Rượu bia không diệt virus
Tại chương trình, bà Phạm Khánh Phong Lan lưu ý trong cao điểm giãn cách, dịch vụ ăn uống bị ngưng toàn bộ, sau đó cho mở cửa từ từ bằng việc cho bán mang về. Hai ngày gần đây, từ 28-10, được phục vụ tại chỗ, riêng quận 7 và TP Thủ Đức được bán rượu bia (thức uống có cồn -PV) dưới dạng thí điểm.
"Tôi hy vọng sau thời gian thí điểm, các hoạt động kinh tế sẽ được mở cửa thêm chứ không phải trường hợp xấu là toàn TP đều cấm bán rượu bia tại chỗ do các chỉ số về phòng chống dịch như số ca nhiễm, số tử vong tăng lên. Khi chúng tôi tham mưu cấm rượu bia, một số ý kiến cho rằng rượu bia có thể diệt virus. Điều này hoàn toàn không đúng. Khi uống rượu bia, thực khách có xu hướng giao lưu tiếp xúc nhiều hơn, dễ lây nhiễm Covid-19, đặc biệt khi uống nhiều sẽ không kiểm soát được hành vi" - bà Phong Lan nói.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng (thứ 2 từ phải qua) cho biết sẽ tiêm vắc-xin cho trẻ từ đủ 12 tuổi. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đối với người dân khi ăn uống ngoài hàng quán, bà Phong Lan khuyến cáo nên đeo khẩu trang tối đa, chỉ tháo khẩu trang khi đang ăn uống, sau đó lại đeo vào để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, việc các quán ăn tại TP Thủ Đức và quận 7 thoải mái bán rượu bia là không đúng tinh thần chỉ đạo, vì hiện tại vẫn chưa thể mở cửa hoàn toàn. "Thật đáng tiếc, nếu có người dân nào đó phải lặn lội xa xôi để đến quận 7, Thủ Đức để ăn nhậu, gặp gỡ bạn bè, giao lưu tình cảm nhưng sau đó lại bị khuyến mãi thêm "con Covid". Chúng ta đã chịu đựng trong nhiều tháng qua, bây giờ bà con nên cố gắng thêm để trước hết an toàn cho bản thân và tránh quá tải cho ngành y tế" - bà Phong Lan khuyến cáo.
Cũng theo bà Phong Lan, hiện Ban Quản lý ATTP đang khởi động lại hệ thống thanh tra ATTP vì thời gian qua đã có tình trạng kinh doanh tự phát không được kiểm soát. "Để tránh tình trạng cơ sở phải đón tiếp nhiều đoàn thanh tra khi mới mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương để kết hợp kiểm tra về phòng chống dịch Covid-19 dựa theo các tiêu chí đã đưa ra. Ví dụ như về kế hoạch phòng chống dịch của chủ cơ sở, về sự công khai số lượng khách được phục vụ tối đa, việc tiêm vắc-xin cho nhân viên…" - bà Phong Lan lưu ý.
Tiêm vắc-xin cho trẻ từ đủ 12 tuổi
Thông tin mới nhất về tiêm vắc-xin cho trẻ em, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết sẽ tiêm cho trẻ từ đủ 12 tuổi (tức đã qua ngày sinh nhật lần thứ 12) theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tinh thần của TP HCM là tiêm cho toàn bộ trẻ ở độ tuổi từ đủ 12 đến dưới 18, trẻ đi học sẽ tiêm ở trường, trẻ không đi học sẽ tiêm tại địa phương. Ngoài ra, các trẻ đang điều trị tại các bệnh viện sẽ được tiêm ngay tại bệnh viện, kể cả trẻ em từ các tỉnh.
Trước câu hỏi của người dân về việc trẻ em bị bệnh nền thì tiêm vắc-xin như thế nào, ông Nguyễn Hữu Hưng cho hay bệnh nền thường gặp với trẻ là béo phì hoặc cao huyết áp, ung thư. "Phụ huynh cứ đưa trẻ đến điểm tiêm bình thường, bác sĩ ở đó sẽ khám sàng lọc và có chỉ định cụ thể. Trường hợp cần thiết sẽ cấp giấy chuyển viện để trẻ được tiêm tại bệnh viện để kịp thời xử lý nếu có sự cố" - Phó Giám đốc Sở Y tế trả lời.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, hiện loại vắc-xin tiêm cho trẻ độ tuổi trên là Pfizer với cùng liều lượng như người lớn và thường ít có phản ứng sau tiêm.
"Tuy nhiên, ở lứa tuổi này trẻ em còn nhỏ, ít quan tâm sức khỏe nên phụ huynh phải lưu giữ trẻ lại tối thiểu 30 phút tại điểm tiêm, sau đó bình thường mới được về. Trẻ phải được theo dõi trong 28 ngày, đặc biệt là 3 ngày đầu tiên, phụ huynh phải để mắt đến các cháu 24/24. Cần nhắc các cháu hạn chế vận động mạnh như chạy nhảy, đá banh… Trường hợp trẻ sốt cao, uống thuốc hạ sốt không đáp ứng cần chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời" - ông Nguyễn Hữu Hưng lưu ý.
Tiêm vắc-xin cho người dân quay lại TP HCM
Hiện nay, một số quán ăn cho biết chưa mở cửa lại hoặc mở cửa một phần do thiếu lao động, lao động cũ còn ở quê chưa tiêm đủ vắc-xin. Tại chương trình, bà Phạm Khánh Phong Lan và ông Nguyễn Hữu Hưng đều cho biết TP HCM chủ trương sẽ tạo điều kiện tiêm vắc-xin cho người dân quay trở lại làm ăn. Người dân có thể liên hệ với địa phương nơi cư trú hoặc chủ cơ sở lập danh sách người lao động cần tiêm vắc-xin gửi ngành y tế để triển khai tiêm vắc-xin.