Thứ bảy, 20/04/2024

Thúc đẩy tiêu thụ trong nước, giảm thiệt hại nông sản

29/12/2021 6:30 AM (GMT+7)

Trước tình trạng các xe hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đang tắc trên cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp (DN), trong đó có đề xuất thúc đẩy tiêu thụ nội địa, nhằm giảm thiệt hại cho DN, đồng thời giảm áp lực cho khu vực cửa khẩu.

Trước tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại cửa khẩu khu vực phía Bắc, ngày 23/12, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có công văn khẩn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một số giải pháp cải thiện tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt - Trung. Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có công văn hỏa tốc số 8295/BCT-XNK chỉ đạo một số đơn vị thuộc Bộ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ nhằm giải quyết tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các bộ, ngành và Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã nỗ lực rất nhiều trong việc trao đổi với phía Trung Quốc để thông quan trở lại.

Thúc đẩy tiêu thụ trong nước, giảm thiệt hại cho hàng nông sản - Ảnh 1.

Hiệp hội ngành hàng cần nâng cao chất lượng hàng hóa, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro.

Hiện, Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách “Zero COVID”, trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hoá nhập cảnh. Lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết.

Vì vậy không loại trừ khả năng việc thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng đông lạnh qua các cửa khẩu biên giới sẽ không diễn ra như thường lệ hàng năm do lái xe chuyên trách và nhân viên lực lượng chức năng cửa khẩu xin nghỉ sớm để kịp cách ly về quê đón Tết. Những yếu tố trên sẽ là áp lực rất lớn đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới đây.

Ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thiệt hại về tiền hàng của DN lên đến 2.000 tỷ đồng (trung bình 500 triệu đồng/1 xe với khoảng 4.000 xe hàng mỗi ngày), chưa kể chi phí vận chuyển (trung bình 100 triệu/xe với tình hình ách tắc hiện tại). “Với bối cảnh sắp đến vụ thu hoạch cuối năm, là vụ cao điểm của lượng hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu khả năng thông quan không được cải thiện, con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết, để giảm tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, trước hết cần thúc đẩy tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử, chuyển hướng xuất khẩu sang các cửa khẩu của các địa phương khác ngoài Lạng Sơn… Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn, thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết Nguyên đán của phía Trung Quốc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. Trao đổi ngay với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (Cao Bằng, Hà Giang) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn. Hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác, ví dụ như đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp thủy sản đang làm rất tốt.

Đặc biệt, tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch như Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo (mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…). Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký DN xuất khẩu nông sản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các bạn hàng nước ngoài.

UBND các địa phương cũng cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu. Kinh nghiệm của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Sơn La cho thấy sự quan tâm và tích cực vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, nhất là vào thời điểm trước vụ thu hoạch, là một trong những yếu tố quan trọng giúp nông sản của tỉnh được tiêu thụ thông suốt và thuận lợi trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Đồng thời, Ban IV cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ NN&PTNT khẩn trương thông tin, làm việc với các địa phương trên cả nước để dừng tạm thời các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu, hướng dẫn người nông dân trì hoãn thu hoạch (nếu có thể) hoặc tiếp tục bảo quản tại kho, để chờ giải phóng bớt hàng ùn ứ hiện tại thì mới tiếp tục đưa hàng mới về các cửa khẩu; cùng các Bộ, ngành tổ chức chiến dịch “Người Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt” dịp cận Tết. Về lâu dài, các DN, hiệp hội ngành hàng cần nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường chế biến nông sản, chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay giải pháp tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng không còn đứng ở mức đỉnh "chót vót" ghi nhận trong ngày hôm qua đối với vàng nhẫn 9999, song giá vàng miếng SJC vẫn đang "đu đỉnh" gần 85 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia chỉ điểm "bình thường" và "bất thường" khi vàng "nhảy múa".

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Trong khi phân khúc chung cư tăng giá vùn vụt suốt cả năm 2023 kéo dài tới hiện tại vẫn ở biểu đồ đi lên thì đất nền, nhất là đất ven đô lại "ngủ" khá lâu.