại như thời điểm trước dịch nhưng đã có sự tăng trưởng khá so với trước đó.
"Khi kinh tế lấy lại đà phục hồi và người dân có việc làm ổn định, thị trường mặt bằng nhà phố cho thuê sẽ sôi động theo. Có thể đến cuối quý I, đầu quý II/2022, thị trường này sẽ kín chỗ", ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản, nhận định.
Cũng theo ông Quang, bước sang năm mới 2022 thì nhà phố, các phân khúc mang tính thương mại sẽ hút khách vì khi gói kích thích kinh tế Chính phủ đưa ra, người dân sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh và điều này sẽ đòi hỏi phải có mặt bằng để thuê. Do đó, phân khúc nhà phố thương mại ngay trung tâm sẽ tăng, phân khúc văn phòng cho thuê cũng tăng.
Kế đó là phân khúc second home với những sản phẩm mang tính second home nghỉ dưỡng ven thành phố với khoảng cách 100 -150 km sẽ vẫn thu hút khách đầu tư.
"Hai phân khúc này dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư xuống tiền ngay sau dịp Tết nguyên đán", ông Quang nói.
Cũng theo chuyên gia BĐS này, nếu thuê mặt bằng tại thời điểm hiện tại, khách hàng dễ tiếp cận được vị trí thuận lợi cũng như chủ động thương lượng được giá tốt với bên cho thuê.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) DKRA Vietnam, dự báo, về cơ bản thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận năm 2022 sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế nói chung. Với chủ trương của Nghị quyết 128/2021, mức độ phục hồi đang rất khả quan.
Dự báo trong năm 2022, nếu tình hình không có những biến động nghiêm trọng về dịch bệnh, thị trường bất động sản sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2021 cả về nguồn cung mới lẫn sức mua. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những thách thức rất lớn đan xen với những lực đẩy của thị trường.
"Riêng bất động sản thuộc loại hình mặt bằng bán lẻ vẫn còn nhiều thách thức do mức giá thuê đã quá cao từ năm 2019 về trước. Trong giai đoạn dịch bệnh và siết chặt giãn cách xã hội, xu hướng mua sắm online được đẩy mạnh, nhu cầu mặt bằng bán lẻ cũng bị hạn chế", ông Nguyễn Hoàng, nhận định.
TP.HCM triển khai thí điểm ủy quyền cho UBND TP.Thủ Đức, các quận, huyện quyết định biện pháp bảo đảm ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất, chủ sở hữu tài sản khi nhà nước thu hồi đất.
Đường ven sông Sài Gòn là dự án quan trọng vừa mang tính kết nối giao thông vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, nhất là với TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương.
Ngày 3/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản ban hành thông báo phân công Thường trực UBND TP theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM đang thu hút sự chú ý của giới siêu giàu và nhà đầu tư, nhờ sức tăng GDP mạnh, nên phân khúc bất động sản hạng sang của TP.HCM thành thị trường trọng điểm trong khu vực.
Việc kết nối dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với một số dự án giao thông khác trên địa bàn được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Sau 7 năm dừng thi công khi chỉ hoàn thành 12% giá trị hợp đồng, dự án xây dựng đoạn đường nối từ Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được khởi công trong năm 2025.