Trong sáu tháng đầu năm, thu hút FDI vẫn “dưới tiềm năng”. Nhiều báo cáo kinh tế chỉ ra TP cần một cách tiếp cận khác để thu hút FDI, đặc biệt vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ cảng biển, trung tâm tài chính quốc tế, kinh tế số.
Nhu cầu thu hút FDI diễn ra khi đại dịch COVID-19, thiên tai, căng thẳng đối đầu Mỹ - Trung Quốc, chiến sự Nga - Ukraine… làm tổn thương hệ thống sản xuất và cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu của thế giới. Trong khi đó, dòng dịch chuyển chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia “đưa sản xuất về lại nước gốc” của họ (reshore) đang diễn ra, tiêu biểu nhất là Mỹ.
Mới đây, Mỹ và 17 nền kinh tế đối tác đã ra tuyên bố chung về hợp tác phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu sau Diễn đàn bộ trưởng nguồn cung do Mỹ tổ chức. Họ tìm cách thúc đẩy các giá trị về minh bạch, đa dạng, an ninh và bền vững cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chắc chắn Việt Nam (VN) không thể đứng ngoài vùng chịu tác động từ sự vận động của 18 nền kinh tế lớn kể trên, bởi họ chiếm phần lớn GDP và chi phối hầu hết nền sản xuất, cung ứng toàn cầu. VN phải thuyết phục các nước đối tác bằng “lợi ích kinh tế”, bằng sự thịnh vượng mà các bên cùng có được nếu chọn VN là điểm đến.
Tuy vậy, nếu chỉ chia sẻ lợi ích thì chưa đủ. Các nền kinh tế lớn hiểu rằng trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược gay gắt, các chuỗi sản xuất, cung ứng có tầm quan trọng chiến lược của họ cần được đảm bảo bởi các “đối tác chiến lược”, được ví như những “người bạn” chia ngọt sẻ bùi. Trong bối cảnh FDI vào VN còn tập trung vào các nhóm ngành thâm dụng lao động (giá rẻ), giá trị thấp thì việc trở thành người bạn chiến lược với các nền kinh tế lớn là rất cần thiết.
Điều này khiến chúng ta liêntưởng đến khái niệm “friendshore”, miêu tả sự phát triển của các chuỗi cung ứng toàn cầu được dẫn dắt bởi Mỹ, Nhật Bản, hay châu Âu với các đối tác mà họ cho là thân thiện, đáng tin cậy, có thể chia sẻ sự hiểu biết lẫn nhau về nhân sinh quan, tổ chức xã hội và điều hành chính sách.
Những chuyến thăm của lãnh đạo đến các nước chuyển đi thông điệp VN mong muốn trở thành người bạn tin cậy của các nước, qua đó tạo ra vị thế và lợi thế. Điểm quan trọng hơn nữa, cần phát triển, cụ thể hóa lợi thế đó thành các dự án, công trình.
Điển hình, các siêu dự án hạ tầng, cảng biển đòi hỏi cách tiếp cận theo vùng hoặc thậm chí quốc gia. Tương tự, hợp tác về kinh tế số, trung tâm tài chính cũng cần một khung thể chế mang tính đột phá, trước mắt là thí điểm để thực hiện những kế hoạch mà khung pháp lý hiện hành chưa có hoặc chưa kịp bổ sung.