Thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung làm tăng rủi ro cho các nước ASEAN muốn giảm thuế quan
Phương Đăng (theo CNA)
16/05/2025 10:44 AM (GMT+7)
Thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại đang tạo áp lực lớn lên các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Theo các chuyên gia, các nước này không thể để mình kết thúc đàm phán với Mỹ với mức thuế cao hơn Trung Quốc – điều sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (ở giữa mặc áo đỏ) cùng các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng ASEAN tại Kuala Lumpur vào tháng 4/2025. (Ảnh: Vincent Thian)
Vào ngày 12/5, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm ngưng leo thang thương mại trong 90 ngày. Mỹ đồng ý giảm thuế đối với hàng Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% – bao gồm 10% thuế cơ bản và 20% thuế phạt nhằm vào các hóa chất được cho là nguyên liệu sản xuất fentanyl, một loại opioid gây ra hàng chục ngàn ca tử vong tại Mỹ.
Đáp lại, Trung Quốc giảm thuế trả đũa từ 125% xuống còn 10%. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận toàn diện trước khi thời hạn đình chiến kết thúc vào ngày 12/8.
Các nước ASEAN lo bị bỏ lại phía sau nếu không có thỏa thuận kịp thời
Theo bà Joanne Lin, chuyên gia cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nếu sau ngày 12/8, Trung Quốc được hưởng mức thuế thấp hơn các nước ASEAN, điều đó sẽ khiến sức hấp dẫn của ASEAN như một trung tâm thay thế cho Trung Quốc bị suy giảm đáng kể.
“Điều này đặc biệt đáng lo ngại với các nước như Việt Nam, Malaysia và Indonesia – vốn từng được hưởng lợi khi các công ty Trung Quốc chuyển nhà máy sang đây trong thời kỳ đỉnh điểm của căng thẳng Mỹ - Trung”, bà Lin nhận định.
“Nếu Trung Quốc có lại lợi thế thuế quan, làn sóng đầu tư sẽ chững lại, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng có thể dịch chuyển ngược về Trung Quốc", bà Lin nói thêm.
Việt Nam, Malaysia và Indonesia nằm trong nhóm "Dirty 15" theo cách gọi của chính quyền Trump – các nước bị cho là áp thuế cao và dựng nhiều rào cản phi thuế đối với hàng hóa Mỹ. Bloomberg cho biết ba nước này cũng thuộc nhóm khoảng 20 quốc gia đang đàm phán sớm với Mỹ, với khu vực Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu.
Cuộc chạy đua giữa các nước ASEAN với thời gian và ông Trump
Các nước Đông Nam Á đang gấp rút đàm phán song phương với Mỹ, vì nếu bị áp thuế cao hơn Trung Quốc, lợi thế về lao động giá rẻ và vị trí địa lý sẽ bị vô hiệu hóa. Ảnh IT
Indonesia hiện đang đàm phán với Mỹ mức thuế tiềm năng là 32%. Nước này đề xuất tăng nhập khẩu từ Mỹ lên đến 19 tỷ USD mỗi năm, bao gồm lúa mì, đậu nành, LPG và dầu thô. Đồng thời, Jakarta cũng ban hành quy định cho phép chính phủ mua hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn, nhằm gỡ bỏ rào cản phi thuế mà Mỹ từng phàn nàn.
Tuy nhiên, chuyên gia Bhima Yudhistira tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật Indonesia lo ngại rằng nếu Mỹ - Trung đạt thỏa thuận sâu hơn, đầu tư từ Mỹ và châu Âu sẽ quay trở lại Trung Quốc, đồng thời các nhà máy đã chuyển sang ASEAN sẽ có xu hướng quay lại đại lục.
“Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến từng quốc gia ASEAN. Nếu Indonesia không đạt được thỏa thuận, gánh nặng ngân sách sẽ tăng nếu phải nhập khẩu thêm LPG và dầu từ Mỹ”, chuyên gia Bhima cảnh báo.
Tại Thái Lan, tiến trình đàm phán với Mỹ gần như đình trệ. Cuộc họp ngày 23/4 đã bị hoãn do phía Thái muốn rà soát lại các vấn đề sẽ đưa ra. Thái Lan từng đề xuất tăng nhập khẩu ngô, khí đốt và ethane từ Mỹ, đồng thời giảm thuế và rào cản kỹ thuật như kiểm tra chặt hàng hóa xuất sang Mỹ để tránh gian lận xuất xứ.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết vẫn đang liên lạc không chính thức với phía Mỹ và tự tin rằng đàm phán sẽ bắt đầu trước khi giai đoạn đình chiến Mỹ-Trung kết thúc. Bà ám chỉ rằng “một thỏa thuận ngầm” vẫn đang được bàn thảo.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo sự bất mãn đang gia tăng trong nước khi Thái Lan không nằm trong danh sách 20 nước ưu tiên đàm phán sớm với Mỹ. Chuyên gia Wannaphong Durongkaveroj từ Đại học Ramkhamhaeng nói rằng điều này đặt chính phủ Paetongtarn vào thế nguy hiểm.
Láng giềng của Thái Lan là Malaysia đã cử một phái đoàn sang Washington từ ngày 22 đến 24 tháng 4. Thủ tướng Anwar Ibrahim thông báo trước Quốc hội ngày 5/5 rằng Putrajaya có thể đàm phán để giảm mức thuế đe dọa 24% đang bị Mỹ áp dụng.
Malaysia khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ về các rào cản phi thuế quan, giảm thặng dư thương mại song phương và xem xét khả năng ký một hiệp định thương mại song phương.
“Nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 8/7, thuế đối với hàng hóa ASEAN có thể còn cao hơn cả Trung Quốc. Điều đó càng cho thấy ASEAN – đặc biệt là Thái Lan – cần có chiến lược rõ ràng thay vì chỉ chờ đợi”, ông nhấn mạnh.
Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ khôi phục mức thuế “đáp trả tương xứng” với các nước chưa đạt thỏa thuận trước ngày 8/7. Trong bối cảnh đó, các nước Đông Nam Á đang gấp rút đàm phán song phương với Mỹ, vì nếu bị áp thuế cao hơn Trung Quốc, lợi thế về lao động giá rẻ và vị trí địa lý sẽ bị vô hiệu hóa.
“Có thể thấy rõ đây là một cuộc chạy đua giữa các nhà lãnh đạo ASEAN để đạt được thỏa thuận song phương với ông Trump”, ông Wannaphong nhận định.
Việt Nam – Ứng viên sáng giá để đạt thỏa thuận sớm với Mỹ?
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ảnh Reuters.
Ông Bhima từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Pháp luật Indonesia cho rằng Việt Nam, đối mặt mức thuế 46% của chính quyền Trump, hiện là nước Đông Nam Á có cơ hội lớn nhất đạt được thỏa thuận với Mỹ. Là một trung tâm sản xuất lớn cho nhiều công ty phương Tây, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại hơn 123 tỷ USD với Mỹ trong năm ngoái.
Việt Nam đã bắt đầu đàm phán chính thức với Mỹ từ ngày 7/5, và theo Reuters, chính phủ Việt Nam đang tăng cường chống hàng giả cũng như vi phạm bản quyền số – lĩnh vực mà Mỹ cáo buộc Việt Nam là điểm nóng.
Hà Nội đã đề xuất áp thuế nhập khẩu bằng 0 đối với hàng Mỹ và cam kết mua nhiều hàng Mỹ hơn, bao gồm máy bay Boeing và khí hóa lỏng LNG. Chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích các nhà sản xuất trong nước ưu tiên mua hàng Mỹ.
Ông Bhima nhận xét ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cần mở rộng sang Đông Nam Á, nên những đề nghị mua vũ khí sẽ giúp các nước dễ đạt được nhượng bộ trong đàm phán thuế.
“Nếu quốc gia Đông Nam Á nào chủ động đề cập đến hợp tác quốc phòng, họ sẽ là người chiến thắng”, ông Bhima bình luận.
Nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm lần đầu tiên trong một năm vào quý 3 với tốc độ nhanh hơn dự báo, theo số liệu công bố ngày thứ Sáu 16/6. Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh và đang bị đe dọa bởi các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm giảm giá thuốc kê đơn, ông nói rằng người Mỹ phải trả tiền nhiều hơn các quốc gia khác cho dược phầm. Nhưng chi tiết và tác động dài hạn của nó vẫn còn rất mơ hồ.
Nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm lần đầu tiên trong một năm vào quý 3 với tốc độ nhanh hơn dự báo, theo số liệu công bố ngày thứ Sáu 16/6. Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh và đang bị đe dọa bởi các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm giảm giá thuốc kê đơn, ông nói rằng người Mỹ phải trả tiền nhiều hơn các quốc gia khác cho dược phầm. Nhưng chi tiết và tác động dài hạn của nó vẫn còn rất mơ hồ.