Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có tổng cộng 4 công văn kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc của 116 dự án bất động sản nhà ở thương mại. Trong đó, chỉ riêng vướng mắc liên quan đến việc tính nghĩa vụ tài chính bổ sung đã chiếm hơn 1/3 tổng số dự án đang ách tắc hiện nay.
Theo tổng hợp của HoREA, gần như tất cả dự án có vướng mắc về nghĩa vụ tài chính bổ sung hoặc tiền sử dụng đất đều đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay. Cũng vì phải chờ đợi cơ quan chức năng tính tiền sử dụng đất /nghĩa vụ tài chính bổ sung nên cư dân vào ở vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, cho biết các dự án có nghĩa vụ tài chính phát sinh là do trong quá trình thực hiện dự án có thay đổi về pháp lý như điều chỉnh quy hoạch, ranh dự án… Các chỉ tiêu quy hoạch có sự thay đổi so với quy hoạch được duyệt, vì vậy cơ quan chức năng sẽ phải tính thêm nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Đơn cử, công ty TNHH Nova Sagel đề nghị hỗ trợ sớm hoàn tất thủ tục pháp lý còn lại của dự án Khu Phức hợp nhà ở và Thương mại dịch vụ tại số 119 Phổ Quang, phường 9 , quận Phú Nhuận.
Ngày 13/5/2016, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất dự án. Ngay sau đó, Sở Tài nguyên Môi trường đã triển khai thủ tục định giá tiền sử dụng đất nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Ngày 27/12/2017, UBND TP.HCM cho phép công ty được tạm nộp tiền sử dụng đất của dự án với số tiền 232,5 tỷ đồng và công ty đã hoàn tất tạm nộp.
Dự án đã được hoàn tất xây dựng và đã bàn giao nhà cho khách hàng từ cuối năm 2018. Công ty TNHH Nova Sagel đề nghị UBND TP.HCM và cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét hỗ trợ sớm hoàn tất thủ tục pháp lý còn lại của dự án bao gồm các thủ tục phê duyệt phương án tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Một dự án khác là chung cư lô 3-4, cụm I thuộc khu dân cư Trung Sơn tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần Đầu tư Việt Tâm làm chủ đầu tư có diện tích gần 1.500 m2. Dự án đã có quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng từ năm 2018.
Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư chưa thể hoàn tất các thủ tục để nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho cư dân. Lý do là còn chờ Sở Tài nguyên và Môi trường tính nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch. Một dự án khác của công ty này là chung cư cụm III, IV và trung tâm văn hóa có thu thuộc khu dân cư Trung Sơn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cách đây ba năm cũng rơi vào cảnh tương tự.
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng có ba dự án chung cư cao tầng gồm Melody Residences (quận Tân Phú), Sky Center (quận Tân Bình), 9 View Apartment (TP Thủ Đức) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2017-2018. Tuy nhiên, đến nay phần nghĩa vụ tài chính bổ sung vẫn chưa được tính xong…
Được biết, các doanh nghiệp có dự án trên đều nhiều lần kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm đẩy nhanh công tác tính tiền sử dụng đất bổ sung hoặc xác định có hay không có nghĩa vụ tài chính phát sinh. Qua đó để doanh nghiệp có cơ sở làm hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Liên quan đến tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, hiện công tác giải quyết hồ sơ thực hiện thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính đất đai đang chậm vì có khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND TP đã có nhiều văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương và Chính phủ, nhưng phần lớn chưa được tháo gỡ.
Vì thế, Sở này đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép tạm thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để kịp thời huy động nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đồng thời, giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở, thương mại dịch vụ (kèm theo biện pháp ràng buộc nhằm đảm bảo thu đủ ngân sách Nhà nước), giảm áp lực về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua trong các dự án nhà ở. Cũng như tăng thu cho ngân sách Nhà nước khi người mua nhà ở trong các dự án được cấp Giấy chứng nhận thực hiện các giao dịch liên quan.
Động thái mới nhất liên quan đến việc gỡ ách tắc tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, HoREA đã gửi văn bản kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Trong đó, nội dung quan trọng được HoREA đề xuất là chấp thuận cho UBND TP.HCM áp dụng "phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất" để tính tiền sử dụng đất tất cả các dự án nhà ở thương mại, kể cả dự án sử dụng đất có giá trị trên 30 tỷ đồng. Đây được xem là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lí gỡ được nút thắt về ách tắc tiền sử dụng đất hiện nay.
Ngoài ra, để tăng nguồn cung nhà ở trong bối cảnh lệch pha cung cầu tại TP.HCM hiện nay, HoREA còn đề xuất loạt kiến nghị khác. Bao gồm: Đề nghị thực hiện phổ biến phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm tính công khai, minh bạch. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được tiếp cận nguồn lực đất đai công bằng, đồng thời phát huy cao nhất nguồn lực từ đất đai và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng.
HoREA cũng kiến nghị tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Điều 68 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không còn cho phép thực hiện cơ chế này nên không phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã định hướng.
Hiệp hội cũng tiếp tục sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014, bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, nhà ở thì được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại…
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Cơ quan chức năng ở TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu "đất vàng" tại quận 10. Mục đích thu hồi là để xây một trường học mới.
Ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua.
TP.HCM đã có thông báo đến nhà đầu tư và doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.